Phổ biến quy định mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Luật bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 20/6/2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thay thế cho Luật năm 2010. Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, lần sửa đổi này có thể nói là toàn diện, đồng bộ nhất từ trước đến nay.

Luật gồm 7 chương và 80 điều, trong đó nhiều quy định tại các văn bản dưới luật, xu hướng, xu thế mới trong hành vi kinh doanh và tiêu dùng,cùng các kinh nghiệm quốc tế trên thực tiễn đã được rà soát, cập nhật vào trong Luật.

“Luật đã bổ sung nhiều quy định hoàn toàn mới như bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương, người có ảnh hưởng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, giao dịch đặc thù,… Nhiều nội dung quan trọng về đối tượng áp dụng, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, của tổ chức, cá nhân kinh doanh, cơ chế giải quyết tranh chấp trong tiêu dùng, hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, cụ thể hoá trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương đã được sửa đổi, hoàn thiện” - lãnh đạo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin.

Tuyên truyền pháp luật Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùngTuyên truyền pháp luật Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tham mưu cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành luật như: Nghị định số 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ theo quy định.

“Đến thời điểm hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về cơ bản đã được hoàn thiện. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy định mới cho các đối tượng liên quan cần được ưu tiên trong giai đoạn hiện này để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng cũng như cộng đồng kinh doanh” - đại diện Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định.

Thực hiện nhiệm vụ được giao trong khuôn khổ các hoạt động năm 2024 của Đề án triển khai Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2024 - 2026, trong thời gian qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tổ chức chuỗi hội nghị, hội thảo tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy định mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cho đa dạng các chủ thể trong xã hội từ nhóm cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề đến cộng đồng kinh doanh và người tiêu dùng có liên quan.

Lãnh đạo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, chuỗi hoạt động bao gồm 3 Hội nghị tập huấn được tổ chức theo khu vực địa lý: miền Bắc tại TP. Hà Nội, miền Trung tại TP. Đà Nẵng và miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh; cùng 1 Hội thảo tuyên truyền, phổ biến Luật cho cộng đồng kinh doanh và người tiêu dùng miền Bắc (tại Hà Nội).

Chuỗi hoạt động đã thu hút sự tham gia của gần 600 đại biểu cả trực tiếp và trực tuyến đến từ Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố, Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng), Uỷ ban nhân dân cấp cấp xã và nhiều Sở, ban ngành, cơ quan chuyên môn khác, cùng gần 100 hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội và cộng đồng người tiêu dùng trên khắp cả nước.

Tại các sự kiện trong chuỗi hoạt động, đại diện của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã giới thiệu, cung cấp thông tin, hướng dẫn về các quy định mới, những vấn đề cần lưu ý của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như tổng quan về hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những điểm mới về đối tượng và phạm vi áp dụng, làm rõ các khái niệm mới trong Luật, quy định về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh, phương thức để giải quyết tranh chấp tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, người tiêu dùng dễ bị tổn thưởng, quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước và hoạt động của các tổ chức xã hội và cơ quan, tổ chức có liên quan khác trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,...

Song song đó, đại diện của Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố cũng đã chia sẻ tình hình triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương, các khó khăn cũng như kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Luật nói riêng và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung trên địa bàn.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, đang tích cực triển khai các nhiệm vụ trong quyền hạn được quy định trong Luật này, nổi bật là hệ thống Tư vấn, giải quyết khiếu nại trực tuyến với sự liên thông, kết nối tới các Hội tỉnh, thành phố trực thuộc và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền trên phạm vi toàn quốc.

Các Hội thảo cũng nhận được sự tham gia, thảo luận sôi nổi của đông đảo đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và người tiêu dùng. Các nội dung trao đổi mang tính thực tiễn cao, giúp cộng đồng kinh doanh hiểu rõ hơn và có thêm định hướng trong việc áp dụng, tuân thủ các quy định của Luật vào thực tiễn kinh doanh, hoạt động của đơn vị, tổ chức mình.

Tâm An (t/h)

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/pho-bien-quy-dinh-moi-cua-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-nam-2023-a193281.html