F0 dễ gặp nguy hiểm nếu không có người chăm sóc

Dù đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tự theo dõi tại nhà, bệnh nhân không có người chăm sóc sẽ gặp nguy hiểm khi xuất hiện triệu chứng bất thường.

Tình hình dịch Covid-19 phức tạp, số người nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao mỗi ngày, hệ thống y tế tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP.HCM cũng chịu áp lực lớn.

Trong bối cảnh đó, nhiều F0 không có hoặc xuất hiện triệu chứng nhẹ đã được cho phép tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc để các F0 tự chăm sóc khi mắc bệnh. Việc ở cùng gia đình, có người chăm sóc là một trong những điều kiện cơ bản để F0 được phép tự theo dõi tại nhà.

Vai trò của người chăm sóc

Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khẳng định người chăm sóc các F0 tại nhà sẽ có nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, hỗ trợ người nhiễm SARS-CoV-2 như một nhân viên y tế.

“Thành viên trong gia đình, người cùng nhà F0 lúc này cũng trở thành cầu nối để liên kết bệnh nhân với các bác sĩ khi xảy ra tình huống bất thường. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của người chăm sóc giúp bệnh nhân hạn chế nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí tử vong”, bác sĩ Phúc khẳng định.

cham soc F0 tai nha anh 1

Người chăm sóc F0 tại nhà cũng như một nhân viên y tế. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Theo vị chuyên gia này, việc để F0 một mình xoay sở, tự theo dõi bệnh mà không có người hỗ trợ sẽ mang đến những nguy cơ rất lớn.

Bác sĩ Phúc giải thích: “Trường hợp F0 tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoàn toàn có khả năng xuất hiện các triệu chứng bất thường, thậm chí rơi vào tình huống cấp cứu. Lúc này, bản thân F0 không thể tự xử trí được. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, họ rất có thể sẽ gặp nguy hiểm tới tính mạng”.

Với một số bệnh nhân Covid-19, các dấu hiệu của diễn biến nặng có thể xảy ra thầm lặng như giảm oxy máu, rối loạn nhịp tim... Tình trạng này dễ khiến người bệnh chủ quan.

“Khi các vấn đề này nặng hơn và biểu hiện rõ ra ngoài, người bệnh không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tình huống rất nguy kịch”, ông nói.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng rất phổ biến ở người mắc Covid-19 là tình trạng chán ăn, mất khứu giác, giảm vị giác, buồn nôn, ăn không tiêu, tiêu chảy... Những triệu chứng này ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của người bệnh.

“Lúc này, nếu bệnh nhân không có người chăm sóc, động viên, rất dễ dẫn tới hiện tượng bỏ bữa, không uống đủ nước. Đây là các yếu tố khiến bệnh dễ diễn biến nặng hơn”, bác sĩ Phúc khẳng định.

Người chăm sóc cần hiểu rõ về bệnh

Dù có vai trò quan trọng, theo bác sĩ Phúc, để đảm bảo tốt sức khỏe cho bệnh nhân, người chăm sóc cũng phải hiểu rõ các nguyên lý của bệnh, từ đó theo dõi sát F0, đồng thời không để bản thân lây nhiễm virus.

Ngoài ra, những người chăm sóc F0 tại nhà cũng là nhóm tiếp xúc trực tiếp người bệnh. Do đó, chúng ta phải nắm vững các nguyên tắc phòng tránh lây nhiễm, từ đó bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Bác sĩ Phúc cho biết: “Người chăm sóc cần có không gian sinh hoạt riêng, cách biệt với bệnh nhân Covid-19 như phòng ở, nhà vệ sinh (nếu có)... Ngoài ra, nơi ở phải thoáng khí, thường xuyên mở cửa sổ”.

Một số nguyên tắc phòng tránh lây nhiễm cho người chăm sóc cũng cần được đảm bảo là mặc quần áo bảo hộ đầy đủ, đeo khẩu trang, găng tay khi tiếp xúc trực tiếp F0. Việc tiếp xúc lâu với người bệnh cũng nên hạn chế nếu không thực sự cần thiết.

cham soc F0 tai nha anh 2

Ngành y tế cũng cần có sự hỗ trợ người mắc Covid-19 tự theo dõi tại nhà. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo gia đình cần chuẩn bị các dụng cụ sinh hoạt riêng cho người bệnh như khăn mặt, đồ dùng vệ sinh, bát, đũa. Người chăm sóc cần rửa tay thường xuyên với xà phòng, nước sát khuẩn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc người bệnh.

Về rác thải, người chăm sóc cũng cần phân loại và bỏ rác thải của bệnh nhân Covid-19 vào túi riêng, vứt đúng nơi quy định.

Bác sĩ Phúc khuyến cáo: “Tốt nhất, những người chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 nên là người trẻ, khỏe mạnh, không mang bệnh nền và nếu có thể, họ nên là người đã được tiêm vaccine”.

Để tránh lây nhiễm cho cộng đồng, người chăm sóc F0 tại nhà cũng phải hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc những người xung quanh.

Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực nhận định trong bối cảnh dịch phức tạp, việc chăm sóc và điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại nhà là cần thiết để giảm tải cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, hệ thống y tế cũng cần có sự hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân, người chăm sóc.

Theo bác sĩ Phúc, sau khi F0 được phát hiện trong cộng đồng, những người này phải được phân loại yếu tố nguy cơ. “Chỉ những người có yếu tố nguy cơ diễn biến nặng thấp mới được tự theo dõi và chăm sóc tại nhà”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Hệ thống y tế phải có hướng dẫn cho bệnh nhân và người chăm sóc cách theo dõi sức khỏe tại nhà gồm những việc cần làm, bảng theo dõi các dấu hiệu diễn biến nặng, chỉ số sinh tồn như mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu. Qua đó, bản thân bệnh nhân cũng như người chăm sóc dễ nắm bắt và theo dõi.

Các nhân viên y tế địa phương cũng có thể cung cấp cho F0 và gia đình các loại thuốc, dụng cụ y tế thiết yếu, hướng dẫn sử dụng để họ tự điều trị, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Lực lượng y tế cũng cần cung cấp cho các F0 này số điện thoại di động của bác sĩ phụ trách, đường dây nóng cũn mạng lưới kết nối giữa người bệnh và nhân viên y tế trong trường hợp khẩn cấp.

“Nhân viên y tế hoàn toàn có thể tư vấn từ xa, nhận biết các dấu hiệu nặng của F0 để đưa ra hướng xử trí kịp thời”, bác sĩ Phúc nói.

Cuối cùng, lực lượng y tế cần chuẩn bị một hệ thống cấp cứu lưu động, sẵn sàng tới nhà người bệnh ngay khi họ có diễn biến nặng và vận chuyển F0 đến cơ sở y tế phù hợp.

Làm thế nào để bảo vệ người cao tuổi, mắc bệnh nền trong mùa dịch? Do nguy cơ diễn biến nặng của nhóm người này rất cao, gia đình cần đặc biệt lưu tâm bảo vệ họ và giữ liên lạc với nhân viên y tế.

 

QUỐC TOÀN

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/f0-de-gap-nguy-hiem-neu-khong-co-nguoi-cham-soc-a19301.html