Việt Nam tích cực đề cao giá trị Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc

Đoàn Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc xác định thềm lục địa ngoài 200 hải lý; góp phần làm rõ ranh giới giữa thềm lục địa của các nước thành viên Công ước và khu vực đáy đại dương quốc tế, tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ và hiệu quả quy chế của Công ước về quản lý và chia sẻ công bằng lợi ích và tài nguyên khoáng sản tại khu vực này.

Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc (SPLOS) lần thứ 34 được tổ chức từ ngày 10-14/6. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ dẫn đầu, cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc tham dự Hội nghị.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Hội nghị SPLOS-34.Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Hội nghị SPLOS-34.

Năm 2024 đánh dấu 30 năm Công ước có hiệu lực, cũng là kỷ niệm 30 năm Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước.

Thông qua việc tham dự và các phát biểu, thảo luận tại Hội nghị, Việt Nam khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là một trong các nước đi đầu trong việc đề cao, tôn trọng và thực thi Công ước; đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong quản trị và sử dụng bền vững biển và đại dương, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Thứ trưởng thường trực Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của Công ước là “Hiến pháp của đại dương” - văn kiện pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực biển và đại dương, là căn cứ quan trọng cho việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 của Liên Hợp quốc về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và các tài nguyên biển; đồng thời nêu bật một số thách thức đang nổi lên đối với quá trình thực hiện Công ước thời gian qua như ô nhiễm môi trường biển, khai thác biển và tài nguyên biển quá mức, sự phát triển của công nghệ biển mới, sự phát triển của các loại hình tội phạm trên biển, leo thang căng thẳng khu vực, các điểm nóng trên thế giới và hành vi đơn phương của các quốc gia đe dọa an toàn và an ninh hàng hải… Việt Nam kêu gọi các nước thành viên tiếp tục thực hiện Công ước một cách thiện chí, đặc biệt tăng cường hợp tác toàn diện về biển và đại dương.

Thứ trưởng thường trực Nguyễn Minh Vũ thông tin tới Hội nghị những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước, đặc biệt gần đây là việc Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), tham gia tích cực vào tiến trình xin ý kiến tư vấn của Tòa án Luật Biển về biến đổi khí hậu cũng như những kết quả hợp tác biển của Việt Nam với các nước trong khu vực.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và đoàn Việt Nam tại Hội nghị SPLOS-34.Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và đoàn Việt Nam tại Hội nghị SPLOS-34.

Về Biển Đông, Trưởng đoàn Việt Nam đề nghị các nước thành viên thực hiện chính sách biển một cách trách nhiệm và hợp pháp, cùng nhau bảo đảm hòa bình, ổn định, thịnh vượng và sự phát triển bền vững.

Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định, môi trường hòa bình và ổn định để phục vụ cho phát triển bền vững ở Biển Đông chỉ có thể được bảo đảm khi các quốc gia thiết lập vùng biển của mình phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và nghiêm túc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán theo công ước cũng như duy trì sự kiềm chế để cùng nhau giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp quốc và UNCLOS; khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực cùng các nước trong khu vực thúc đẩy tôn trọng Công ước, thực hiện đầy đủ DOC và nỗ lực đàm phán để đạt được COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bên cạnh những vấn đề chung về việc thượng tôn và thực thi Công ước, Đoàn Việt Nam cũng đánh giá các cơ quan được thành lập theo Công ước đều góp phần quan trọng trong việc thiết lập trật tự pháp lý trong lĩnh vực biển và đại dương, duy trì hòa bình và an ninh biển và đạt nhiều kết quả trong một năm qua, bao gồm Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS), Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) và Cơ quan Quyền lực đáy đại dương (ISA).

Cụ thể, Trưởng đoàn Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò của ITLOS trong giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan đến áp dụng và giải thích Công ước, kêu gọi các quốc gia thành viên Công ước giải quyết các tranh chấp, xung đột và khác biệt bằng biện pháp hòa bình, nghiêm túc thực hiện các phán quyết và quyết định của ITLOS cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại Công ước.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị SPLOS-34.Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị SPLOS-34.

Việt Nam ghi nhận vai trò ngày càng lớn của ITLOS trong việc góp phần giải thích các quy định của Công ước thông qua quá trình giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên Công ước. Đồng thời, tiến trình ban hành các ý kiến tư vấn của ITLOS trong thời gian qua đã làm sáng tỏ thêm nhiều quy định của Công ước, đặc biệt là việc ban hành ý kiến tư vấn về vấn đề biến đổi khí hậu ngày 21/5/2024 vừa qua.

Đồng thời, Đoàn Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc xác định thềm lục địa ngoài 200 hải lý; góp phần làm rõ ranh giới giữa thềm lục địa của các nước thành viên Công ước và khu vực đáy đại dương quốc tế, tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ và hiệu quả quy chế của Công ước về quản lý và chia sẻ công bằng lợi ích và tài nguyên khoáng sản tại khu vực này. Trên cơ sở này, Việt Nam kêu gọi thực hiện các biện pháp thiết thực để đẩy nhanh quá trình CLCS xem xét các báo cáo về thềm lục địa ngoài 200 hải lý đã được đệ trình.

Đoàn Việt Nam hoan nghênh Hội đồng ISA đã có lộ trình hoàn tất xây dựng Quy chế khai thác khoảng sản tại khu vực đáy đại dương quốc tế, khẳng định việc khai thác cần bảo đảm bảo vệ môi trường biển và chia sẻ công bằng lợi ích; đề cập sự tham gia, đóng góp tích cực của thành viên Việt Nam tại Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật (LTC) của ISA; kêu gọi ISA tiếp tục có các hoạt động xây dựng năng lực dành cho các quốc gia đang phát triển, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ.

Nhân dịp Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có các cuộc gặp và tiếp xúc bên lề với Phó Tổng thư ký phụ trách pháp lý của Liên Hợp quốc, Chánh án ITLOS, Chủ tịch CLCS và một số đoàn tham dự Hội nghị, bao gồm: Philippines, Lào, Malaysia… để thông tin, trao đổi các vấn đề cùng quan tâm và thúc đẩy các hoạt động hợp tác về biển và đại dương trong thời gian tới.

SPLOS là Hội nghị hằng năm, được tổ chức theo triệu tập của Tổng thư ký Liên hợp quốc theo quy định tại Công ước Luật Biển. Đây là diễn đàn quan trọng để các quốc gia thành viên cùng trao đổi, thảo luận báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc về biển và đại dương và hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước, bao gồm Tòa án Luật Biển quốc tế, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, và Cơ quan Quyền lực đáy đại dương. Hội nghị cũng nghe và thảo luận các báo cáo về tổ chức công việc và ngân sách của các cơ quan thành lập theo Công ước.

Theo baoquocte.vn (t/h)

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/viet-nam-tich-cuc-de-cao-gia-tri-cong-uoc-luat-bien-cua-lien-hop-quoc-a168551.html