Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định số 110/2014/NĐ-CP) trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số, tạo các cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Theo giải trình, mô hình ngân hàng đại lý (agent-banking) hoạt động chủ yếu tại các khu vực chưa có điểm giao dịch tài chính của ngân hàng, để người dân có thể thực hiện các dịch vụ cơ bản như nhận tiền mặt, hỗ trợ khách hàng rút, chuyển khoản; nhận các khoản thanh toán nợ, thanh toán hóa đơn, tham gia vào một phần thu thập thông tin khách hàng để làm thủ tục xác thực khách hàng...
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng đưa ra quan điểm rằng, ông không quá ủng hộ chính sách này. Theo ông, các dịch vụ của ngân hàng đều mang tính chất nhạy cảm và yêu cầu bảo mật cao. Chính vì vậy, các ngân hàng ủy quyền cho một bên thứ ba như một tổ chức tài chính, một quỹ hoặc một công ty nào đó ở vùng xa xôi để thực hiện các chức năng thay ngân hàng, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trừ khi, các hoạt động này không kết nối, thâm nhập và hệ thống nội bộ mới không gây phá vỡ hệ thống bảo mật của ngân hàng . Còn nếu được thực hiện dưới danh nghĩa ngân hàng, truy cập vào hệ thống nội bộ thì e rằng hệ thống bảo mật khó mà bảo toàn. Mà vốn dĩ hệ thống bảo mật ngân hàng tại Việt Nam cũng chưa phải quá cao, trong khi quyền lợi của khách hàng cần phải được bảo đảm.
“Hiện nay, mô hình này cũng không được áp dụng nhiều ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, trừ một số dịch vụ như chuyển tiền, thì ngân hàng chỉ kết nối với công ty chuyển tiền, chứ cũng không ủy quyền cho một công ty bên ngoài nào thực hiện các chức năng của ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Tuy nhiên, nếu chính sách trên đi vào thực hiện, Ngân hàng Nhà nước nên quy định chặt chẽ những dịch vụ nào có thể được ủy quyền cho bên thứ ba. Đồng thời, đại lý được ủy quyền phải có trụ sở, vốn điều lệ tối thiểu và không có bất cứ sai phạm nào liên quan đến vấn đề tài chính, tiền tệ. Ngoài ra, các thông tin cá nhân giao dịch phải được bảo mật tuyệt đối và ngân hàng phải bảo lãnh cho những đại lý này, trong trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng hoặc xảy ra tranh chấp.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Tài chính đánh giá, việc ngân hàng uỷ quyền cho đại lý thực hiện một số chức năng sẽ có những lợi ích nhất định. Theo đó, có thể mở rộng khả năng hoạt động của hệ thống ngân hàng đến những địa phương, địa bàn mà hiện nay chưa có các chi nhánh hoặc các phòng giao dịch đại diện. Khi đó, đại lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự bao trùm của ngân hàng, trên cơ sở đó cũng mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực tế chúng ta thấy rằng, việc mở rộng hoạt động này cũng tạo tác động hai chiều, một là phát hành thẻ, hai là các điểm tiếp nhận thẻ, trong đó các trung tâm, cửa hàng mua bán lớn cũng có thể trở thành “chân rết” của hệ thống ngân hàng để chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên về hạn chế, bên thứ ba làm đại lý cho ngân hàng thường không được đào tạo một cách bài bản, đầy đủ về các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng, bao gồm cả mở thẻ, tiếp nhận thẻ. Từ đó dễ xảy ra những rủi ro nhất định và ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng.
Trước vấn đề này, rất cần sự nghiên cứu, phân tích của các ngân hàng đối với hoạt động đại lý ủy quyền để có các cơ chế hoạt động phù hợp, tạo ra lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên nghiệp, hay những yêu cầu ở mức tối thiểu cho một bên đại lý. Cùng với đó, cần đảm bảo an toàn về mặt tài chính, cũng như thực hiện đúng các quy định pháp luật trong việc mở thẻ tín dụng, cho vay, hay thanh toán,...
Đối với các quy định liên quan đến chính sách này như: Yêu cầu 80% số lượng đại lý loại này phải hoạt động tại địa bàn nông thôn; Các đại lý thanh toán không được thu phí cao hơn mức phí niêm yết của ngân hàng giao đại lý,... theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, đều là hợp lý.
“Thứ nhất, việc ủy quyền cho bên thứ ba là đại lý chỉ nên thực hiện cho các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, những nơi không có chi nhánh, phòng giao dịch, cơ sở của ngân hàng. Những nơi này mới cần đại lý, còn các đô thị hay các nơi tập trung đông người thì ngân hàng đã phủ sóng rồi.
Thứ hai, là về chi phí, rõ ràng chi phí phải không được cao hơn so với phí của ngân hàng thương mại đưa ra, để đảm bảo tất cả các đại lý đó thực hiện trong phạm vi chi phí mà ngân hàng thương mại quy định. Những người dân ở vùng sâu vùng xa hay thành thị đều phải chịu một mặt bằng chi phí giống nhau, có tính đồng bộ trên toàn quốc mới công bằng. Không thể nào ở vùng nông thôn, xa xôi lại phải chiu chi phí cao sẽ gây ra bất cập và nếu không khống chế vấn đề này, mỗi nơi một giá sẽ gây ra bất ổn trong công tác quản lý”, PGS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Theo vị PGS, nếu muốn khuyến khích cho vùng sâu, vùng xa sử dụng dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, thì thậm chí ngân hàng thương mại còn phải giảm chi phí, có chính sách ưu đãi với khách hàng. Về phía đại lý, sẽ tùy theo mức độ hợp tác mà có tỷ lệ hoa hồng phù hợp, do hai bên thỏa thuận để tránh gây thiệt hại cho người dân.
Theo Diễm Ngọc
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/du-thao-mo-hinh-dai-ly-cho-ngan-hang-nhieu-y-kien-trai-chieu-a18814.html