Doanh nghiệp chật vật làm thêm “nghề tay trái” để vượt đại dịch

Doanh nghiệp bán lẻ điện thoại kinh doanh thêm sản phẩm y tế, rau củ; công ty may bán hàng qua livestream, sản xuất khẩu trang, linh hoạt áp dụng “ba tại chỗ”… là cách mà các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… đang triển khai để vượt qua đại dịch.

Thích ứng linh hoạt để “vượt bão”

Đại dịch COVID-19 ập đến, chuỗi hơn 30 cửa hàng bán lẻ điện thoại, thiết bị điện tử Di Động Việt tại TP Hồ Chí Minh hiện đang phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch theo qui định chung của thành phố. Tuy nhiên không thể “ngồi yên”, với kinh nghiệm 2 năm bán thêm thiết bị công nghệ liên quan y tế, doanh nghiệp này đã nhanh chóng triển khai bán máy tạo oxy gia đình, máy đo nồng độ oxy trong máu, dụng cụ test nhanh COVID-19 trên kênh website.

Ông Nguyễn Ngọc Đạt- Giám đốc hệ thống cho biết, doanh nghiệp còn bán thêm rau củ đồng giá 30.000 đồng/kg và cả rau củ 0 đồng hỗ trợ riêng người dân khó khăn, bếp ăn từ thiện. Tính từ ngày 16/7 đến nay đã bán ra hơn 300 tấn các loại.

 


Một cửa hàng điện thoại chuyển sang bán rau củ đồng giá ở Quận 12, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đạt Nguyễn.

Để đối phó với tình hình, ông Đạt xác định thích ứng linh hoạt, cắt giảm chi phí quảng cáo ở mức tối đa, tiếp tục mở rộng các sản phẩm liên quan thiết bị y tế. Chi phí mặt bằng của các cửa hàng được hầu hết chủ nhà giảm 50-70% trong tháng giãn cách, có chủ mặt bằng còn miễn phí giá thuê.

“Là hệ thống bán lẻ, giải quyết vấn đề việc làm cho 500 nhân sự là bài toán khó đối với chúng tôi lúc này, nhất là phần lớn là nhân viên bán hàng hưởng thu nhập theo doanh số. Trong tình hình mới, tôi phải điều phối nhân viên vào các hoạt động cộng đồng, bán rau củ của công ty và chi trả một phần để các bạn trang trải cuộc sống cơ bản. Không thể có thu nhập như trước, thời điểm này tất cả các bên đều cố gắng hỗ trợ nhau", Giám đốc Di Động Việt chia sẻ.

Giãn cách xã hội cũng khiến các doanh nghiệp bán lẻ có cơ sở sản xuất tại các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai… bị đứt gãy liên kết hàng hóa, thành phẩm. Họ phải linh hoạt chuyển đổi trong việc sản xuất và bán hàng.

Bà Nguyễn Thị Nhường- Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang LOC GROUP (doanh nghiệp may mặc có xưởng may đặt tại Biên Hòa - Đồng Nai và văn phòng ở TP Hồ Chí Minh) cho biết, 70% nhân sự của xưởng đang phải thực hiện “3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ). Hàng hóa ở xưởng không gửi lên kho hàng ở khối bán hàng đặt tại đường Cộng Hoà, P.Tân Bình, TP Hồ Chí Minh được. Vì thế các nhân sự thuộc khối cắt, may… được yêu cầu linh hoạt hơn để học cách chụp hình, thậm chí làm mẫu ảnh cho chính sản phẩm của họ.

Sau đó họ livestream bán hàng từ xưởng, tự kiểm hàng và đóng gói để chuyển trực tiếp từ xưởng đi đến khách, thay vì đưa lên kho ở TP Hồ Chí Minh như trước đây. Còn ở phía cửa hàng, phải đóng cửa, nhân viên ở văn phòng chuyển toàn bộ sang bán hàng qua hình thức livestream (phát trực tiếp), cắt giảm chi phí quảng cáo, giảm giá sản phẩm 30-70% để hỗ trợ cả phía khách hàng.

May mắn, doanh nghiệp cũng được chủ cho thuê mặt bằng văn phòng, xưởng… giảm giá, hỗ trợ phần nào khó khăn. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào (vải, phụ liệu ngành may, hộp giấy, nhãn mác…) khan hiếm, giá thành tăng mạnh và khó vận chuyển, hàng đã xuất kho đi đến đơn vị vận chuyển cũng bị ngưng trệ, do đó các đơn hàng xuất khẩu hiện chưa “thông". Nhờ nỗ lực ứng phó, các chi phí và lương nhân sự vẫn được trả đầy đủ, những nhân viên ở khu phong tỏa không thể đi làm, thu nhập giảm được công ty hỗ trợ một phần.

Mong chờ vaccine

Thực hiện “3 tại chỗ" từ ngày 15/7 cho hơn 1.000 công nhân tại trụ sở chính ở quận Tân Bình và 2 xưởng sản xuất ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng triển khai tăng ca, tăng số giờ làm, duy trì sản lượng ổn định. Sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, thiết kế và thi công kết cấu thép, đơn vị này vẫn duy trì các chiến lược kinh doanh trong nước. Tuy nhiên với các đối tác nước ngoài, từ tháng 7 đã bị ảnh hưởng về tiến độ.

 

Công nhân công ty Đại Dũng làm việc tại nhà máy ở KCN An Hạ, huyện Bình Chánh. Ảnh: Văn Hùng.

Công nhân công ty Đại Dũng làm việc tại nhà máy ở KCN An Hạ, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Hùng.

Ông Trịnh Mạnh Hùng- Phó Tổng giám đốc công ty cho biết: “Hiện chúng tôi vẫn duy trì công việc cho người lao động, tuy nhiên chi phí hoạt động có tăng cao hơn vì phải tổ chức ăn ở, xét nghiệm COVID-19 hàng tuần, khử khuẩn thường xuyên, thêm bữa ăn khuya, bổ sung trái cây, vitamin… cho công nhân”.

Doanh nghiệp này xác định các kịch bản sản xuất, kinh doanh từ nay đến hết năm 2021 là sống chung và thích ứng với dịch bệnh. Các chi phí cho phòng chống dịch tại văn phòng và nhà máy sẽ tốn kém, ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng đây là việc quan trọng hàng đầu để bảo đảm công việc cho nhân viên.

Chuyển đổi nhanh nhạy từ một doanh nghiệp may đồng phục sang đẩy mạnh may khẩu trang kháng khuẩn, Công ty TNHH May mặc Dony ở Bàu Cát 2 (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) duy trì chuỗi sản xuất liên tục từ đầu năm 2020 đến nay với các đơn hàng lớn khẩu trang xuất khẩu.

Những ngày đầu giãn cách, một số nguyên vật liệu phát sinh như nhãn, mác nhiều kiểu theo yêu cầu của khách hàng, công ty nhập hàng từ Bình Dương lên và gặp khó khăn trong khâu vận chuyển do “không phải hàng thiết yếu". Sau thời gian ngắn tạm dừng hoạt động do chưa bảo đảm cơ sở lưu trú an toàn trong phòng chống dịch (từ 15/7), ngày 9/8, công ty đã thực hiện “3 tại chỗ” và hoạt động trở lại với quy mô nhỏ, có 30% công nhân làm việc tại xưởng.

Xưởng may của công ty Dony duy trì hoạt động trở lại. Ảnh: Quang Anh.

Xưởng may của công ty Dony. Ảnh: Quang Anh.

Theo ông Phạm Quang Anh- Giám đốc công ty, trong hơn một năm qua nhà máy của ông hoạt động trên 100% năng suất, công nhân tăng ca liên tục để bảo đảm sản lượng xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ và Nhật Bản. Trong năm nay, nhu cầu thị trường nội địa tăng cao, công ty tiến hành sản xuất cho các công ty trong nước, và duy trì mức giá “cận vốn" để hỗ trợ các doanh nghiệp khác.

Thời gian tới, doanh nghiệp xác định sẽ tiếp tục phát triển song song thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện mới chỉ có 20% số nhân viên công ty được tiêm vaccine mũi 1 theo diện cư trú ở địa phương. Do đó, chủ doanh nghiệp này cũng mong muốn toàn bộ nhân viên được tiêm vaccine càng sớm càng tốt để nhà máy có thể hoạt động trở lại với 100% công suất.

Ngân Tuyết

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/doanh-nghiep-chat-vat-lam-them-nghe-tay-trai-de-vuot-dai-dich-a19141.html