Đứng loay hoay trước con hẻm đã dựng rào chắn tại quận Bình Thạnh, anh Phan Ngọc Tuấn cầm trên tay hai túi đồ vừa đi chợ online cho khách, cứ một lát lại ngó nghiêng vào trong.
"Đây là cuốc hàng thứ 6 của tôi rồi. Sáng ăn vội tô mì xong là nhận đơn rồi miệt mài chạy đi chợ, chuyển hàng. Hộp cơm đem theo mà chạy đôn đáo quá không có kịp ăn. Mùa dịch bệnh này mình có công chuyện làm ra tiền là quý rồi", anh Tuấn nói.
Những "con thoi" chạy ngày đêm
Từ ngày thành phố giãn cách theo Chỉ thị 15, anh Phan Ngọc Tuấn (31 tuổi, huyện Nhà Bè) và đồng nghiệp phải làm việc năng suất hơn vì lượng đặt đồ ăn online tăng mạnh. Rồi Chỉ thị 16 công bố, hàng quán ngưng bán mang về, anh Tuấn và mọi người lại chuyển sang chở hàng hóa và đi chợ hộ.
Lực lượng shipper đang là đầu mối đảm bảo hàng hóa đến tay người dân. Ảnh: Hải Dương. |
"Lúc mới nghe hàng quán đóng cửa không bán đồ ăn mang về, tôi hoang mang, lo lắm vì không biết phải làm gì kiếm sống mấy ngày sắp tới. Rồi công ty cho tài xế đăng ký chuyển qua dịch vụ đi chợ online, mình mừng vì có việc làm trở lại", anh Tuấn cho biết.
Shipper này chia sẻ bây giờ giao hàng sợ nhất là xe hư, trở chứng giữa đường, vì hàng quán đóng cửa hết, tiệm sửa xe cũng không hoạt động.
"Xe mà hư là xác định đó, nên lúc chạy tôi cũng hồi hộp lắm", anh Tuấn cười nói.
Theo quy định phòng chống dịch, shipper được đi lại, hoạt động trong lúc thành phố giãn cách song phải có đầy đủ giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và giấy thông hành qua ứng dụng.
Nói với Zing, anh Nguyễn Thanh Hùng (38 tuổi, quận 6) cho biết mỗi sáng trước khi ra khỏi nhà, anh được vợ trang bị đầy đủ từ nước rửa tay, khẩu trang cho đến kính chống giọt bắn.
"Đi làm mùa này cũng sợ chứ, nhiều rủi ro mà, mình đứng xếp hàng đợi mua đồ, rồi đi giao khắp nơi nên phải cẩn thận. Nhiều lúc trời nắng quá đeo cái kính chống giọt bắn mà mồ hôi đổ như tắm, hơi mờ mắt vậy chứ không có dám tháo xuống, tại sợ", anh Hùng nói thêm.
Giao hàng mùa giãn cách, nhiều shipper sợ nhất là hư xe. Ảnh: Phượng Trang. |
Những buổi nào nhiều khách đặt hàng, anh Hùng bỏ quên luôn hộp cơm trưa mà vợ chuẩn bị, cứ uống nước rồi chạy đến tối. Về nhà, mở hộp cơm ra vừa nguội vừa cứng.
Anh Hùng cũng cho biết nhiều lúc đi chợ khách đặt 10 món nhưng hết hàng anh chỉ mua được 2-3 món, mất hết một đơn nhưng không đủ hàng.
“Hồi đầu tuần có một chị đặt mua đồ ở cửa hàng tiện lợi. Tôi nhận đơn xong thì chị điện qua năn nỉ nhờ mua giúp sữa bột cho con tại vì chị đặt hàng mấy ngày rồi mà chưa nhận được. Rồi xin số tài khoản chuyển tiền, còn chuyển thêm tiền ship nữa nhưng mà mình không có nhận. Tiện thì giúp người ta thôi”, anh Hùng kể lại.
"Các anh shipper kiên nhẫn lắm"
Là F2 cách ly tại nhà, chị Tường Vi (25 tuổi, quận 3) không thể ra đường đi chợ, chỉ có thể đặt đồ online.
Từ ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp chị Vi đặt đồ lúc nào cũng kèm thêm tin nhắn dặn shipper treo hàng ở cổng, rồi chị ra lấy chứ không tiếp xúc.
"Mình sợ lỡ mà có gì, ảnh hưởng người ta. Mấy anh shipper còn đi gặp người này người kia, nên mình cứ lo trước, cho mình cho cả họ. Hôm trước mình thấy có chỗ phát cơm từ thiện cho mấy anh shipper thì chia sẻ liền, chứ bây giờ hàng quán đóng cửa tới trưa cũng không biết họ ăn uống ở đâu", chị Vi chia sẻ.
Vì tình hình giãn cách, hạn chế ra đường, người dân bắt đầu đổ dồn sang mua hàng trên mạng. Hàng loạt các nền tảng đi chợ hộ, đi chợ online bị quá tải đơn hàng.
Giữa lúc thành phố căng mình chống dịch, shipper là một trong những lực lượng chịu nhiều rủi ro. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thậm chí, đơn vị cung cấp thực phẩm cũng rơi vào cảnh thiếu hụt, nhiều mặt hàng thường xuyên hết sạch, đặc biệt là các loại thực phẩm như rau xanh, thịt heo, trứng gà. Tình trạng shipper đến mua nhưng "tay không" trở về vẫn xảy ra.
"Đông người đặt quá, mình mua thực phẩm mà shipper đến thì hết nhẵn. Rồi lại phải hỏi xem ở cửa hàng còn gì, nhờ shipper đổi hàng, lấy thêm cái này cái kia", anh Trần Hữu Vinh (TP Thủ Đức) cho biết.
"Nhiều lúc không có hàng, cứ phải điện thoại hỏi đổi món này món kia nhưng các anh shipper vẫn kiên nhẫn lắm. Có anh còn chỉ cho mình rau củ này nấu được với loại thực phẩm nào, bù vào phần mình muốn mua mà không có", anh Vinh kể thêm.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự biết ơn với lực lượng shipper trong mùa giãn cách xã hội.
"Thời chiến, chúng ta có chú bé giao liên là anh hùng. Thời dịch, anh hùng là chú shipper. Mấy cô chú shipper ơi, giữ gìn sức khỏe để chiến đấu an toàn ạ", bài đăng của nghệ sĩ Dustin Nguyễn nhận được nhiều chia sẻ và bình luận ủng hộ.
Khi nghe tin TP.HCM sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng shipper trong đợt tiêm chủng thứ 5, nhiều người bày tỏ đồng tình và vui mừng.
"Ưu tiên tiêm vaccine cho các shipper là đúng thôi, họ cũng là những người ở phía trước, lưu thông hàng hóa cho người dân. Chưa kể còn rủi ro nghề nghiệp là họ phải di chuyển khắp nơi, họ an toàn thì mình nhận hàng mới thấy an toàn yên tâm", tài khoản Bảo Châu nhận xét.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.
THỊNH VŨ
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/shipper-mua-dich-chay-don-chay-dao-khong-kip-an-com-a18747.html