Báo cáo Đánh giá Sự tham gia của trẻ em Việt Nam 2024

Nhân dịp Ngày Trẻ em Thế giới 20/11 với chủ đề “Lắng nghe tương lai”, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã công bố Báo cáo “Đánh giá Sự tham gia của trẻ em Việt Nam” 2024, hay còn gọi là báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam”.

Đây là báo cáo được thực hiện bởi Viện MSD năm 2024 và được Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI) tài trợ. Mục tiêu của báo cáo là chia sẻ các phát hiện về sự tham gia của trẻ em và việc thực thi quyền tham gia của trẻ em tại các môi trường vi mô như gia đình, trung mô như nhà trường, và vĩ mô như cộng đồng, và môi trường mạng.

Báo cáo khảo sát “Tiếng nói Trẻ em Việt Nam” lần đầu tiên được Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SC) thực hiện vào năm 2020, với những phản hồi tích cực từ các bên liên quan đặc biệt trong nỗ lực hướng đến thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em Việt Nam. Tiếp nối những nỗ lực này, kết hợp với các nhu cầu và bối cảnh hiện tại của việc thực hiện Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em và Luật Trẻ em năm 2016 tại Việt Nam, MSD và SC tiếp tục triển khai thực hiện Báo cáo khảo sát “Đánh giá sự tham gia của trẻ em”. Khảo sát được thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam gồm: Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng, Kon Tum, TP.HCM và Đồng Tháp trong thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 05/2024, với sự tham gia chia sẻ ý kiến từ 831 trẻ em, trong đó có 50 trẻ em khuyết tật và trẻ em LGBTQI+, cùng với phụ huynh, người chăm sóc và các bên liên quan gồm: cán bộ bảo vệ trẻ em các cấp tại địa phương, lãnh đạo cơ sở giáo dục, luật sư, phóng viên, lãnh đạo câu lạc bộ, đội, nhóm có sự tham gia của trẻ em.

Các phát hiện nổi bật của báo cáo bao gồm:

Sự tham gia của trẻ em trong gia đình có những điểm tích cực, cụ thể: 1) tỷ lệ trẻ em thường xuyên và rất thường xuyên được lắng nghe/tôn trọng ý kiến từ cha mẹ chiếm 56.7%; 2) tỷ lệ trẻ em lựa chọn phương án sẽ trao đổi để bố mẹ hiểu là 60% đồng thời tỷ lệ trẻ em cho rằng cha mẹ cố gắng giải thích để con cái hiểu cũng chiếm gần 70% khi hai bên có ý kiến/quan điểm trái chiều. Xét theo giới tính, tỷ lệ trẻ em nam thường xuyên và rất thường xuyên được cha mẹ lắng nghe, tôn trọng các quyết định và hỏi ý kiến về công việc của gia đình cao hơn so với trẻ em nữ, tỷ lệ tương ứng là 19.8% so với 17.8% (thường xuyên) và 10% so với 8.9% (rất thường xuyên).

Có đến 88.3% trẻ em đã từng bị mắng, chửi trong gia đình; 54.4% đã từng bị đánh, vụt trong gia đình; 54% bị kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội (kết bạn, nh yêu); 45% trẻ em cho rằng mình bị phân biệt đối xử. Cha mẹ vẫn đang chấp nhận việc cha mẹ mắng, thậm chí đánh con như một hình thức giáo dục. Điều này cho thấy còn những tồn tại trong quản lý, giáo dục trẻ em tại gia đình.

Đánh giá sự lắng nghe ý kiến trẻ em của thầy cô, có 59.8% trẻ em trong diện khảo sát cho rằng thường xuyên/rất thường xuyên được thầy cô lắng nghe/tôn trọng ý kiến của mình. Tuy vậy, tỷ lệ trẻ em chưa bao giờ trao đổi, đối thoại với lãnh đạo trường lại chiếm tỷ lệ khá cao (63%). Điều này cho thấy có khoảng cách/giới hạn nhất định giữa lãnh đạo trường học với trẻ em.

Mức độ tự chủ của trẻ em với các nội dung tại trường học như học tập, sự riêng tư, nh bạn/nh yêu, đóng góp vào các hoạt động của trường đều ở mức khá cao khi điểm trung bình đều từ 3.61 trở lên trong thang điểm từ 1 (thấp nhất) đến 5 (cao nhất). Trong đó, mức độ tự chủ trong học tập có ĐTB cao nhất (4.06/5).

Có đến 77.5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường. Phát hiện này tương đồng với kết quả của nghiên cứu trên 1.040 học sinh THCS và THPT tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm 2019 khi có 75.7% học sinh tham gia vào bắt nạt truyền thống. Đây là điểm hết sức lưu ý đối với các nhà trường trong quá trình tổ chức giáo dục và hoạt động rèn luyện đối với học sinh.

Mức độ tham gia các hoạt động liên quan đến quyền tham gia của trẻ em tại cộng đồng của trẻ em còn nhiều hạn chế khi không có hoạt động nào có mức ĐTB từ 3 trở lên trong thang điểm từ 1 (thấp nhất) đến 5 (cao nhất). Các hoạt động sinh hoạt hè thanh thiếu niên là các hoạt động được tham gia tích cực nhất nhưng ĐTB cũng chỉ đạt 2.56/5.

Tọa đàm, đối thoại với lãnh đạo địa phương có ĐTB thấp nhất, mức điểm chỉ đạt 1.91/5. So sánh với sự tham gia, mức độ tự chủ của trẻ em tại gia đình và tại trường học, sự tham gia và mức độ tự chủ của trẻ em tại cộng đồng hạn chế hơn cả. Kết quả phỏng vấn sâu tại các tỉnh cũng cho thấy, nhiều địa phương không có nhiều các hoạt động có chất lượng, chiều sâu dành cho trẻ em: “Cũng có ban chỉ đạo ở xã trong đó có cán bộ Lao động- thương binh và xã hội và hiệu trưởng làm thường trực đấy nhưng ít hoạt động. Các hoạt động của trẻ em chủ yếu giao về trường học thôi. Mình chỉ phối hợp” (PVS cán bộ LĐTBXH, Yên Bái).

Bên cạnh các môi trường gia đình, trường học, cộng đồng, môi trường mạng ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của trẻ em nói chung và đảm bảo quyền của trẻ em nói riêng. Kết quả khảo sát cho thấy 83.9% trẻ em có sử dụng điện thoại, trong đó điện thoại thông minh chiếm 76%. 86.1% trẻ em được khảo sát có sử dụng mạng xã hội. 97% trẻ em được khảo sát sử dụng điện thoại từ 1h/ngày, trong đó gần 27% sử dụng điện thoại từ 5h/ngày. Mục đích sử dụng lớn nhất là giải trí gồm xem phim ảnh, nghe nhạc... (86%).

Trên cơ sở một số phát hiện chính nêu trên, đánh giá đưa ra một số khuyến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, đối với gia đình, trường học và tổ chức xã hội. Các khuyến nghị cụ thể như sau:

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước:

Cần xây dựng một hệ thống ghi nhận và đánh giá mức độ tham gia của trẻ em và cũng như theo dõi các quan điểm và khuyến nghị của trẻ em được cân nhắc, sử dụng thế nào trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách liên quan. Hệ thống này được quản lý, điều phối bởi Cục Trẻ em (cấp Trung ương) và cơ quan chuyên trách về bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố (cấp địa phương).

Các tiêu chuẩn và hướng dẫn về sự tham gia của trẻ em cần được xây dựng và áp dụng một cách đầy đủ và nghiêm túc. Trong đó bao gồm các hướng dẫn về lựa chọn trẻ em từ các nhóm trẻ em, các môi trường xã hội khác nhau để đảm bảo cơ hội tham gia đầy đủ và bình đẳng cho các nhóm trẻ em.

Tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo về kỹ thuật thúc đẩy sự tham gia của trẻ em và các nguyên tắc cơ bản cho các cơ quan chủ chốt các cấp tại địa phương. Khóa đào tạo nên bao gồm các nguyên tắc cơ bản về sự tham gia của trẻ em cũng như kiến thức và kỹ năng về các phương pháp thúc đẩy sự tham gia khác nhau. Trẻ em cũng cần được đào tạo để có thể chủ động, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá hoạt động tham gia của mình.

Đối với gia đình:

Phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần tích cực tham gia các chương trình, hoạt động tư vấn, hướng dẫn, giáo dục, tập huấn... để tăng cường nhận thức và điều chỉnh hành vi ứng xử với trẻ em liên quan đến bảo đảm và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong gia đình. Một số khía cạnh, chủ đề trọng tâm như: Nói không với áp đặt, bạo hành ngôn ngữ (quát nạt, đe dọa, dẫn dắt...) khi trao đổi ý kiến; Không phân biệt đối xử dựa theo giới trong bàn bạc, thảo luận và ra quyết định; Lắng nghe và làm bạn cùng con...

Dành thời gian có chất lượng để lắng nghe, ghi nhận, khuyến khích và thúc đẩy trẻ em trong gia đình bày tỏ ý kiến, sáng kiến về những vấn đề liên quan đến trẻ em trong gia đình; phản hồi tích cực (đáp ứng hoặc có giải thích đầy đủ khi không đáp ứng) đối với tất cả ý kiến của trẻ em.

Tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em có thể tham gia vào các hoạt động được tổ chức tại trường học, cộng đồng dân cư... khi trẻ em bày tỏ nhu cầu, mong muốn tham gia; Hướng dẫn cách thức tham gia, biểu đạt ý kiến, đề xuất sáng kiến, ý tưởng... khi trẻ em gặp khó khăn trong tham gia các hoạt động tại trường học và cộng đồng.

Đối với trường học:

Trường học và thầy cô cần lấy học sinh làm trung tâm, lắng nghe học sinh nhiều hơn, thúc đẩy học sinh chủ động, tích cực hơn:

Tạo cơ hội tham gia các công việc của lớp, trường cho mọi học sinh;

Lắng nghe, trao đổi và phản hồi tích cực hơn đối với học sinh;

Tổ chức nhiều hơn vào các hoạt động ngoại khóa để tiếp cận và thúc đẩy sự tham gia của học sinh;

Tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng thúc đẩy sự tham gia, bày tỏ ý kiến của học sinh đối với lãnh đạo cơ sở giáo dục và giáo viên;

Cởi mở hơn trong vấn đề tình bạn, tình yêu của học sinh;

Phối hợp chặt chẽ hơn với phụ huynh và chính quyền tổ chức các hoạt động để lắng nghe chia sẻ của trẻ em;

Thành lập các nhóm, CLB dựa trên sở thích, nhu cầu, điểm mạnh của trẻ em.

Đối với tổ chức xã hội:

Tiến hành đánh giá hiệu quả và tác động của các hoạt động, mô hình tăng cường sự tham gia của trẻ em một cách có hệ thống, các bài học kinh nghiệm cần được chia sẻ rộng rãi để các bên, các cấp có thể học hỏi và vận dụng nhân rộng theo hệ thống của mình;

Huy động và điều phối sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của trẻ em theo hướng thực chất và hiệu quả;

Tăng cường góp ý, xây dựng chính sách, hướng dẫn triển khai các mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em đối với cơ quan quan lý Nhà nước ở các cấp độ địa phương và quốc gia.

Bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) chia sẻ tại Hội thảo tổng kết dự án “Phòng chống bạo lực, tinh thần thể chất và phân biệt đối xử đối trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật” (AVAC)Bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) chia sẻ tại Hội thảo tổng kết dự án “Phòng chống bạo lực, tinh thần thể chất và phân biệt đối xử đối trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật” (AVAC)

Chia sẻ về kết quả báo cáo, bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện MSD cho biết: “Các số liệu trong báo cáo “Đánh giá sự tham gia của trẻ em Việt Nam” 2024 không chỉ phản ánh một cách chân thực thực trạng về quyền trẻ em, mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về mức độ tham gia của trẻ em trong các bối cảnh quan trọng như gia đình, trường học và xã hội. Chúng tôi hy vọng rằng, kết quả khảo sát ở các quy mô từ vi mô đến vĩ mô, về các vấn đề liên quan trực tiếp và gián tiếp đến sự an toàn và phát triển của trẻ sẽ là cơ sở tham chiếu cho các hoạt động, giải pháp và can thiệp phù hợp ở những phạm vi, cấp độ và hình thức khác nhau hướng đến việc thực thi Quyền Trẻ em hiệu quả, phù hợp với thực trạng phát triển xã hội trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình, cũng như các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em một cách đầy đủ, toàn diện và hiệu quả hơn. Đặc biệt, các đề xuất của trẻ trong báo cáo là định hướng cho các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sự tham gia của trẻ em trong quá trình phát triển bền vững của xã hội”.

Để đọc thêm thông tin chi tiết về Báo cáo, vui lòng quét mã QR dưới đây:

hoặc truy cập đường link: Báo cáo Đánh giá sự tham gia của trẻ em

 Minh Anh (t/h)

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/bao-cao-danh-gia-su-tham-gia-cua-tre-em-viet-nam-2024-a191758.html