Doanh nghiệp tăng đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm

Tuy nhiên, không ít DN vẫn đối diện khó khăn khi giá trị mỗi đơn hàng thấp hơn, áp lực tỉ giá vẫn đè nặng và các chi phí sản xuất tăng.

Xuất khẩu dệt may đang ấm dần

Ngày 14/7, nhiều DN dệt may cho hay đã nhận đủ đơn hàng cho quý 3 và đang đàm phán hợp đồng cho quý 4. Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - cho hay các đơn hàng xuất khẩu của May 10 đã lấp đầy đến hết tháng 10-2024. Ông Việt dự báo sáu tháng cuối năm, các đơn hàng sẽ sôi động hơn nhờ mùa lễ hội như Giáng sinh và Tết dương lịch, Tết âm lịch.

Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - nhận định nếu không có biến động lớn trên thế giới, thị trường dệt may sáu tháng cuối năm 2024 sẽ ấm lên đáng kể. Nguyên nhân chính là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có kế hoạch giảm lãi suất, cùng với mùa mua sắm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao.

Tuy vậy ông Tùng nhận định thách thức lớn với ngành dệt may hiện không phải thiếu đơn hàng mà là đơn hàng có giá trị thấp. "Nhiều DN không dám nhận vì giá quá thấp. Đơn hàng nhỏ, giá thấp khiến khó tuyển dụng đủ lao động để sản xuất, rủi ro cao trong việc giao hàng đúng hạn và có lợi nhuận", ông Tùng nói.

Ông Phạm Quang Anh - giám đốc Công ty may mặc Dony - xác nhận DN của ông may mắn có lượng đơn hàng "dồn dập" đến hết tháng 9 song các đơn hàng có giá trị thấp và ngắn hạn. Ông cho biết những năm qua, DN của ông phải chấp nhận việc giảm lợi nhuận trên mỗi sản phẩm xuống còn 60-70% so với trước và đánh giá đây là xu hướng dài hạn chứ không phải do kinh tế khó khăn.

Nhiều tin vui từ xuất khẩu rau quả

Theo thông tin từ nhiều nhà vườn, hiện giá sầu riêng đang có xu hướng ngày càng tăng. Sầu riêng Thái đã được nhiều nhà vườn khu vực Tây Nguyên chốt cọc với thương lái giá 90.000 - 95.000 đồng/kg, tăng đến 15.000 - 20.000 đồng/kg so với 1 - 2 tháng trước (thời điểm chính vụ của vùng Nam Bộ).

Ông Nguyễn Tấn Đạt, chủ một DN xuất khẩu trái cây tại TP.HCM, cho biết thời điểm chính vụ của sầu riêng tại Thái Lan và Malaysia là từ tháng 4 đến tháng 7, nên thời điểm này cuối mùa, không có nhiều sản lượng để cạnh tranh với hàng Việt. Trung Quốc tập trung nhập từ Việt Nam dẫn đến giá sầu riêng tăng cao.

"Sang tháng 8 và 9, khu vực Tây Nguyên vào vụ thu hoạch sầu riêng, giá loại 1 có thể tăng lên 95.000 - 100.000 đồng/kg. Sản lượng sầu riêng khu vực Tây Nguyên chiếm phân nửa cả nước, nên giá bán tăng cao đồng nghĩa giá trị xuất khẩu của mặt hàng này sẽ rất tốt", ông Đạt nhận định.

Ngày 14-7, ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay ước tính sáu tháng đầu năm Việt Nam xuất được khoảng 1,5 tỉ USD sầu riêng. Với đà tăng giá này, sáu tháng còn lại có thể đạt thêm 1,8 - 2 tỉ USD. "Nếu thuận lợi, giá trị xuất khẩu sầu riêng cả năm nay có thể đạt 3,5 tỉ USD, tăng mạnh so với mức hơn 2,3 tỉ USD của năm 2023", ông Nguyên nói.

Trong khi đó, giá giao dịch nhiều mặt hàng nông sản khác hiện cũng ở mức tốt. Giá cà phê nhân nhiều tháng qua neo ở mức khá cao với dao động 115.000 - 127.000 đồng/kg tùy loại, mức cao lịch sử trong ngành hàng này, và tăng gấp 2 - 3 lần so với mức phổ biến của năm ngoái. Đại diện Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam cho biết với nguồn cung toàn cầu dự báo sụt giảm, so với các năm trước, giá cà phê thời gian tới khả năng sẽ còn ở mức tốt kéo dài.

PHƯƠNG NAM (T/h)

PHƯƠNG NAM

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/cuoi-nam-2024-doanh-nghiep-tang-don-hang-xuat-khau-a173043.html