Giá vàng hôm nay 27/7: Giao dịch trong nước trầm lắng vì Covid-19, thế giới 'nín thở' chờ quyết sách của Fed

Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch quanh mức 1.800 USD/ounce, trong khi đó, giao dịch vàng trên thị trường trong nước khá trầm lắng vì Covid-19. Giới đầu tư đang tập trung sự chú ý vào cuộc họp kéo dài hai ngày (27-28/7) của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng hôm nay 27/7: Giao dịch trong nước trầm lắng vì Covid-19, thế giới 'nín thở' chờ quyết sách của Fed
Giá vàng SJC điều chỉnh giảm nhẹ, trong khi vàng tại Bảo tín Minh Châu gần như đóng băng.(Nguồn: Reuters)

Cập nhật giá vàng hôm nay

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h ngày 26/7, giá vàng thế giới giao ngay trên sàn giao dịch điện tử Kitco hiện đang ở mức 1.802,1 - 1.803,1 USD/ounce, giảm 0,1 USD/ounce so với phiên giao dịch liền kề.

Trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 26/7, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC 56,80 - 57,45 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch buổi sáng cùng ngày. Chênh lệch giá bán hiện đang cao hơn giá mua 650.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm, hệ thống Bảo tín Minh Châu tại Hà Nội giữ nguyên giá mua vào - bán ra ở mức 56,90 - 57,52 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Như vậy, phiên giao dịch chiều 26/7, giá vàng SJC điều chỉnh giảm nhẹ, trong khi giá vàng tại Bảo tín Minh Châu gần như "đóng băng".

Hiện tại, cả nước có rất nhiều tỉnh, thành cùng giãn cách chống dịch Covid-19, nên giao dịch vàng trên thị trường trong nước khá trầm lắng, các nhà đầu tư cá nhân hầu như không thể tham gia mua - bán gì ở các cửa hàng, doanh nghiệp.

Người dân có nhu cầu bán vàng nữ trang trong nước trang trải cho các chi phí trong thời điểm dịch Covid-19 thực hiện biện pháp giãn cách cũng gặp nhiều khó khăn khi các tiệm vàng dừng hoạt động.

Chính sách của Fed sẽ quyết định diễn biến giá vàng

Giới đầu tư đang tập trung sự chú ý vào cuộc họp kéo dài hai ngày (27-28/7) của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mặc dù dự kiến sẽ không có thay đổi chính sách nào, giới đầu tư vẫn cần tìm ra manh mối về thời điểm Fed có thể rút lại các chính sách nới lỏng.

Những tuyên bố của Chủ tịch Fed Powell trong cuộc điều trần trước Quốc hội vào đầu tháng 7/2021 cho thấy, sự gia tăng mạnh của lạm phát trong năm nay sẽ biến mất. Chủ tịch Fed cũng cho rằng, sẽ là một “sai lầm” nếu Fed hành động “quá sớm” để giải quyết tình trạng lạm phát cao mà cuối cùng, đó chỉ là tạm thời.

Vì vậy, nhiều nhà đầu tư tin, Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện tại, "chính sách tiền tệ cực kỳ phù hợp và ôn hòa". Nếu đúng như vậy, giá vàng có thể phản ứng theo hướng tăng giá.

Ngược lại, theo Kitco, nhiều người dự đoán, FOMC sẽ có một số thay đổi đối với chính sách tiền tệ của Fed và mọi thứ sẽ được thông qua một ngày sau đó. Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào Fed, với hy vọng, họ sẽ chia sẻ một số manh mối liên quan đến các quyết định về lãi suất và giảm dần quy mô gói mua trái phiếu.

Nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là ở châu Âu. Một số quốc gia đã tăng cường các quy định chống dịch, do số ca nhiễm biến thể Delta của Covid-19 ngày càng tăng, trong khi các quốc gia này cũng khá chật vật trong việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Bên cạnh đó, nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ, một trung tâm giao dịch lớn của thế giới, không nhất quán trong suốt tuần qua.

Giá vàng biến động không khuyến khích người mua, mà ngược lại, nhiều người Ấn Độ bán vàng vật chất để trả nợ ngân hàng. Điều này khiến các thương gia phải giảm phí ở mức cao nhất trong gần một tháng, để hỗ trợ việc mua bán.

Kim loại quý đang chịu nhiều áp lực

Một số nhà phân tích cho rằng, giá vàng vẫn có thể giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce. Các nhà phân tích cũng không loại trừ khả năng vàng bị bán tháo, thậm chí đại hạ giá xuống còn 1.730 USD, do tâm lý nhà đầu tư thay đổi trước những rủi ro.

Hiện tại, chứng khoán, lợi suất trái phiếu Mỹ, đồng USD, lạm phát… đang tạo các áp lực khác nhau lên giá vàng.

Việc cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều đóng cửa ở mức cao nhất, cho thấy dòng vốn của nhà đầu tư tiếp tục chảy mạnh vào thị trường này.

Cuối tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng cao hơn một chút sau khi giao dịch lên mức cao nhất trong ngày là 1,3%. Đây cũng là lý do khiến giá vàng giảm.

Song song với đó, sự biến động của đồng USD cũng đang tác động đến kim loại quý. Chỉ số USD đóng cửa ngày 26/7 ở mức 92,727. Đồng USD đã có biến động khá lớn khi di chuyển từ mức thấp 88,50 vào giữa tháng 5/2021, đến giá trị hiện tại là gần 93.

Chuyên gia phân tích của TD Securities Daniel Ghali nhận thấy, giá vàng có thể sẽ tiếp tục chịu sức áp giảm trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn vẫn nằm trong kênh tăng giá. Nếu giá vàng trong tuần này bị đẩy xuống dưới 1.780 USD/ounce, thì kim loại quý có nguy cơ xuống 1.730 USD/ounce.

 

LINH CHI

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/gia-vang-hom-nay-277-giao-dich-trong-nuoc-tram-lang-vi-covid-19-the-gioi-nin-tho-cho-quyet-sach-cua-fed-a18892.html