Bình Thuận: Xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép

Ban thường vụ Tỉnh uỷ đề nghị xử lý nghiêm đối với các cán bộ buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm, để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép.

Ngày 4/6, ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận đã ký Công văn số 1039-CV/TU về tăng cường công tác quản lý và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoáng sản.

Khai thác khoáng sản trái phép ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh

Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng phối hợp triển khai nhiều biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoáng sản đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn, khu vực trọng điểm tiếp tục diễn biến rất phức tạp, người dân địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh.

Đặc biệt, trong tháng 4 và tháng 5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Tân đã khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can để điều tra về các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.

Theo kết quả điều tra ban đầu, các đối tượng có sự cấu kết rất tinh vi, phân công vai trò, nhiệm vụ cụ thể và có dấu hiệu của nhiều loại tội phạm.

Thời gian tới, dự báo nhu cầu vật liệu phục vụ thi công, xây dựng các công trình, dự án trong và ngoài tỉnh ngày càng tăng, tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái phép khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường sẽ diễn ra phức tạp, dễ hình thành các điểm nóng trên địa bàn, nhất là các địa bàn giáp ranh, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và môi trường đầu tư của tỉnh Bình Thuận.

Môi trường - Bình Thuận: Xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép

Ngày 24/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Bình Thuận đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hàm Tân, nguyên là Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ (49 tuổi, trú xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân) để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) liên quan đến vụ khai thác khoáng sản tại huyện Hàm Tân. (Ảnh: Đắc Phú).

Xử lý nghiêm cán bộ, công chức buông lỏng lãnh đạo để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Để giải quyết và kiểm soát hiệu quả tình hình, không để tạo thành các điểm nóng trên địa bàn tỉnh cần có sự vào cuộc cương quyết và kịp thời của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan tư pháp, nhất là vai trò của các cấp ủy đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, chủ động phòng ngừa, quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý chặt chẽ tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Trong đó, có việc lợi dụng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để khai thác khoáng sản trái phép.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, phê bình và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Môi trường - Bình Thuận: Xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép (Hình 2).

Ngày 25/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trần Viết Quý (42 tuổi, trú xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân), là công chức địa chính xã Sơn Mỹ liên quan đến vụ khai thác khoáng sản tại huyện Hàm Tân. (Ảnh: Đắc Phú).

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an tỉnh Bình Thuận và các ngành chức năng có liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ khoáng sản.

Trong đó, có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn toàn tỉnh; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý các điểm nóng về khai thác khoáng sản và xử lý nghiêm trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương có liên quan để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định (lợi dụng khai thác khoáng sản trái pháp luật).

Công an tỉnh Bình Thuận cần chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động khai thác, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ khoáng sản trái phép (khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cát, sỏi lòng sông).

Cục Quản lý thị trường Bình Thuận tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, tiêu thụ khoáng sản trái phép không có hóa đơn chứng từ theo đúng quy định. Đồng thời, cử cán bộ phối hợp chặt chẽ các đoàn của tỉnh để kiểm tra theo kế hoạch định kỳ và đột xuất.

Sở Giao thông Vận tải phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp quản lý, ngăn chặn các hành vi vận chuyển đất, cát trái phép, không có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp trên các tuyến đường, tuyến sông, nhất là các vi phạm về chở quá khổ, quá tải, làm rơi vãi đá, đất, cát, sỏi làm ảnh hưởng các công trình giao thông, công trình đê điều và các trường hợp khai thác vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy, đường bộ.

Môi trường - Bình Thuận: Xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép (Hình 3).

Bắt bị can Nguyễn Hữu Chính cầm đầu đường dây khai thác cát ở huyện Hàm Tân. (Ảnh: Đắc Phú).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với tổ chức đảng các cơ quan bảo vệ pháp luật rà soát các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực liên quan đến hoạt động khai thác, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ khoáng sản trái phép,... để báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Cấp ủy các địa phương phải thường xuyên lãnh đạo chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh, tận gốc các hành vi khai thác, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ khoáng sản trái phép và các hành vi vi phạm khác có liên quan với tinh thần kiên quyết đấu tranh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không để các vấn đề liên quan đến đất đai, khoáng sản gây bức xúc trong Nhân dân, không để trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để xử lý theo quy định; kịp thời thay thế, điều chuyển, kiện toàn cán bộ công tác trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn của địa phương, đơn vị.

Theo công văn, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ ra các địa bàn, khu vực xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Khu vực giáp ranh giữa xã Gia An và xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh; xã Tân Hà, huyện Đức Linh (khu vực Suối Kè và các khu vực lân cận). Khu vực bàu Sen, thị trấn Đức Tài và trạm bơm Đức Tài (sông La Ngà đoạn đi qua thị trấn Đức Tài). Khu vực giáp ranh giữa xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh và xã Gia An, huyện Tánh Linh (lòng hồ Biển Lạc, suối Lăng Quăng, sông La Ngà...).

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/binh-thuan-xu-ly-nghiem-can-bo-de-xay-ra-khai-thac-khoang-san-trai-phep-a167190.html