Ở tuổi 42, Lu Hong (Giang Tô, Trung Quốc) là chủ một doanh nghiệp sản xuất giấy, văn phòng phẩm có doanh thu hàng năm là 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu USD), theo South China Morning Post.
"Tôi kiên định khi làm mọi thứ. Chỉ cần tôi bắt đầu dấn thân vào một việc nào đó, tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành nó", doanh nhân 42 tuổi nói.
Bước ngoặt cuộc đời Lu Hong đến khi anh 10 tháng tuổi. Sau một trận sốt, anh bị bại não, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Những năm đầu đời, Lu gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, thường xuyên bị trêu chọc vì tình trạng sức khỏe.
"Nhiều người thường nhìn tôi với thái độ khinh thường và chế giễu".
Lu Hong trải qua tuổi thơ khó khăn vì bệnh bại não. |
Học xong cấp 2, Lu được bố mẹ gửi đến một trường dạy nghề. Tuy nhiên khi tốt nghiệp, anh không thể tìm được việc làm.
"Một giám đốc nhà máy từng nói với mẹ tôi: 'Nhìn con chị đi, nó có thể làm được gì chứ. Tôi nuôi một con chó còn tốt hơn'. Lúc đó, dù đang giữa mùa hè, tôi cảm thấy như mình đang ở trong một ngôi nhà bằng băng vậy", Lu kể.
Lần khác Lu đi xin việc, một bảo vệ nhà máy ném đồng xu vào cốc của anh vì nghĩ ứng viên này là người ăn xin. Cuối cùng, chàng trai bại não tìm được công việc tại xưởng gói bánh trung thu.
Sau vài năm, nền kinh tế tư nhân bùng nổ thôi thúc Lu bỏ công việc làm thuê để ra kinh doanh. Ban đầu, anh mở một quầy hàng sửa chữa xe đạp trên phố, sau đó là bán báo, tạp chí, cho thuê điện thoại cố định, cho thuê đĩa phim, sửa chữa máy tính và mở quán Internet.
Khi việc làm ăn của Lu ngày càng khấm khá, nhiều người bắt đầu công nhận tài năng, gọi anh là "tiểu Lu" hoặc "Lu sư phụ".
"Cách gọi đơn giản này khiến tôi có cảm giác được công nhận và khích lệ rất lớn", anh chia sẻ.
Doanh nghiệp của Lu là nơi làm việc của 24 người khuyết tật. |
Sau đó, Lu học chỉnh sửa video rồi mở một studio ảnh. Anh còn kiếm tiền nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử qua việc mở một cửa hàng trực tuyến. Người đàn ông bại não thích trò chuyện với khách hàng qua mạng xã hội vì ở đó, không ai biết anh là người khuyết tật.
"Có thể họ còn nghĩ rằng đang trò chuyện với một doanh nhân thành đạt", anh hóm hỉnh.
Công ty của Lu được thành lập năm 2017. Từ một xưởng nhỏ với vài nhân công, đến nay đã trở thành nhà máy rộng 1.000 m2 với 42 nhân công, trong đó 24 người khuyết tật thể chất.
Đối với doanh nhân 42 tuổi, các nhân viên khuyết tật như những "đứa con quý".
"Họ rất khó kiếm việc nên một khi được thuê, họ sẽ nỗ lực hết sức để chứng tỏ mình. Dù khiếm khuyết một số điểm nào đó, ở khía cạnh khác, họ làm việc không tệ chút nào".
Đầu năm 2020, doanh nghiệp của Lu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Anh tìm cách phát triển sản phẩm mới để đưa bản thân và các nhân viên vượt qua khó khăn.
"Ông trời không chỉ cho tôi kiếm tiền mà còn để tôi đóng góp cho xã hội. Tôi nghĩ mình là người có ích".
Mai An
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/tu-dua-tre-bai-nao-thanh-doanh-nhan-kiem-trieu-usd-a17896.html