Ngày 18/4, Bitcoin có một đợt điều chỉnh giá mạnh. Từ mức khoảng 60.000 USD, giá của đồng tiền mã hóa có lúc giao dịch dưới 50.000 USD, trước khi quay trở lại tầm 55.000 USD.
Theo Coin Telegraph, có thể có hai sự việc dẫn tới đợt điều chỉnh này. Đó là sự cố mất điện tại Tân Cương, Trung Quốc, nơi được coi là “trang trại đào coin” hàng đầu thế giới; và thông tin cảnh báo nhiều tổ chức tài chính lớn sẽ gặp rắc rối vì tiền mã hóa.
Những sự kiện gây sóng gió với Bitcoin
Việc Bitcoin mất giá khiến nhiều người tham gia thị trường tiền mã hóa cũng mất số tiền lớn. Theo trang thống kê Bybt, trong 24 giờ tính đến sau thời điểm Bitcoin chạm mức giá 50.000 USD, tổng lượng vị thế bị thanh toán trên các sàn giao dịch lên tới hơn 10 tỷ USD. Với mức sụt giảm 7.000 USD trong một giờ, Bitcoin đã có đợt mất giá nhanh nhất kể từ tháng 2.
Theo Coin Telegraph, nhiều nhà phân tích cho rằng có 2 sự kiện nhiều khả năng dẫn tới mức mất giá mạnh. Đó là sự cố tại Tân Cương khiến độ khó khai thác Bitcoin giảm mạnh, và nguồn tin giấu tên cho rằng nhiều tổ chức tài chính sẽ bị xử phạt vì liên quan đến các giao dịch rửa tiền bằng tiền mã hóa.
Độ khó để “đào” Bitcoin, được tính bằng tổng năng lực giải thuật toán (còn gọi là hashrate) của các máy tính tham gia mạng lưới, đã giảm mạnh vào ngày 16/4. Theo ước lượng của một số chuyên gia, hashrate đã giảm gần một nửa vì một sự cố mất điện quy mô lớn tại Tân Cương, Trung Quốc. Đây là nơi nhiều “thợ đào” Bitcoin lựa chọn để đặt các trang trại cày tiền mã hóa.
“Giá Bitcoin và hashrate luôn có sự tương đồng”, nhà thống kê Willy Woo nhận xét. Tuy nhiên, ông Woo cũng chia sẻ thêm rằng sự điều chỉnh có thể chỉ mang tính tạm thời, bởi hashrate có thể hồi phục lại rất nhanh. Tới sáng 19/4, hashrate mạng lưới Bitcoin đã đạt 154.24 EH/s, bằng khoảng 90% con số trước khi sụt, theo Bitcoin.com.
Nguyên nhân thứ hai được nhiều người chỉ ra là một dòng tweet từ tài khoản có tên FXHedge. Tài khoản này cho biết Bộ Tài chính Mỹ sắp trừng phạt nhiều tổ chức tài chính vì liên quan đến rửa tiền bằng tiền mã hóa.
Dòng tweet này dẫn nguồn ẩn danh, và cũng không nói rõ tổ chức tài chính nào sẽ bị phạt. Tuy nhiên nó nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt thích, đăng lại, và giá Bitcoin đã giảm ngay sau đó.
Sự mong manh của thị trường tiền mã hóa
Bitcoin mất giá kéo theo một loạt đồng tiền mã hóa khác cũng giảm giá mạnh. Theo Bloomberg, Ethereum, tiền mã hóa với vốn hóa lớn thứ hai đã giảm 18%. Binance Coin, XRP và Cardano, những đồng tiền mã hóa lớn đứng sau cũng giảm hơn 12%.
Đồng tiền duy nhắt không bị giảm mạnh trong top 10 về vốn hóa là Dogecoin, thường được coi là một trò đùa và hay được tỷ phú Elon Musk nhắc đến.
Sự sụt giảm này cho thấy thị trường tiền mã hóa vẫn có những đợt điều chỉnh với biến động rất lớn. Mới chỉ đầu tuần trước, các đồng tiền mã hóa đều tăng mạnh với tổng giá trị vượt mức 2,25 nghìn tỷ USD, một phần do chờ đợi đợt phát hành cổ phiếu của Coinbase.
Sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ đã phát hành cổ phiếu ra công chúng vào ngày 14/4, và kết thúc tuần qua với giá trị vốn hóa thị trường đạt 68 tỷ USD, tức là cao hơn cả Sàn giao dịch chứng khoán New York.
“Nghĩ lại thì đó là chuyện tất nhiên. Thị trường đã quá hưng phấn với đợt niêm yết cổ phiếu của Coinbase. Các đồng tiền cơ bản tăng giá, còn các loại như BSV, XRP hay DOGE tăng mạnh. Tất cả đều là dấu hiệu cho thấy thị trường đang đi theo một chiều”, nhà sáng lập Galaxy Digital Michael Novogratz nhận định.
Dấu hiệu cho sự điên rồ của thị trường là Dogecoin, vốn không có tính năng gì đặc biệt, tăng giá mạnh và đạt giá trị vốn hóa tới 50 tỷ USD trước khi giảm sâu vào ngày 17/4. Những nhà đầu tư đổ xô đi mua Dogecoin khiến sàn giao dịch Robinhood sập vài lần vào ngày 16/4.
“Thế giới tiền mã hóa sẽ có một ngày mệt mỏi. Mức tăng 100% của Dogecoin trong ngày 16/4 là thời kỳ tiệc tùng cao điểm, sau khi Bitcoin phá đỉnh và Coinbase lên sàn trong tuần. Sự phấn khích ở khắp nơi. Và cũng như những gì từng đến trong thế giới tiền mã hóa, sẽ có người phải trả giá khi điều đó diễn ra”, Antoni Trenchev, nhà sáng lập công ty cho vay bằng tiền mã hóa Nexo nhận xét.
Sự phấn khích ở khắp nơi. Và cũng như những gì từng đến trong thế giới tiền mã hóa, sẽ có người phải trả giá khi điều đó diễn ra.
Antoni Trenchev, nhà sáng lập công ty cho vay bằng tiền mã hóa Nexo
Ngoài 2 nguyên nhân nói trên, ông Trenchev cho rằng sự sụp đổ của thị trường trong ngày 18/4 còn đến từ mức vay đòn bẩy quá lớn trên các sàn giao dịch, cũng như thông tin rằng các lãnh đạo Coinbase đã nhanh chóng bán lượng cổ phiếu của mình sau khi công ty lên sàn.
Theo số liệu của Capital Market Laboratories, khoảng gần 13 triệu cổ phiếu Coinbase đã bị chủ sở hữu sớm, bao gồm những nhà sáng lập và các cổ đông thời kỳ đầu, bán ra với tổng giá trị khoảng 4,6 tỷ USD.
Trong đó, Giám đốc tài chính Alesia Haas bán khoảng 255.500 cổ phiếu, trong khi CEO Brian Amstrong bán 749.999 cổ phiếu.
Trước đó, việc ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không công nhận hình thức thanh toán bằng tiền mã hóa từ 30/4 cũng khiến Bitcoin giảm 5% trong ngày 17/4.
Bài viết của Yahoo Finance nhận định giá Bitcoin vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các thông tin về gói kích thích kinh tế, tình hình kinh tế Mỹ nói chung và các chính sách của những quốc gia khác.
Trước đó, trong năm 2020 và đầu năm 2021, tuyên bố chấp nhận và đầu tư Bitcoin của nhiều tổ chức tài chính, công ty lớn như PayPal, JPMorgan, Tesla khiến giá đồng tiền mã hóa này tăng nhanh.
Hà My
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/hai-su-co-khien-thi-truong-bitcoin-mat-ca-chuc-ty-usd-a17784.html