Theo dữ liệu của Coin Desk hôm 29/5 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin có thời điểm mất mốc 35.000 USD/đồng, rơi xuống mức 34.741 USD/đồng. Giá sau đó trở lại hơn 36.000 USD/đồng, giảm 5,08% so với một ngày trước đó.
Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 680 tỷ USD. Mức tăng tính từ hồi đầu năm 2021 giảm còn 24,72%.
Ngoài Bitcoin, giá của các loại tiền mã hóa khác cũng đồng loạt lao dốc. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - giảm 7,9% so với một ngày trước đó xuống hơn 2.500 USD/đồng. Dogecoin cũng chứng kiến mức sụt giá 5,48%. Đồng tiền đã tăng giá phi mã hơn 6.500% kể từ đầu năm.
Trao đổi với Zing, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) bình luận nhận định các nhà đầu tư vẫn chưa biết giá Bitcoin có thể giảm đến mức nào. Do đó, bất cứ thông tin tiêu cực nào cũng có khả năng kéo tụt giá của tiền mã hóa.
Giá Bitcoin biến động mạnh sau lời cảnh báo của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda. Ảnh: Coin Desk. |
"Cơn hoảng loạn bán tháo"
"Tháng 5 là tháng thảm họa của Bitcoin", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) bình luận. Sau khi tăng lên mức kỷ lục gần 65.000 USD/đồng, giá Bitcoin sụp đổ do CEO Tesla Elon Musk tuyên bố hãng xe điện tạm dừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vì lo ngại vấn đề môi trường.
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, giá Bitcoin đã sụt giảm hơn 37%. So với mức đỉnh gần 65.000 USD/đồng thiết lập hôm 14/4, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới mất giá gần 44%.
"Tuyên bố của Musk đưa những lo ngại ESG (tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị) trở lại. Cùng với đó là sự đàn áp mạnh tay của chính phủ Trung Quốc. Cơn hoảng loạn bán tháo đã ảnh hưởng đến các nhà đầu tư mới", vị chuyên gia giải thích.
Sau khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt lệnh cấm với hoạt động khai thác Bitcoin, nhiều công ty, xưởng khai thác quy mô lớn đã tháo chạy khỏi Trung Quốc để chuyển đến Mỹ và Canada.
Hôm 21/5, một trang web của chính phủ Trung Quốc đã đăng báo cáo cuộc họp của Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính thuộc Quốc vụ viện do Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chủ trì.
Chính quyền Trung Quốc và Iran đã cấm các hoạt động khai thác Bitcoin vì sử dụng quá nhiều năng lượng. Ảnh: Reuters. |
Báo cáo nhấn mạnh "cần cảnh giác và tìm kiếm những rủi ro tiềm ẩn", "áp quy định lên hoạt động khai thác, giao dịch Bitcoin và ngăn chặn rủi ro cá nhân lây lan sang toàn xã hội".
Giới quan sát dự đoán Mỹ cũng có thể tăng cường giám sát do tính biến động mạnh và quy mô của thị trường tiền mã hóa ngày một tăng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã nhiều lần đưa ra quan điểm tiêu cực về Bitcoin. Bà Janet Yellen đặt câu hỏi về tính hợp pháp và ổn định của đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới. "Tôi e rằng nó thường được sử dụng cho các mục đích tài chính trái phép", bà chỉ trích.
Thời điểm nhạy cảm
Bà Yellen nhận định Bitcoin "là cách thực hiện giao dịch cực kỳ kém hiệu quả". Bà nhấn mạnh rằng "lượng năng lượng tiêu thụ để xử lý những giao dịch đó thật sự rất đáng ngạc nhiên".
Trong khi đó, các tổ chức đầu tư có quan điểm khác nhau đối với triển vọng của Bitcoin. Một số vẫn tin vào tương lai của tiền mã hóa về dài hạn.
"Các nhà giao dịch tiền mã hóa vẫn chưa chắc chắn về mức đáy có thể có của Bitcoin. Và thị trường đang nhạy cảm với bất cứ thông tin nào xuất hiện trên những phương tiện truyền thông", ông Moya bình luận.
"Giá Bitcoin sụt giảm sau lời cảnh báo của Thống đốc BOJ Kuroda về Bitcoin", vị chuyên gia chia sẻ. Các thị trường tiền mã hóa đồng loạt lao dốc sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda bày tỏ sự hoài nghi về tính hữu ích của ngành công nghiệp tiền mã hóa.
Các nhà giao dịch tiền mã hóa vẫn chưa chắc chắn về mức đáy có thể có của Bitcoin. Và thị trường đang nhạy cảm với bất cứ thông tin nào xuất hiện trên những phương tiện truyền thông
Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ)
"Hầu hết giao dịch là đầu cơ và tính biến động cực kỳ cao. Chúng gần như không được sử dụng như một công cụ thanh toán", ông Kuroda bình luận trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
"Nhìn vào sự bất ổn trên thị trường tiền mã hóa, chúng ta có thể sẽ chứng kiến những ngày cuối tuần biến động dữ dội của Bitcoin và các loại tiền khác", bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại Swissquote, nhận định.
Bà khẳng định ngưỡng 30.000 USD/đồng là cột mốc quan trọng. "Đà giảm sẽ mở rộng nếu giá Bitcoin mất mốc đó", bà Ozkardeskaya nói thêm.
"Tuy nhiên, lời cảnh báo của ông Kuroda không phải là điều đáng ngạc nhiên. Bitcoin là loại phương tiện thanh toán hợp pháp tại Nhật Bản. Số lượng giao dịch Bitcoin đang ngày càng tăng. Đất nước đã ngăn chặn các bê bối tiền mã hóa và đảm bảo rằng tất cả sàn giao dịch đều được cấp phép", ông Moya nhận định.
Theo ông, giá Bitcoin có thể bớt biến động hơn sau khi các chính phủ áp đặt những quy định nhằm hạn chế các hành vi như lừa đảo và đầu cơ.
THẢO CAO
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/thang-tham-hoa-cua-bitcoin-a18227.html