Xuất khẩu ôtô Việt: Lách qua khe cửa hẹp

Dù sản lượng ôtô Việt xuất khẩu hiện rất nhỏ và tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều kế hoạch bị đình trệ song các doanh nghiệp vẫn theo đuổi giấc mơ đưa xe Việt "xuất ngoại".

o-to-viet-co-lach-1626000857.jpg

Vingroup đang hướng đến thị trường Lào thông qua một biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast (gọi tắt là VinFast) và Tập đoàn Phongsubthavy vào ngày 28-6 về việc xem xét khả năng phân phối các dòng ôtô VinFast tại đây.

Tìm đường ngách

Tại Lào, việc sử dụng ôtô gần như được phổ cập nhưng Phongsubthavy vẫn mong muốn triển khai một hệ thống đại lý phân phối xe VinFast nhằm đa dạng hóa và tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Do đó, VinFast cam kết nếu Tập đoàn Phongsubthavy đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn về tài chính, nhân sự, doanh số bán hàng, triển vọng đầu tư..., tập đoàn hàng đầu tại Lào sẽ trở thành đối tác ưu tiên của VinFast trong các hoạt động mở rộng kinh doanh.

Trước đó, đầu năm 2021, VinFast giới thiệu 3 mẫu ôtô điện thông minh đầu tiên là VF e34, VF e35 và VF e36. Với tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu, VinFast dự kiến bán các dòng ôtô điện của mình tại các thị trường quốc tế như Mỹ, Canada, châu Âu... trong năm 2022. Đây được cho là con đường "ngách" có nhiều cơ hội bởi dù chưa phổ biến nhưng xe điện sẽ là xu hướng trên toàn thế giới, nhất là tại Mỹ.

Năm 2020, Công ty CP Ôtô Trường Hải gây chú ý khi xuất khẩu sang Thái Lan - "cứ điểm" ôtô lớn của Đông Nam Á - hơn 1.400 xe nguyên chiếc các loại với kim ngạch gần 50 triệu USD.

Ford Việt Nam cũng xuất khẩu mẫu xe EcoSport, Transit và Tourneo sang một số thị trường trong khu vực. Năm 2020, doanh nghiệp (DN) này đầu tư thêm 82 triệu USD để nâng cấp nhà máy lắp ráp tại Hải Dương, từ đó nâng công suất từ 14.000 xe/năm lên 40.000 xe/năm.

Ông Andrea Cavallaro, Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất Khối thị trường quốc tế của Ford Motor, cho biết quyết định đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam dựa trên nhu cầu ổn định và ngày càng tăng của người tiêu dùng nội địa cũng như hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Chưa chính thức đưa xe Việt "xuất ngoại" nhưng Liên doanh Ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam (gọi tắt là Hyundai Thành Công) cũng đang gấp rút chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sớm đạt mục tiêu xuất khẩu trong dài hạn. Động thái rõ ràng nhất là DN này đã xây dựng nhà máy thứ hai với công suất 100.000 xe/năm tại Ninh Bình.

Thực tế, các hãng xe Hàn Quốc đang muốn mở rộng thị trường tại Đông Nam Á do mức độ tiêu thụ sản phẩm ở nhiều nước khu vực này còn yếu. Bởi vậy, đầu tư vào Việt Nam để vừa bán tại chỗ vừa xuất khẩu sang các nước trong khu vực một cách thuận tiện là tầm nhìn của nhiều hãng xe, trong đó có Hyundai.

"Mục tiêu của chúng tôi là cuối năm 2022 sẽ có 2 mẫu xe đạt tỉ lệ nội địa hóa 40%, từ đây đủ điều kiện để xuất khẩu. Mặc dù việc xuất khẩu cụ thể còn liên quan đến chiến lược toàn cầu của Hyundai nhưng với chính sách thuế xuất khẩu như ở Việt Nam và lộ trình nội địa hóa của Hyundai Thành Công, cơ hội xuất khẩu là có" - ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, tự tin.

Bài toán dung lượng thị trường

Tuy nhiên, mục tiêu xuất khẩu xe chưa khi nào là dễ dàng đối với các DN trong nước.

Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, chỉ rõ DN sản xuất ôtô trong nước chưa đáp ứng được yếu tố cạnh tranh về giá do linh kiện, phụ kiện phần lớn vẫn còn phải nhập khẩu. Chỉ có một số linh kiện được sản xuất trong nước nhưng dung lượng sản xuất không đủ lớn để có mức giá tốt. "Giá thành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đang cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20%. Nếu khoảng cách này giảm xuống dưới 10% thì mới có nhiều cơ hội xuất khẩu xe" - ông Dũng tính toán.

Theo Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công Lê Ngọc Đức, bài toán dung lượng thị trường ngày càng trở nên khó giải quyết bởi dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến mục tiêu tăng dung lượng thị trường đi đôi với tăng tỉ lệ nội địa hóa. Ước tính sức mua mỗi năm tại thị trường Việt Nam tăng 15%-20% và đây là cơ sở để các DN sẽ xây dựng kế hoạch.

Năm 2020, ngành ôtô may mắn giữ được đà tăng doanh số này nhờ chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ trong các tháng cuối năm. Nhưng năm nay, tình hình có thể khó khăn hơn do chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đã hết hạn trong khi dịch bệnh còn kéo dài.

"Nếu không có chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước, mục tiêu tăng dung lượng thị trường và tăng tỉ lệ nội địa hóa sẽ rất chậm hoàn thành, dù DN nào cũng nỗ lực hết sức. Với Hyundai Thành Công, lộ trình thực hiện mục tiêu chưa bị chậm lại nhưng phải đối mặt với áp lực rất lớn. Áp lực đầu tiên là có thể phải bù đắp chi phí cho các đối tác là DN sản xuất, cung ứng linh phụ kiện để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của họ trong tình huống dung lượng sản xuất thấp hơn cam kết" - ông Lê Ngọc Đức nhìn nhận.

Ông Đặng Tiền Phương, Giám đốc điều hành hãng xe MG Việt Nam, cho biết kế hoạch sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam trong thời gian tới nhằm phục vụ tiêu thụ tại chỗ và hướng tới xuất khẩu còn phụ thuộc vào dung lượng thị trường, khả năng đáp ứng của DN phụ trợ cùng hệ thống chính sách hỗ trợ.

Mục tiêu 2.000 doanh nghiệp phụ trợ năm 2030

Ngày 6-8-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP với nhiều chính sách hỗ trợ cho công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó DN trong nước chiếm khoảng 30%. Đến năm 2030, tổng số DN đủ năng lực cung ứng tăng lên đến 2.000.

Để triển khai hiệu quả nghị quyết trên, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.

 

Theo Phương Nhung - Nguyễn Hải

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/xuat-khau-oto-viet-lach-qua-khe-cua-hep-a18689.html