Nhiều quyết sách đúng đắn quyết định sự phát triển của tỉnh
Theo báo cáo tại kỳ họp, 6 tháng đầu năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức thành công kỳ họp thứ 13 và 14 (chuyên đề) của HĐND tỉnh để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, thông qua 10 nghị quyết trình tại kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động triển khai công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 15 (giữa năm 2024), HĐND tỉnh khóa X theo quy định. Công tác chuẩn bị các kỳ họp đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình.
Trong 6 tháng đầu năm, Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và chương trình công tác đề ra. Hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp công dân được quan tâm thực hiện, đảm bảo về nội dung và thời gian theo kế hoạch. Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; các kiến nghị sau các đợt giám sát của HĐND tỉnh thực hiện nghiêm túc; công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp tục được duy trì.
Tính đến 14-6-2024, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 11 quyết định quy phạm pháp luật, 5 chỉ thị, 956 quyết định hành chính, 206 kế hoạch, 48 tờ trình, 183 thông báo kết luận, 19 báo cáo, 37 giấy phép, hơn 2.346 văn bản điều hành khác để chỉ đạo, giải quyết các vấn đề cụ thể theo thẩm quyền.
Nhờ bám sát các định hướng, giải pháp của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để chỉ đạo điều hành mà kinh tế - xã hội đạt được những kết quả tích cực. Trong 22 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024, đã có 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, gồm: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị; tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước hợp vệ sinh; số giường bệnh/vạn dân; số bác sĩ/vạn dân. Các chỉ tiêu còn lại phấn đấu đến cuối năm đều có khả năng đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm của tỉnh ước tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 18 so với cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 5.355 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 7.893 tỷ đồng, đạt 56% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 11% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 16.376 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Công tác phát triển doanh nghiệp và phát triển hợp tác xã được quan tâm, có nhiều khởi sắc.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 197/390 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 50,51%, tăng 57 trường, tăng 14,56 điểm % so với cùng kỳ. Mạng lưới y tế đã đảm bảo đầy đủ thuốc và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực và điều trị bệnh. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện; hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn, người nghèo, người lao động được triển khai kịp thời, hiệu quả. Công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm.
Đối với lĩnh vực giao thông, đến nay, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 13-5-2024; cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 28-6-2024.
Công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện toàn diện và hiệu quả. Đến nay, tỉnh Bình Phước có 1.417 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đạt 84,39/100 điểm, xếp thứ 3 cả nước, tăng 43 bậc và dẫn đầu cả nước về điểm số tăng trưởng.
Tình hình quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm về số vụ và số người chết so với cùng kỳ. Công tác thông tin truyền thông, đối ngoại được mở rộng.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong bức tranh kinh tế vẫn còn một số khó khăn như: Năng suất, sản lượng của cây điều, cây tiêu là 2 cây trồng chủ lực của tỉnh giảm so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, hạn hán kéo dài. Thu hút vốn đầu tư đạt thấp, trong đó đầu tư trong nước đạt 10,05%, đầu tư nước ngoài FDI đạt 20,63% kế hoạch. Thu tiền sử dụng đất đạt thấp (11% dự toán HĐND tỉnh giao). Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một số cơ sở chăn nuôi chưa nghiêm, tình trạng xả nước thải chưa xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường vẫn còn diễn ra.
Bình Phước sớm trở thành điểm đến hấp dẫn trong vùng Đông Nam Bộ
Trong tình hình kinh tế ổn định, tăng trưởng tốt, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: Bình Phước tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu, nghị quyết của tỉnh đề ra đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đầu tư công, quốc phòng - an ninh, cải cách hành chính. Để thu hút đầu tư tỉnh phải thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực kinh doanh; tập trung thực hiện quyết liệt lĩnh vực giao thông tạo liên kết vùng đúng tiến độ, lộ trình được đề ra. Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, nông nghiệp sạch. Với đặc thù là tỉnh biên giới cần phát triển đối ngoại tốt hơn nữa để góp phần đảm bảo an ninh biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống các đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách người có công, gia đình chính sách.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin rằng với tinh thần đoàn kết, vươn lên mạnh mẽ, Bình Phước sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Sớm trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại, văn minh và là điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư trong vùng Đông Nam Bộ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà cho HĐND tỉnh Bình Phước
Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung vào các nội dung: Rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tỉnh, thực hiện quyết liệt, hiệu quả tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024, tiến tới hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ. Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, bền vững; ứng dụng hiệu quả các thành tựu, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra đột phá, lợi thế phát triển. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, trong đó khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh liên quan đến việc triển khai xây dựng cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) vừa được Quốc hội thông qua. Quan tâm triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia. Hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch tỉnh. Bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục quan tâm công tác đối ngoại, giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tập trung đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các ý kiến, kiến nghị của nhân dân. HĐND chủ động nghiên cứu, thông qua công tác giám sát tham gia ý kiến, đóng góp tích cực cho việc nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/binh-phuoc-som-tro-thanh-diem-den-hap-dan-trong-vung-dong-nam-bo-a171731.html