Trong chương trình tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên thảo luận với GS Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của WE và khoảng 20 lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế lớn của WEF.
Phiên thảo luận này chủ yếu tập trung vào chuyển đổi số, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và vai trò Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
GS Klaus Schwab chia sẻ, WEF rất vui mừng vì có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, một ngôi sao sáng đang phát triển nhanh của kinh tế thế giới.
Tại phiên thảo luận, ông Brand Cheng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Foxconn đã nhắc lại về cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 1/2023. Theo đó, ông đã báo cáo với Thủ tướng về việc đặt thêm nhà máy ở Việt Nam. Nhà máy này đã được đưa vào sản xuất vào tháng 4/2024. Đây chính là ví dụ cho thấy sự quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế.
Chủ tịch của Foxconn chia sẻ, tính đến nay, các nhà máy của Tập đoàn đã được hiện diện ở 5 tỉnh ở Việt Nam, với 80.000 nhân viên và có tổng đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
Theo VGP, ông Brand Cheng nhấn mạnh: "Việt Nam đang phát triển nhanh và chúng tôi phát triển cùng Việt Nam".
Tại phiên thảo luận vào sáng 26/6 tại WEF 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố môi trường hòa bình hòa bình, ổn định để phát triển, từ đó bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư. Đặc biệt, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam.
Tập đoàn đầu tư 4 tỷ USD vào Việt Nam kinh doanh ra sao?
Tập đoàn KHKT Hồng Hải (tên giao dịch quốc tế là Foxconn Technology Group) được thành lập vào năm 1974 ở Đài Loan (Trung Quốc). Tập đoàn có nền tảng là sản xuất khuôn mẫu và sau đó phát triển thành một doanh nghiệp dịch vụ công nghệ cao. Foxconn nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiệt bị điện tử tiêu dùng.
Hiện nay, Foxconn là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đồng thời lắp ráp thiết bị cho một số công ty. Foxconn được coi là nhà thầu lớn nhất của Apple. Cụ thể, Foxconn là đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple.
Tính đến năm 2012, các nhà máy của Foxconn sản xuất ước tính tới 40% tất cả các thiết bị điện tử tiêu dùng được bán trên toàn thế giới.
Foxconn có hơn 800 công ty và chi nhánh trải dài ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Mỹ, Singapore, Việt Nam… Vào thời kỳ cao điểm, tổng số nhân viên toàn cầu của Foxconn là khoảng 1 triệu người. Tại Việt Nam, Foxconn không phải là cái tên xa lạ. Từ tháng 3/2007, Foxconn đã có mặt ở các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh…
Trong các sản phẩm được Foxconn sản xuất, nổi bật nhất có Iphone, Ipad và Ipod (Apple), Kindle (Amazon), PlayStation (Sony)… Đây đều được coi là những sản phẩm của các tập đoàn hàng đầu thế giới, với số lượng người dùng vô cùng đông đảo. Chúng đều được Tập đoàn Foxconn lắp ráp hoàn chỉnh trước khi tới tay khách hàng.
Bên cạnh việc lắp ráp và sản xuất các sản phẩm điện tử, Foxconn cũng cung cấp nhiều giải pháp công nghệ, nghiên cứu các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, y tế điện tử, các thiết bị chạy trên nền tảng 5G và 6G…
Năm 2021, Tập đoàn Foxconn đạt doanh thu lên tới gần 215 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm trước. Năm 2022, doanh thu của Foxconn đạt hơn 219 tỷ USD, tăng 2,23% so với năm 2021. Đến năm 2023, doanh thu của tập đoàn này đạt hơn 198 tỷ USD, giảm 9,65% so với năm 2022.
Cũng trong năm 2023, Tập đoàn Foxconn được xếp thứ 20 trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu theo Tạp chí Fortune của Mỹ.
Mới đây nhất, theo báo cáo tài chính mới nhất của Foxconn, nhà sản xuất linh kiện điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan (Trung Quốc), có lợi nhuận ròng trong quý I/2024 đạt 22,01 tỷ Đài tệ (tương đương với 679 triệu USD), tăng mạnh 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả ấn tượng này là quý thứ 3 liên tiếp lợi nhuận của Foxconn tăng trưởng, đồng thời củng cố vị thế dẫn đầu của tập đoàn trong ngành công nghiệp điện tử.
Hiện nay, hoạt động của Foxconn chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, nhưng tập đoàn cũng đang tìm cách để đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro và mở rộng thị trường. Theo đó, không dừng lại ở việc sản xuất linh kiện, Tập đoàn Foxconn đang đặt ra tham vọng lớn hơn ở lĩnh vực lắp ráp thiết bị điện tử.
Foxconn đang tiến hành đầu tư mạnh vào thị trường công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu trở thành một nhà cung cấp nền tảng tình huống toàn diện. Tập đoàn hiện đang hợp tác với "gã khổng lồ chip" Nvidia để xây dựng nhà máy AI, những trung tâm xử lý dữ liệu tiên tiến được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy sản xuất những sản phẩm thế hệ tiếp theo.
Bài tham khảo nguồn: VGP, Foxconn, Reuters