Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn kỳ lạ. Sau 1 thập kỷ lo lắng về lực cầu và sức mua èo uột sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, đang dần nổi lên nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung không đủ. Tình trạng thiếu hụt hàng hoá, dịch vụ và cả nhân lực đồng nghĩa nhu cầu cấp bách ngày càng chậm được đáp ứng hoặc thậm chí là không.
Những "nút thắt cổ chai" trong chuỗi cung ứng có thể làm trật bánh đà phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch. Và khó có thể tìm thấy nơi nào mà tình trạng thiếu hụt rõ nét như ở Mỹ, nơi nền kinh tế cũng đang bùng nổ. Chi tiêu tiêu dùng đang tăng trưởng hơn 10%/năm, trong khi năm ngoái người dân đã tích luỹ hơn 2.000 tỷ USD. Chính phủ vẫn đang tính đến các biện pháp bơm tiền.
Tuy nhiên đà bùng nổ đang tạo ra 2 nút thắt. Nút thắt thứ nhất liên quan đến chuỗi cung ứng. Thế giới đang thiếu mọi thứ, từ gỗ cho đến những con chip bán dẫn. Chi phí vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng gấp 3. Các công ty cung ứng chưa từng gặp phải tình trạng giao hàng chậm trễ nghiêm trọng đến như vậy trong mấy chục năm trở lại đây. Năm vừa qua, nhiều công ty đã cắt giảm đầu tư vào logistics. Các lệnh phong toả khiến những con tàu container mắc kẹt ngoài bến cảng.
Nút thắt thứ hai nằm ở thị trường lao động. Tháng 4, Mỹ chỉ tạo ra 266.000 việc làm - thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng 1 triệu. Nhu cầu tuyển dụng vẫn đang cao kỷ lục nhưng các công ty gặp rất nhiều khó khăn khi tìm người. Các chuyên gia kinh tế cho rằng phúc lợi thất nghiệp hậu hĩnh khiến người lao động có lý do để không đi tìm việc. Hơn nữa cần thời gian để chuyển dịch từ những ngành đang "chết dần chết mòn" sang các ngành đang phát triển tốt.
Vì nhu cầu bùng nổ trong khi nguồn cung không đủ, lạm phát trở thành 1 nguy cơ lớn. Tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi mức của tháng 3 chỉ là 2,6%.
Có những nguyên nhân mang tính thời vụ, ví dụ như giá xăng đã tăng mạnh, mặc dù chỉ cao bằng năm 2019 nhưng cao hơn 272% so với tháng 4/2020. Tuy nhiên cũng có những yếu tố thể hiện làn sóng tăng giá sẽ không sớm kết thúc. Chỉ số giá sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc đang tăng mạnh nhất 3 năm.
Các NHTW quả quyết họ cần phải tiếp tục kích thích kinh tế để đà phục hồi non nớt không sớm lụi tàn. Lael Brainard, 1 thống đốc của Fed, nói rằng lạm phát khi nền kinh tế tái mở cửa sẽ chỉ mang tính tạm thời. Trong khi đó Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định có rất ít lý do để lo lắng. Fed sẽ chấp nhận lạm phát ở trên mức mục tiêu trong 1 thời gian, bởi vì dự báo giá cả sẽ sớm quay đầu giảm.
Tuy nhiên cách tiếp cận này tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Một trong số đó là lạm phát sẽ chỉ giảm xuống một cách chậm chạp. Những nút thắt cổ chai trên chuỗi cung ứng trong giai đoạn đầu dịch năm 2020 đã được tháo gỡ nhanh chóng, nhưng giờ không có gì đảm bảo điều đó sẽ lặp lại. Kỳ vọng lạm phát cũng sẽ tăng nếu mọi người tin rằng NHTW hành động quá muộn và quá chậm.
Hiện tại nhiều công ty đang thảo luận về lạm phát với các nhà đầu tư. Thị trường trái phiếu nghĩ rằng Fed sẽ buộc phải hành động sớm hơn mong muốn. Bill Dudley, 1 cựu quan chức của Fed, lo ngại kịch bản Fed phải nâng lãi suất lên tới 4,5% để hạ nhiệt nền kinh tế.
Điều này dẫn đến mối nguy hiểm tiếp theo: lãi suất tăng quá nhanh khiến thị trường tài chính chao đảo. Cho đến nay mối nguy này mới chỉ khiến các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo - điều vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Các ngân hàng cũng được trang bị vốn vững chắc. Tuy nhiên, những vụ sụp đổ như quỹ đầu cơ Archegos hay công ty tài chính Greensill Capital là hồi chuông cảnh tỉnh về những rủi ro tiềm ẩn xuất phát từ mức độ đòn bẩy quá cao trong 1 hệ thống tài chính bị phụ thuộc vào lãi suất thấp.
Tham khảo The Economist
Thu Hương