Hàng chục nghìn tỷ đồng cổ tức bằng cổ phiếu đã được các ngân hàng lên kế hoạch chia trong tháng 6 và nửa cuối năm 2021.
Trong tháng 6 tới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) sẽ phát hành 352,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức 30% cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ đồng.
Một loạt các ngân hàng khác cũng đã chuẩn bị chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu chia cổ tức trong nửa đầu tháng 6 như:
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa đưa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu là ngày 11/6/2021. Tỷ lệ trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu là 25%, tương đương phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu. Sau khi phát hành cổ tức, tổng vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng.
HĐQT ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vừa có Nghị quyết thông qua việc chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019. Theo đó ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền là ngày 11/6/2021. VietBank sẽ phát hành hơn 58,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019, tương ứng tỷ lệ 14%. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2017-2019 sau khi trích lập các quỹ. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VietBank sẽ tăng thêm hơn 586 tỷ đồng lên gần 4.800 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) mới đây đã ra quyết định ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông VIB hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là ngày 10/06/2021. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phần hiện hữu sẽ được nhận thêm 40 cổ phần mới.
HĐQT VietinBank dự kiến sẽ phát hành hơn 1.082 triệu cổ phiếu, tương đương với 29,0695% số cổ phần đang lưu hành để trả cổ tức. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3 – 4/2021. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức 35% bằng cổ phiếu trong nửa cuối năm 2021, qua đó tăng vốn từ 27.987 tỷ đồng lên 37.782 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết đang hoàn thiện hồ sơ trình NHNN phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua. Trong đó chi trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10,5% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:28.
Hàng loạt các ngân hàng khác cũng đang "xếp hàng" để chia cổ tức trong nửa cuối năm 2021 như: HDBank chia cổ tức tỷ lệ 25%, KienLongBank tỷ lệ chia cổ tức là 13%, NamA Bank là 10,2%, SeABank là 9,12%; BIDV là 12,2% (lợi nhuận năm 2019 và 2020), Bac A Bank là 6,3%, Saigonbank là 5%, Vietcombank là 8% tiền mặt và 27,6% cổ phiếu, Vietinbank có thể sẽ còn chia 12,6-17,7% năm 2020 trong nửa cuối năm nay.
Theo chủ trương của NHNN, năm nay các ngân hàng cũng sẽ chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì cả tiền mặt như trước. Việc không chia cổ tức bằng tiền mặt được cho sẽ giúp các TCTD có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tăng năng lực tài chính và tuân thủ tốt hơn các quy định của NHNN về an toàn vốn.
Trong nửa đầu năm 2021, cổ phiếu ngân hàng trở thành tâm điểm và động lực chủ yếu giúp các chỉ số trên thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian qua. Có những ngân hàng có mức tăng trưởng giá lên tới con số trên 100% như VPB, VIB, NVB, SSB, LPB. Cổ phiếu các ngân hàng nhỏ có mức tăng khá ấn tượng từ đầu năm từ khoảng 70-90%, đặc biệt trong tháng 5 như BVB, VBB, ABB, NAB, EIB hay SGB.
Việc giá cổ phiếu tăng mạnh cũng làm thay đổi đáng kể mức vốn hoá của nhóm này trên thị trường. Trong đó, đáng chú ý là sự tăng trưởng mạnh của nhóm ngân hàng tư nhân như VPB, TCB, HDB, STB, SHB, VIB, ACB hay MBB.
Theo N.Thoan
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/loat-ngan-hang-chuan-bi-chia-co-tuc-khung-a18284.html