Hiện thực hoá giấc mơ thương hiệu quốc gia cho ngành ô tô Việt

Không chỉ dừng ở mục tiêu sản xuất, lắp ráp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với các doanh nghiệp trong nước làm chủ lực đã hướng tới tham gia vào chuỗi giá trị, thương mại toàn cầu thông qua xuất khẩu linh kiện và ô tô nguyên chiếc...

Khẳng định vị thế “ngược dòng”

Đi sau, phát triển chậm, nhưng các DN ngành ô tô Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế khi “ngược dòng” XK ngược lại tới các nước trong khu vực.

Từ những năm 2004 - 2005, Thaco đã nghiên cứu, sản xuất lắp ráp xe bus, đồng thời liên tục đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm theo yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Đến năm 2019, Thaco gặt hái “quả ngọt” từ chiến lược đầu tư bài bản, mở màn bước chân ra thế giới bằng sự kiện XK những chiếc xe bus (tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 45%, động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5) sang các nước trong khu vực (Philippines, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Myanmar). Không chỉ vậy, DN thương hiệu Việt này cũng đặt chân sang thị trường Mỹ với việc XK lô Sơ mi rơ moóc.

Thaco gặt hái “quả ngọt” từ chiến lược đầu tư bài bản, mở màn bước chân ra thế giới bằng sự kiện xuất khẩu những chiếc xe busThaco gặt hái “quả ngọt” từ chiến lược đầu tư bài bản, mở màn bước chân ra thế giới bằng sự kiện xuất khẩu những chiếc xe bus

Đây được xem là mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung và Thaco nói riêng, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh trong khu vực.

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho biết: Để có được lô xe đầu tiên XK sang Philippines - là quá trình kiên trì thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của đơn vị. Ngay từ đầu, Thaco đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai - định hướng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu ô tô quốc tế sản xuất, XK sang các nước khu vực ASEAN; XK linh kiện và phụ tùng ô tô, tham gia chuỗi giá trị cung ứng phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Không chỉ xe khách, năm 2020, Thaco đã “lội ngược dòng” XK những chiếc xe du lịch Kia Grand Carnival sang Thái Lan, trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á (đơn hàng gần 600 xe). Tính chung cả năm 2020, Thaco đã XK 1.026 xe ô tô các loại; năm 2023, XK hơn 2.400 xe (đạt doanh thu hơn 10 triệu USD).

Năm 2022, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiếp tục ghi nhận một dấu mốc lịch sử: VinFast XK lô gồm 999 chiếc xe điện mang thương hiệu VinFast sang Mỹ, một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.

Trong bối cảnh ô tô NK nguyên chiếc từ các nước ASEAN - hưởng thuế suất NK ưu đãi 0%, đang ồ ạt về Việt Nam và nhiều DN chủ yếu NK xe về bán trong nước, gây áp lực nặng nề lên các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, thì việc VinFast XK ô tô sang Mỹ, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô nội địa, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Sau Thaco, năm 2022, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiếp tục ghi nhận một dấu mốc lịch sử nữa khi VinFast xuất khẩu lô gồm 999 chiếc xe điện mang thương hiệu VinFast đi MỹSau Thaco, năm 2022, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiếp tục ghi nhận một dấu mốc lịch sử nữa khi VinFast xuất khẩu lô gồm 999 chiếc xe điện mang thương hiệu VinFast đi Mỹ

Hyundai Thành Công Việt Nam - cái tên tiếp theo XK thành công ô tô sang thị trường nước ngoài, đánh dấu những cột mốc mới trong ngành công nghiệp Việt Nam.

Năm 2023, dòng xe đầu tiên được Hyundai Thành Công Việt Nam XK là Hyundai Solati (mini bus 16 chỗ) và Mighty N250 (xe tải nhẹ), số lượng 122 chiếc, sang Peru, một đất nước khá xa với Việt Nam.

Không dừng ở đó, mới đây, Hyundai Thành Công Việt Nam thâp nhập trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á khi XK 110 xe du lịch cao cấp Hyundai Palisade sang thị trường Thái Lan.

Sau Hyundai Palisade, Hyundai Thành Công còn đặt mục tiêu mở rộng XK các dòng xe khác trong phân khúc B, B-SUV, D-SUV, D-MPV sang thị trường Đông Nam Á khác như Myanmar, Philippines, Indonesia...

Những kết quả trên, số lượng tuy chưa lớn, nhưng là bước đi – tạo nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam.

Trở thành “cứ điểm” đầu tư

Không chỉ là một “điểm đến” đầy tiềm năng khiến hầu hết các thương hiệu ô tô lớn trên thế giới đẩy mạnh bán hàng vào, mà thị trường Việt Nam ngày một hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, các hãng xe sẵn sàng xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam, chứ không đơn thuần nhập xe về bán như trước.

Trong bối cảnh nhiều nhà máy sản xuất ô tô phải đóng cửa tại các cường quốc sản xuất ô tô trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam đang dần vươn lên - trở thành “cứ điểm” đầu tư trong khu vực.

Có thể kể ra hàng loạt hoạt động đầu tư, hợp tác chiến lược sản xuất ô tô tại Việt Nam trong 2 năm qua.

“Ông lớn” trong ngành phân phối xe tại Việt Nam - Công ty CP Tasco và Geely Auto Group, đã ký kết hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam. Liên doanh sản xuất lắp ráp xe ô tô giữa Tasco và Geely là một dự án CKD (Completely Knocked Down lắp ráp trong nước với linh kiện được NK), có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho Giai đoạn 1, quy mô diện tích đất 30 ha, phục vụ nhu cầu trong nước, XK sang các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án, dự kiến khoảng 168 triệu USD, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64% và Tập đoàn Geely sẽ góp vốn 36%.

Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác. Nhà máy, dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.

Hai DN cũng sẽ hợp tác để kêu gọi các nhà đầu tư khác để hoàn thiện chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng, thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực… tại Khu kinh tế Thái Bình.

Năm 2023, Hyundai Thành Công Việt Nam và Skoda Auto (CH Séc) hợp tác chiến lược, xây dựng nhà máy sản xuất xe Skoda tại tỉnh Quảng Ninh. Toàn bộ dây chuyền sản xuất, lắp ráp, áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu của Skoda Auto, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu với mức độ tự động hóa cao. Đây sẽ là nơi tập trung nguồn nhân sự chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm và quy tụ nhiều DN trong ngành ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Năm 2023, dòng xe đầu tiên được Hyundai Thành Công Việt Nam XK là Hyundai Solati (mini bus 16 chỗ). Ảnh minh họa.Năm 2023, dòng xe đầu tiên được Hyundai Thành Công Việt Nam XK là Hyundai Solati (mini bus 16 chỗ). Ảnh minh họa.

TMT Motors của Việt Nam và liên doanh GM - SAIC – WULING, đã ký thỏa hợp tác chiến lược tháng 2/2023. Liên doanh GM và SAIC - WULING cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam.

Liên doanh Geleximco (Việt Nam) và Chery (Trung Quốc) đã ký hợp tác đầu tư đầu tư - xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải (Thái Bình), tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 800 triệu USD, sản xuất phân phối các dòng xe Omoda & Jaecoo tại Việt Nam.

BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, sau khi phân phối sản phẩm tại Việt Nam năm 2024, cũng không giấu giếm kế hoạch sẽ đầu tư sản xuất - lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam trong thời gian tới…

Các thỏa thuận như trên, sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Nhờ đó, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam - được kỳ vọng sẽ có cơ hội chuyển mình, phát triển và có cơ hội nội địa hóa mạnh mẽ hơn.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang khẳng định được vị thế và tiềm lực với các nhà sản xuất, không chỉ có khả năng cung cấp những chi tiết, phụ tùng đơn giản, mà còn cả những máy móc, thiết bị phức tạp cho ngành này.

Việt Nam đang cho thấy sự hấp dẫn các nhà đầu tư với nhiều tiềm năng chờ được khai phá, cơ hội nâng tầm ngành công nghiệp ô tô thoát khỏi “vùng trũng” - khi có nhiều sản phẩm được XK.

Thaco- một “doanh nghiệp dân tộc”

Tại cuộc gặp mặt với các đại diện DN nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 2024, diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ:

“Các DN, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không chỉ trong nước, mà nhiều DN, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Đã có các DN dân tộc, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng - là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương hiệu quốc gia như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, TH, Vinamilk, Masan...”.

Thaco - Tập đoàn Trường Hải, là một thương hiệu Việt. Nói như người đứng đầu Chính phủ “là DN dân tộc, đã có hành trình phát triển ấn tượng và in sâu bám rễ trong tâm trí người tiêu dùng”. Hơn 2 thập kỷ hình thành và phát triển, thương hiệu Thaco hiện - chính là quả ngọt thuyết phục nhất cho những chiến lược đúng đắn, ý chí quyết tâm và tinh thần không ngại khó của DN.

Thaco - Tập đoàn Trường Hải, là một thương hiệu ViệtThaco - Tập đoàn Trường Hải, là một thương hiệu Việt

Hành trình xây dựng thương hiệu của Thaco, đã hơn 20 năm khi 2003, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai với chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư để phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm đó, Chu Lai không có gì nhiều hơn cát trắng, nắng nóng và gió, cơ sở hạ tầng chưa được phát triển. Đặc biệt, nguồn nhân lực gần như ở điểm xuất phát, bởi phần lớn là nông dân, việc chuyển họ thành công nhân với tác phong công nghiệp, sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, Thaco quyết định chọn Chu Lai là nơi để khởi đầu cho giấc mơ lớn về ngành công nghiệp cơ khí và ô tô.

Ngay từ buổi ban đầu khó khăn ấy, đơn vị đã xác định, xây dựng thương hiệu Thaco gồm 1 hệ sinh thái đa ngành, trong đó cơ khí và ô tô là chủ lực, đồng thời phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bổ trợ cho nhau, tạo ra giá trị cộng hưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm nông nghiệp, đầu tư xây dựng, logistics, thương mại & dịch vụ.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, song kiên định với lựa chọn của mình, tìm hiểu kỹ và có những phân tích, đánh giá chính xác, đúng đắn nên các bước đi của Thaco trong lĩnh vực ô tô - cơ khí ở buổi ban đầu, sau đó mở rộng sang lĩnh vực logistics, đầu tư xây dựng và nông nghiệp, đều có liên quan mật thiết với nhau theo cơ chế hỗ trợ, cộng hưởng để tạo ra giá trị lớn hơn từ nền tảng ban đầu.

Khi thương hiệu đã vững vàng, Thaco không ngần ngại chinh phục những thử thách lớn hơn để thương hiệu phát triển ở một tầm cao mới. Sau 15 năm phát triển, năm 2018, đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng với Thaco khi BMW đã chọn Thaco hợp tác phân phối xe thương hiệu BMW và MINI tại Việt Nam.

Không chỉ BMW lựa chọn Thaco, việc Tập đoàn Dailmer chọn Thaco để “gửi gắm” Fuso, thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối sản phẩm, cũng thể hiện tầm và thế của Thaco.

Ngày 21/5/2022, Thaco đã công bố hợp tác chiến lược với DAIMLER BUS, đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược “tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu ô tô quốc tế sản xuất tại Việt Nam” của Thaco, thông qua việc hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới để nghiên cứu thiết kế, sản xuất xe bus thương hiệu quốc tế, phục vụ thị trường trong nước và XK.

Thaco hiện là tập đoàn kinh doanh ô tô lớn nhất cả nước, vươn tầm châu ÁThaco hiện là tập đoàn kinh doanh ô tô lớn nhất cả nước, vươn tầm châu Á

Thaco hiện là tập đoàn kinh doanh ô tô lớn nhất cả nước, vươn tầm châu Á. Thaco đáp ứng đầy đủ về tiêu chí showroom và xưởng dịch vụ rộng khắp, với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp trên tinh thần “tận tâm phục vụ” - đã hoàn toàn thuyết phục BMW.

Thaco đang triển khai mô hình kinh doanh tổ hợp showroom ô tô kết hợp với các trung tâm thương mại, giải trí theo mô hình “một điểm đến – nhiều tiện ích, dịch vụ” nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ và sản phẩm.

Thaco hướng đến đa ngành nghề

Sau khi ghi dấu ấn ở ngành công nghiệp ô tô, những năm gần đây, Thaco tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và gặt hái thành công ở các ngành nghề khác như nông nghiệp, bán lẻ. 

Tiêu biểu là từ năm 2017, Thaco đã hợp tác sản xuất máy nông nghiệp với đối tác Hàn Quốc; năm 2018, ký hợp tác chiến lược với Công ty Hoàng Anh nông nghiệp Gia Lai (HNG) về đầu tư nông nghiệp cây ăn trái.

Giữa tháng 5/2021, Thaco xác nhận thông tin mua toàn bộ vốn Emart Việt Nam và trả phí nhượng quyền thương hiệu cho đại gia bán lẻ Hàn Quốc để vận hành, mở rộng hoạt động.

Năm 2020, Thaco Trailers đã XK lô sơ mi rơ moóc đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Nhận được phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, Thaco Trailers không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa cấu hình sản phẩm, thâm nhập vào thị trường tiềm năng này bằng những đơn hàng lớn, tạo đà mở rộng kinh doanh tại các nước Bắc Mỹ (Canada, Mexico). Đồng thời, Thaco Trailers tiếp tục sản xuất, cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu tại các thị trường khác như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tính từ năm 2020 đến nay, Thaco Trailers đã XK sang các nước gần 13.000 sơ mi rơ moóc.

Năm 2022, Tập đoàn đưa vào hoạt động Công ty TNHH Sản xuất sơ mi rơ moóc và cấu kiện nặng Thaco Industries (Thaco Trailers), đầu tư nhà máy mới có công suất 30.000 sản phẩm/năm, với hệ thống trang thiết bị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Quy trình sản xuất khép kín và đồng bộ, qua các công đoạn chế tạo chi tiết, hàn, sơn, lắp ráp, kiểm định, nhà máy đầu tư hệ thống máy cắt laser cho toàn bộ chi tiết cơ khí, khung xương sơ mi rơ moóc với độ chính xác cao. Dây chuyền hàn trang bị hệ thống đồ gá và robot hàn tự động, có tầm với lên đến 2.200 mm, đảm bảo hàn chính xác ở mọi góc độ, các mối hàn đạt tiêu chuẩn về chất lượng, thẩm mỹ.

Nhờ đó, tháng 8/2024, Thaco Industries thông báo Thaco Trailers chính thức trở thành nhà sản xuất sơ mi rơ moóc Việt Nam đầu tiên tham gia Hiệp hội Thương mại hàng đầu Bắc Mỹ, trong lĩnh vực vận tải đa phương thức - IANA. Sự kiện này, không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu của Thaco Trailers, mà còn mở ra cơ hội hợp tác và phát triển kinh doanh, góp phần gia tăng sản lượng sơ mi rơ moóc XK.

Với kinh nghiệm trong điều hành và phát triển DN, cũng như mối quan hệ đối tác trong và ngoài nước, Thaco không giấu mong muốn sẽ là đầu mối hỗ trợ các DN khác tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Không phân biệt đối tác lớn hay nhỏ, Thaco nhìn nhận ý chí, quyết tâm, nội lực sẵn sàng vượt qua thách thức, để các DNNVV có điều kiện phát huy hết năng lực sở trường.

Là tập đoàn lớn với 6 lĩnh vực ngành nghề trọng yếu của nền kinh tế đất nước, Thaco hiểu được trách nhiệm và sứ mệnh của mình, không chỉ là để đơn vị phát triển mạnh mẽ, bền vững, mà còn phải chia sẻ, giúp đỡ các DN khác cùng đi lên, hoàn thiện hơn.

Với ý tưởng đó, Thaco đã thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất, hợp tác để làm bệ đỡ cho những công ty vừa và nhỏ phát triển ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của đất nước…

Bùi Quyền (t/h)

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-thuong-hieu-quoc-gia-cho-nganh-o-to-viet-a192355.html