Doanh nghiệp Bình Dương chạy đua “3 tại chỗ” chống đứt gãy chuỗi sản xuất

Trước tình hình dịch COVID-19 “bủa vây”, các doanh nghiệp vốn đầu tư trong và ngoài nước hoạt động tại Bình Dương đang nỗ lực xây dựng kịch bản tránh tác động của dịch và duy trì sản xuất.

Từ đầu đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 2.580 ca mắc trong cộng đồng, trong đó có hơn 1.300 ca là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp.

Theo thống kê, Bình Dương hiện có gần 1,3 triệu công nhân đang làm việc tại 29 khu, cụm công nghiệp, với hơn 1.200 doanh nghiệp. Để cắt đứt nguồn lây trong khu công nghiệp (KCN), Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương đã yêu cầu doanh nghiệp phải đánh giá an toàn và thực hiện 2 phương án, gồm: “3 tại chỗ” (ăn, ở, sản xuất tại nhà máy); “1 cung đường, 2 địa điểm” (hai địa điểm là nơi ở: khách sạn, ký túc xá và nhà máy, công nhân có xe đưa rước).

Nếu doanh nghiệp không thực hiện một trong hai phương án trên thì yêu cầu dừng hoạt động sản xuất kinh doanh kể từ 0h ngày 19/7 (bao gồm cả doanh nghiệp logistis và kinh doanh kho bãi) cho đến khi có thông báo mới.

 

Không thể đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, từ 0 giờ ngày 19/7 doanh nghiệp tại Bình Dương sẽ phải ngưng hoạt động.

Nếu không thể đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, từ 0h ngày 19/7 doanh nghiệp tại Bình Dương sẽ phải ngưng hoạt động.

Đã thực hiện “3 tại chỗ” từ trước

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng như quy định cuả Ban Quản lý các KCN tỉnh, các doanh nghiệp tại Bình Dương đã xây dựng kịch bản tác động của dịch, đưa mô hình “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo không ngừng sản xuất và chăm lo sức khỏe cho người lao động.

Không chờ đến khi Bình Dương chính thức yêu cầu áp dụng "3 tại chỗ", Công ty TNHH Điện tử Foster (KCN VSIP II Phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã chủ động thực hiện phương án vừa sản xuất vừa cách ly cách đây nhiều ngày.

Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Hưng Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster cho biết, nhà ở thì đã có sẵn, chỗ ở của người lao động được bố trí ở khu vực không sản xuất. Những ngày qua, công ty đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh một khu vực nhà máy để trang bị máy lạnh, mua nệm, màn và chuẩn bị đầy đủ về vật chất để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động ở vào sinh sống.

"Hiện số lao động của công ty là 700, đã được test nhanh sàng lọc COVID-19, ngoài chỗ ở có máy lạnh, công ty sẽ lo cơm ăn 3 bữa miễn phí. Chi phí ăn sẽ cao hơn bình thường, mỗi người được hỗ trợ 100.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Với công tác chuẩn bị này, 100% lao động sẽ ăn ở tại công ty để phòng dịch và đảm bảo hoạt động sản xuất không bị đứt gãy vì dịch bệnh”, ông Đạo chia sẻ.

Công ty TNHH Điện tử Foster sắp xếp chỗ ăn ở cho người lao động tại công ty để đảm bảo an toàn sản xuất và phòng dịch. (Ảnh: Công ty cung cấp)

Công ty TNHH Điện tử Foster sắp xếp chỗ ăn ở cho người lao động tại công ty để đảm bảo an toàn sản xuất và phòng dịch. (Ảnh: Công ty cung cấp)

Tương tự, Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam có nhà máy tại thị xã Tân Uyên cũng đã bố trí cho gần 500 công nhân ăn ở luôn bên trong khuôn viên để vừa phòng dịch, vừa tập trung sản xuất.

Ông Hoàng Vĩnh Phúc, Phó Giám đốc công ty cho biết, sau khi toàn bộ thị xã Tân Uyên thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ban giám đốc đã họp bàn phương án cho toàn bộ công nhân viên ở lại luôn trong nhà máy để họ an tâm sản xuất.

Do đã trải qua vài lần chống dịch nên công ty cũng có nhiều kinh nghiệm hơn trong các khâu chuẩn bị. Chẳng hạn như công nhân phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, khi vào làm việc được đo nhiệt độ hàng ngày, nếu ai có nhiệt độ tăng cao sẽ được cho về nhà nghỉ ngơi… Đối với nhân viên văn phòng, công ty chia ca làm việc 50% đi làm và 50% nhân viên làm online tại nhà, công nhân trong bộ phận nào ít việc cũng có thể chia nhau nghỉ làm thay ca để phòng chống dịch.

Những ngày qua, công ty đã mua sắm lều trại, màn, nệm ngủ cho gần 500 người lao động. Đồng thời phối hợp với ngành y tế tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân để bảo đảm an toàn khi vào nơi nhà máy ở.

“Hiện nay, tất cả 500 người lao động đều đã được công ty trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, từ lều cá nhân, nệm, mền, gối, các nhu yếu phẩm cần thiết để mọi người an tâmăn, ngủ, làm việc tại công ty. Việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cũng được đảm bảo, từ việc dinh dưỡng của suất ăn, bổ sung đủ nước và trái cây, tăng cường Vitamin và khoáng chất, tập thể dục hàng ngày… đều được sắp xếp ổn thỏa để đảm bảo sức khỏe của mỗi cá nhân”, ông Phúc cho hay.

Nhà máy trong các khu công nghiệp Bình Dương đang bố trí chỗ ăn nghỉ, sản xuất tại chỗ, đảm bảo đưa đón công nhân.

Nhà máy trong các khu công nghiệp Bình Dương đang bố trí chỗ ăn nghỉ, sản xuất tại chỗ, đảm bảo đưa đón công nhân.

Còn Công ty Gunzetal Việt Nam, vốn đầu tư nước ngoài chuyên về sản xuất nguyên liệu mặt hàng may mặc đóng tại KCN VSIP 2 (TP Thủ Dầu Một) cho thấy, đơn vị này đã tổ chức cho hơn 100 công nhân vào nhà máy ăn ở khá sớm từ những ngày đầu dịch đang diễn ra khó lường (từ 28/6).

Đại diện Công ty Gunzetal Việt Nam cho biết, hoạt động của tất cả các bộ phận không chỉ bảo đảm các quy định phòng chống dịch của ngành y tế mà còn tuân thủ nhiều điều kiện nghiêm ngặt do doanh nghiệp đưa ra. Cụ thể, người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe; bảo đảm các điều kiện vệ sinh; ký cam kết thực hiện quy định về phòng chống dịch. Công nhân trong nhà máy thì được đo thân nhiệt thường xuyên.

“Để đảm bảo quá trình hoạt động và sản xuất của công ty, người lao động tham gia phương án "3 tại chỗ" sẽ lưu lại công ty cho đến hết thời gian thực hiện (một tháng) và chỉ được ra ngoài khi cần thiết sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR và được sự đồng ý của cơ quan y tế có thẩm quyền…”, vị này cho biết.

Dồn sức cùng chính quyền vượt qua giai đoạn khó khăn

Thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường hai địa điểm" vào lúc này rất khó khăn nên Công ty Cơ khí Bảo Hưng (thị xã Bến Cát, Bình Dương) quyết định dừng nhà máy từ hôm nay (18/7) cho đến khi Bình Dương có thông báo mới.

Ông Nguyễn Minh Thiệp, Giám đốc công ty cho biết, những doanh nghiệp lớn, quy mô lớn, có tiềm lực còn than khó đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng, với các doanh nghiệp tầm trung trở xuống như công ty chúng tôi còn khốn khổ hơn, gần như bế tắc không thể làm gì được.

“Đợt này là đóng cửa nhà máy luôn mặc dù đã cố gắng không bị ngừng hoạt động ngày nào kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Cố gắng từng ngày để chạy đơn hàng, đảm bảo lương cho công nhân. Nhà máy đóng cửa thì dễ, đối tác có thể thương lượng được, nhưng hàng chục công nhân bị nghỉ việc thì làm sao? Thế nhưng, để chuẩn bị cho số lượng công nhân này ở lại luôn trong nhà máy là bất khả thi, không còn cách nào khác, buộc phải ngưng hoạt động.

Hiện Ban Giám đốc đang thương lượng về lương bổng cũng như các chế độ chăm lo cho công nhân phải tạm ngưng việc trong những ngày sắp tới”, ông Thiệp thông tin và bày tỏ hy vọng với sự hợp tác của doanh nghiệp, dịch bệnh sẽ mau chóng được kiểm soát.

Công ty Cơ khi Bảo Hưng (Bình Dương) quyết định dừng nhà máy khi không bảo đảm thực hiện "3 tại chỗ", "một cung đường hai địa điểm".

Công ty Cơ khi Bảo Hưng (Bình Dương) quyết định dừng nhà máy khi không bảo đảm thực hiện "3 tại chỗ", "một cung đường hai địa điểm".

Công ty đầu tư may mặc Hiểu Dương (Bình Dương) ban đầu dự kiến bố trí cho 250 công nhân ăn, ở, làm việc tại nhà máy theo phương án đã xây dựng trước đó. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc và thấy không bảo đảm sức khỏe cho công nhân, doanh nghiệp đã cho toàn bộ người lao động tạm nghỉ việc, hưởng 70% lương cơ bản (cao hơn lương tối thiểu vùng).

Bà Nguyễn Mỹ Duyên, Giám đốc công ty cho biết, do đặc thù công việc nên rất đông công nhân, diện tích nhà xưởng không quá lớn nên không thể thực hiện theo quy định “3 tại chỗ” mà chính quyền địa phương vừa ban hành. Do đó, công ty phải tạm nghỉ, đóng cửa nhà máy.

“Tổ chức ăn uống như từ trước đến nay trong giờ làm việc vẫn được, nhưng chỗ đâu cho toàn bộ công nhân ngủ? Rồi nhà vệ sinh, chỗ tắm rửa... bao nhiêu vấn đề kéo theo và doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện được. Hơn nữa, nếu chỉ đảm bảo chỗ ở cho khoảng 20 - 30% số công nhân thì hoạt động sản xuất cũng không hiệu quả. Ví dụ, một dây chuyền trước đây 40 người, nếu thiếu 10 người đã gặp khó khăn và nếu chỉ còn 20 người thì dây chuyền này không thể sản xuất được", bà Duyến nói.

Do đó, phương án duy nhất hiện nay của doanh nghiệp là cố gắng thương lượng với khách hàng để kéo giãn thời gian giao hàng. Việc phải dừng sản xuất khi đơn hàng khá nhiều gây không ít khó khăn và tổn thất, nhưng vì mục tiêu chống dịch và sức khỏe của công nhân, công ty sẵn sàng tuân thủ quy định để cùng chính quyền vượt qua giai đoạn khó khăn.

Phạm Đức

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/doanh-nghiep-binh-duong-chay-dua-3-tai-cho-chong-dut-gay-chuoi-san-xuat-a18777.html