Sức hấp dẫn của thị trường thể hiện ở số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước tăng kỷ lục. Tính đến cuối năm 2020, số lượng nhà đầu tư đã đạt gần 2,9 triệu tài khoản.
LÃI TIẾT KIỆM THẤP "ĐẨY" TIỀN VÀO CHỨNG KHOÁN
Tại cuộc toạ đàm về "Triển vọng thị trường chứng khoán năm 2021" tổ chức ngày 26/3, nhận định về sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2021 có tiếp diễn đà tăng trưởng của năm 2020 hay không, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), kỳ vọng TTCK tiếp tục khởi sắc, dù đại dịch Covid-19 vẫn là nhân tố bí ẩn, là "đám mây che bớt ánh sáng" TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, với các yếu tố tích cực từ vĩ mô, các chính sách về kinh tế vẫn ổn định sẽ phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh.
Đặc biệt, nhà đầu tư được hỗ trợ tâm lý tốt khi vaccine đang được tiêm phổ biến ở các nước và Việt Nam cũng chuẩn bị nghiên cứu áp dụng "hộ chiếu vaccine".
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp cũng là yếu tố khiến đầu tư vào chứng khoán hấp dẫn.
Về phía cơ quan quản lý sẽ tiếp tục các chính sách phát triển thị trường theo hướng bền vững, như ban hành các văn bản, xây dựng TTCK đến năm 2023 tăng về quy mô và tăng chất lượng.
Việc tái cấu trúc thị trường sẽ được triển khai cấp tập trong năm nay vì Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã có hiệu lực. UBCKNN đang chuẩn bị để thực hiện việc này. Song hành là tái cấu trúc hàng hoá và hỗ trợ TTCK phát triển theo thông lệ quốc tế. Kỳ vọng hệ thống công nghệ thông tin mới sẽ hỗ trợ thay đổi có tính chất bước ngoặt đối với TTCK.
Sức hấp dẫn của thị trường thể hiện ở số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước tăng kỷ lục. Tính đến cuối năm 2020, số lượng nhà đầu tư đã đạt gần 2,9 triệu tài khoản. Tốc độ tăng trưởng mới tài khoản đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập thị trường đến nay. Dù vậy, so với tổng dân số Việt Nam, tỷ trọng nhà đầu tư tham gia TTCK vẫn còn thấp so với nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán. Có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường, trên thế giới, các ngân hàng trung ương lớn: Mỹ (Fed), Châu Âu (ECB), Nhật (BOJ), Trung Quốc (BOC) vẫn thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, bơm tiền hỗ trợ thanh khoản nhằm khôi phục nền kinh tế. Điều này sẽ giúp cho mặt bằng lãi suất thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tại Việt Nam cũng vậy, lãi suất tiền gửi đang rất thấp khiến nhiều người phải xem xét tới các kênh đầu tư khác ngoài kênh truyền thống là gửi tiết kiệm.
Giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển sàn để giúp giảm nghẽn lệnh trên HSX hiện đã có 10 doanh nghiệp tự nguyện. Sắp tới, UBCKNN có thể đề nghị một nhóm ngành nào đó, thí dụ, nhóm ngành chứng khoán sẽ chuyển sang sàn HNX. Như thế mới đủ khối lượng để giảm tải cho sàn HSX nhanh hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra liệu xử lý xong có xảy ra tình trạng nghẽn tại sàn HNX? Nếu các công ty kỹ thuật đảm bảo không nghẽn lệnh, chúng tôi mong muốn làm càng nhanh càng tốt.
- Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam -
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều điều kiện để tăng trưởng tốt trong 5 -10 năm tới với sự tăng trưởng GDP trung bình 7%.
Nhìn vào sự hấp dẫn về định giá, các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam có thể tăng trưởng 20% về kết quả kinh doanh. Với mặt bằng như hiện nay, chỉ số VN-Index có thể lên mức 1.300-1.350 điểm trong năm 2021.
Các nhóm ngành được kỳ vọng từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn sắp tới, như: xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, tài nguyên cơ bản, sắt, thép, xi măng, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, kinh tế số... hay ngành hàng không, du lịch, bất động sản, ngành bán lẻ, tiêu dùng cũng được hỗ trợ nhiều hơn khi dịch qua đi và vaccine được tiêm đại trà, do đó, kỳ vọng nhóm ngành này có sự hồi phục trong 6 tháng cuối năm.
QUÝ III, VỐN NGOẠI SẼ MUA RÒNG TRỞ LẠI
Về dòng vốn ngoại đang dịch chuyển khỏi Việt Nam, theo bà Bình đây là điều dễ hiểu vì TTCK Việt Nam vẫn là cận biên, chưa là thị trường mới nổi. Tiêu chí đầu tư của nhiều quỹ lớn nước ngoài, khi có khủng hoảng sẽ rút bớt nguồn vốn ở những thị trường có độ rủi ro cao hơn, chuyển vốn về những thị trường hoặc sản phẩm tài chính có độ an toàn tốt hơn. Kỳ vọng trong quý II, chậm nhất là quý III/2021, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại Việt Nam vì họ nhìn thấy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, nguyên nhân vốn ngoại rút khỏi thị trường đó là lợi suất trái phiếu ở Mỹ và Châu Âu đang gia tăng. Nhưng dòng vốn này sẽ mua ròng trở lại vì chính sách nới lỏng tiền tệ và cam kết duy trì lãi suất thấp của Fed đến cuối năm 2022, điều này khiến lợi suất trái phiếu đang tăng hiện nay chỉ là ngắn hạn.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, khối ngoại bán ròng hơn 13.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam.
Thêm nữa, yếu tố nội tại của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt so với các quốc gia trên thế giới vì ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hơn.
Với việc nhiều luật mới được áp dụng cho TTCK thời gian tới sẽ giúp khơi thông dòng vốn ngoại, chẳng hạn, giảm những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, room ngoại sẽ được mở toang đối với ngành nghề không có điều kiện, đây là yếu tố được nhà đầu tư ngoại đánh giá cao.
Đối với vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là câu chuyện riêng có của Việt Nam và rất thu hút nhà đầu tư ngoại. Do đó, hành động mua ròng của nhà đầu tư ngoại sẽ trở lại vào khoảng quý II, quý III/2021 cùng với hồi phục của nền kinh tế và sức khoẻ doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, để TTCK thực sự hấp dẫn hơn nữa, phải phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hơn, để các sản phẩm mới, như: giao dịch T0, mua bán trong ngày, bán khống… được áp dụng, vì pháp luật đã cho phép thực hiện từ ngày 15/3/2021.
Theo Linh Lan
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/khi-nao-von-ngoai-het-dao-chieu-a17419.html