Có lẽ sẽ chẳng chủ doanh nghiệp nào có thể tưởng tượng trước những biến động mà họ phải trải qua một năm vừa rồi, đặc biệt là doanh nghiệp ở các nước phát triển. 12 tháng trước, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với nhu cầu hàng hóa giảm đột ngột và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Đến nay, khi nhu cầu tăng vọt, điều này không còn là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp này nữa.
Thay vào đó, hàng loạt doanh nghiệp đang phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung, bao gồm cả đầu vào nguyên liệu thô và nhân công nhằm đáp ứng xu hướng tăng vọt của nhu cầu - yếu tố quyết định sự thành bại của hoạt động kinh doanh.
Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, hoạt động tài chính của doanh nghiệp dần ổn định, thu nhập hộ gia đình vững chắc đã thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ. Tất cả đã giúp phục hồi tổng cầu, điều khiến hầu hết mọi người, từ các giám đốc điều hành, chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách hay ngay cả chuyên gia phân tích Phố Wall không khỏi ngạc nhiên.
Xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài trong thời gian tới, đặc biệt là ở những quốc gia có khả năng kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, triển khai tiêm chủng cho người dân nhanh chóng và nâng cao tính cảnh giác đối với các biến thể mới của virus.
Song, những vấn đề về nguồn cung lại được đánh giá là nghiêm trọng hơn. Quả thực, những thách thức này được nhận xét là "một mớ hỗn độn".
Sự tắc nghẽn cùng nhiều khó khăn khác đang phá vỡ hàng loạt chuỗi cung ứng. Quá trình vận chuyển ngày càng khó đảm bảo khi tình hình khan hiếm container rỗng vẫn tiếp tục. Làn sóng dịch bệnh mới tại những quốc gia nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chẳng hạn như Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ, cộng với những bất ổn địa chính trị (căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu), đã khiến tình hình trở nên ngày càng tệ.
Các doanh nghiệp không chỉ đối mặt với việc làm sao để tìm nguyên liệu kịp thời, hiệu quả chi phí, mà còn cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu theo từng mùa đối với sản phẩm cuối cùng.
Đồng thời, thiếu hụt lao động lại là một thách thức đáng kể khác. Chỉ trong tuần trước, dữ liệu dự báo của bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ ghi nhận lỗi lớn nhất từ trước đến nay. Hiện, Amazon và McDonald đã phải tăng mức lương đầu vào nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân công ngày càng trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp khác sau đó cũng áp dụng theo.
Xu hướng này có thể thu hút một vài người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp quay lại tham gia vào lực lượng lao động. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng thể giải quyết được những yếu tố cản trở họ quay trở lại làm việc, ví dụ như không có người nhận trông trẻ, trường học tiếp tục đóng cửa hay thậm chí kỹ năng làm việc của người lao động không còn phù hợp.
Ông Mohamed A. El-Erian, cựu CEO quỹ đầu tư PIMCO nhận định: "Với tình hình ngày càng nhiều doanh nghiệp đối mặt với các vấn đề này, tôi cho rằng phát mất rất lâu mới giải quyết được thách thức về nguồn cung. Nói cách khác, tình hình sẽ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện".
Nhằm bảo vệ tỷ suất lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp sẽ dễ ra quyết định bù đắp chi phí đầu vào cao hơn vào giá sản phẩm cuối cùng. Nhu cầu tăng mạnh, cùng với việc các nâng cao hoạt động kiểm soát dịch bệnh tại các khu công nghiệp là đòn bẩy khiến nhiều đợt tăng giá sẽ tiếp diễn trong tương lai, từ đó nâng quyền định giá của nhiều doanh nghiệp.
Việc không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp mà còn đối với chuyên gia kinh tế, chuyên gia phân tích Phố Wall và các nhà hoạch định chính sách hiểu được những động lực này có ý nghĩa rất quan trọng. Một bài học từ những lần bỏ sót dữ liệu lớn gần đây, đặc biệt là báo cáo việc làm và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, đó là số liệu cấp công ty và cấp ngành cần phải được chú trọng nhiều hơn.
Liên quan đến các chính sách, sự gián đoạn nguồn cung đòi hỏi Quốc hội Mỹ càng phải khẩn trương xem xét những đề xuất đối với cơ sở hạ tầng. Điều này không chỉ cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng và tăng năng suất, mà còn khuyến khích người dân tham gia vào lực lượng lao động, theo thời gian sẽ giảm thiểu các vấn đề về kỹ năng lao động.
Liên quan đến áp lực lạm phát thời gian qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng cần nghiên cứu và đưa ra thông báo kịp thời để chuẩn bị cho các chính sách phù hợp. Trong nhiều năm liền, giới phân tích và hoạch định chính sách luôn cho rằng thách thức kinh tế lớn nhất mà các nước phát triển phải đối mặt là tổng cầu giảm nghiêm trọng.
Nhưng đến nay và có lẽ trong vài quý tới, nguồn cung sẽ là yếu tố quyết định chính đến "số phận" của các công ty, nhà hoạch định chính sách và cả nền kinh tế nói chung.
Hà Trần
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/bloomberg-cau-vua-phuc-hoi-cung-lai-dut-gay-a18076.html