Những câu chuyện ấm tình người giữa tâm dịch Sài Gòn

Nhiều hành động đẹp, câu chuyện xúc động đang lan toả trên mạng xã hội giữa lúc nước sôi lửa bỏng ở tâm dịch TP.HCM.

Mấy ngày qua, các hộ gia đình nằm trong điểm cách ly phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại hẻm 17 đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM hào hứng nhận thực phẩm miễn phí từ "Gian hàng 0 đồng chia sẻ cùng khu cách ly”.

Sáng tạo xuất phát từ tấm lòng sẵn sàng sẻ chia

Gian hàng này được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và các tổ chức thành viên thực hiện với sự đồng hành của các nhà hảo tâm. Bên trong gian hàng có hơn 100kg rau củ (12 loại), hàng trăm gói mì, 500 quả trứng, 160kg thịt heo, 40 chai dầu ăn, 100 hộp đồ hộp các loại... Tất cả được bày trí ngay ngắn trên kệ.

Mỗi ngày gian hàng phục vụ hơn 300 nhân khẩu của 73 hộ gia đình nằm trong điểm cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hẻm.

Với gian hàng, người dân cảm thấy ấm lòng, yên tâm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Những câu chuyện ấm tình người giữa tâm dịch Sài Gòn - 1

Gian hàng 0 đồng ở quận Tân Phú. 

Còn tại con hẻm 293 đường Quang Trung, quận Gò Vấp, những ngày qua, gian bếp của anh Dương Thiện Chơn (38 tuổi) trở nên tất bật và rộn rã hơn.

Bên trong, hàng chục nhân lực là đàn ông cần mẫn chuẩn bị các suất ăn giúp người nghèo và tiếp sức các chiến sĩ làm nhiệm vụ chống dịch. Người lo vo gạo, người cặm cụi sơ chế nguyên vật liệu... gương mặt ai cũng đều toát lên sự thân thiện, ấm áp, nghĩa tình.

Nam chủ quán chia sẻ, khi chứng kiến y tá, bác sĩ, nhân viên y tế, các chiến sĩ làm việc vất vả, các anh muốn góp chút sức lực cùng địa phương.

Ban đầu, nhóm dự tính làm các suất cơm để gửi đến hộ dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với chính quyền, nắm bắt tình hình thực tế, nhóm thống nhất tặng cả cơm trưa cho chiến sĩ đang trực tại các chốt kiểm soát dịch ở Gò Vấp.

Tận dụng bếp của quán ăn đang tạm ngưng hoạt động, anh Chơn cùng nhân viên lập tức bắt tay vào thực hiện. Người chủ quán này cho hay, là người kinh doanh quán ăn, trải qua nhiều đợt dịch nên anh gặp không ít khó khăn. Dù vậy, anh cảm thấy bản thân may mắn khi thấy mình còn hỗ trợ được nhiều người.

"Hai năm nay, bao nhiêu quán phải đóng cửa. Tôi kinh doanh, mỗi tháng gồng chi phí cũng lo lắm chứ. Khó thì cũng khó rồi, khó thêm chút nữa cũng không chết đâu, nhưng khi được chia sẻ với mọi người, tôi cảm thấy mình hạnh phúc hơn.

Một hộp cơm bình thường chẳng đáng là bao, nhưng lúc dịch bệnh khó khăn này đáng quý lắm, nhất là với cô chú lao động, thu nhập bấp bênh", anh Dương Thiện Chơn nói

Những câu chuyện ấm tình người giữa tâm dịch Sài Gòn - 2

Nhóm nấu cơm của anh Dương Thiện Chơn. (Ảnh: Tôi Là Dân Gò Vấp)

Biết được hoạt động thiết thực của nhóm anh Chơn, nhiều người ở trong và ngoài quận nhanh chóng tìm cách ủng hộ. Ai có gì góp nấy, có người ủng hộ gạo, người ở xa không đến được thì hỗ trợ tiền, người ở quán thì góp cả sức lực lẫn vật chất.

Nhiều người lao động không giấu được niềm vui khi nhận được phần cơm miễn phí. "Giữa lúc khó khăn này dù chỉ một phần cơm trưa thôi cũng giúp chúng tôi giảm phần nào gánh nặng chi phí sinh hoạt", chị Hạnh làm nghề thu mua phế liệu nói trong xúc động.

Những câu chuyện ấm tình người giữa tâm dịch Sài Gòn - 3

Nhóm của anh Chơn tặng cơm cho người lao động nghèo. (Ảnh: Tôi Là Dân Gò Vấp)

Những hành động nhỏ mà ý nghĩa lớn

Một câu chuyện ấm áp khác, mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một xe cứu thương đỗ trước quán bánh mì cùng dòng trạng thái: “Đang ngồi bán bánh mì thấy mấy anh chạy thẳng tới chỗ mình ngồi, làm giật mình. Đến giờ vẫn còn run đó… Cố lên Việt Nam!”.

Theo tìm hiểu của PV, đó là tình huống xe cứu thương bất ngờ đỗ trước một quán bánh mì. Chủ quán ban đầu theo phản xạ nên run, sau thấy chỉ là việc người trên xe mua bánh mỳ nên nhanh chóng làm bánh đưa tới.

Mặc dù nhân viên y tế đã chuẩn bị sẵn tiền từ trước nhưng chủ quán vẫn không nhận như một cách để cảm ơn cho những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ nhân viên y tế trong giai đoạn chống dịch khẩn trương, như nước sôi lửa bỏng.

Những câu chuyện ấm tình người giữa tâm dịch Sài Gòn - 4

Câu chuyện được chủ quan bánh mì chia sẻ. (Ảnh: Tôi Là Dân Sài Gòn) 

Tài khoản Nguyet Nguyen bình luận dưới chia sẻ này: “Cảm ơn thật nhiều. Đội ngũ y tế Việt Nam. Cầu mong các cô chú thật nhiều sức khỏe. Việt Nam ơi cố lên. Chúng ta đã từng chiến thắng 3 đợt dịch trước”.

Facebooker Hoa Pham thì viết: “Cảm ơn các chiến binh áo trắng tuyến đầu chống dịch không kém gì chống giặc”.

“Hôm qua thì anh Grab hôm nay đến chị bán bánh mì, đọc mà rớt nước mắt. Ấm áp tình người. Cố lên Việt Nam! Chúng ta sẽ chiến thắng COVID-19”, tài khoản Liên Phạm bình luận.

Những việc làm, hành động sẻ chia khó khăn và ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch đang thực sự lan tỏa và truyền cảm hứng tích cực đến nhiều người, đến đội ngũ y tế đang làm nhiệm vụ tại các điểm dịch để chúng ta cùng nhau vượt qua và chiến thắng COVID-19.

"Nhận tiền của bác sĩ là em có tội với Tổ quốc"

Bác sĩ Lê Ngọc Diệp, đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), vừa chia sẻ câu chuyện xúc động trên trang Facebook cá nhân của mình.

Theo đó, khoảng 0h ngày 31/5, bác sĩ Diệp có việc vào khu làm nhiệm vụ của các đồng nghiệp ở quận Gò Vấp nên đã đặt GrabBike. Trên đường đi, chị nghe tài xế buột miệng than thở, rằng còn 3 cuốc nữa là được thưởng mà không kịp rồi!.

Khi đến nơi, chị trả tiền thì anh tài xế từ chối, kéo ga định băng đi. Nữ bác sĩ nắm áo và cố gắng đưa bằng được, tài xế đáp lại: "Nhận tiền lúc này của bác sĩ là em có tội với Tổ quốc, chị đừng bắt em có tội với Tổ quốc".

Những câu chuyện ấm tình người giữa tâm dịch Sài Gòn - 5

Câu chuyện của nữ bác sĩ gây xúc động mạnh trong cộng đồng mạng.

Trò chuyện cùng PV VTC News, bác sĩ Diệp kể, khi trả tiền xe kèm tip, anh tài xế nhất định không lấy khiến chị khá bất ngờ. Lý do của anh tài xế khiến chị rất xúc động và cảm thấy ấm lòng vô cùng, nhất là khi trước đó nghe anh này nói còn 3 cuốc nữa là được thưởng.

“Hành động của tài xế và câu nói khiến tôi rất cảm động, anh rất dễ thương. Đồng nghiệp của tôi ở rất nhiều nơi đang phải rất nỗ lực chống dịch, có những người dân họ hiểu và chia sẻ như vậy thì những người trong ngành y cảm thấy rất là ấm áp, hạnh phúc.

Đó cũng là tình cảm của người dân, tôi cảm thấy mình như được tiếp thêm động lực làm việc, tiếp thêm năng lượng tích cực cho những y bác sĩ đang ngày đêm gồng mình tại các điểm dịch”, nữ bác sĩ nói.

 

MAI THÚY

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/nhung-cau-chuyen-am-tinh-nguoi-giua-tam-dich-sai-gon-a18303.html