Doanh nghiệp mất 5 triệu USD chỉ vì không tuân thủ cam kết

Nhiều doanh nghiệp (DN) chi không ít tiền cho quảng cáo, marketing nhưng lại không quan tâm đến vấn đề pháp lý. Một tập đoàn lớn ở Hải Phòng đã mất 5 triệu USD vì không tuân thủ quy định của thương mại. Nếu thấu hiểu những quy định cũng như cam kết áp dụng cho ngành kinh doanh của mình thì DN không tổn thất lớn như vậy.

Thông tin này đã được ông Ngô Chung Khanh- Phó vụ trưởng, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến "Tìm hiểu các hiệp định thương mại tự do để thâm nhập hiệu quả thị trường EU và Vương quốc Anh - Cơ hội hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Singapore" do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức sáng 28/8.
 
Lợi thế hợp tác để thâm nhập EU và Vương quốc Anh
 
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, Việt Nam và Singapore hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Lũy kế đến tháng 7/2021, Singapore là đối tác đầu tư FDI lớn thứ 3 của Việt Nam. Bên cạnh đó, Singapore còn là đối tác thương mại lớn thứ 10 trên toàn cầu và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong số các nước Đông Nam Á.
 
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 14 hiệp định đã có hiệu lực. 9 trong số đó có sự tham gia của đồng thời cả Việt Nam và Singapore. Đối với EU và Vương quốc Anh, Việt Nam và Singapore là 2 quốc gia năng động tham gia ký kết các FTA với 2 thị trường này.
 
 
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu khai mạc sự kiện.
 
"Những lợi thế về năng lực cung ứng, năng lực thương mại mà doanh nghiệp hai nước đang có là vô cùng tiềm năng, nhất là trong bối cảnh hiện Việt Nam và Singapore là hai nước duy nhất trong khu vực có các FTA mang tính toàn diện với thị trường EU và Vương quốc Anh. Ngoài ra, nền kinh tế hai nước mang tính bổ trợ cao nên việc hợp tác, cùng khai thác và thâm nhập thị trường EU, Vương quốc Anh là hướng đi đúng đắn", ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
 
Theo ông Mai Phước Dũng- Đại sứ Việt Nam tại Singapore, tháng 8/2020, Hiệp định thương mại tự do giữa Liên Minh châu Âu EU-Việt Nam (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực. Tháng 5/2021, Hiệp định FTA Việt Nam - Vương quốc Anh cũng chính thức được thực thi. Trong khi đó, FTA EU-Singapore và FTA Vương quốc Anh-Singapore cũng đã có hiệu lực lần lượt vào tháng 1/2020 và tháng 1/2021.
 
Ngay sau khi các FTA nói trên có hiệu lực, cả hai nước đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ xuất khẩu của mình sang các thị trường EU, UK. Với Việt Nam là các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, da giày và đồ gỗ nội thất; với Singapore là các mặt hàng hóa chất và sản phẩm y sinh. Năm 2020 xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 18%; còn của Singapore thêm khoảng 12%.
 
Tuy nhiên, Đại sứ Mai Phước Dũng nhận định, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 đã khiến xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Anh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Singapore không tận dụng hết hạn ngạch miễn thuế cho các loại thực phẩm chế biến sang EU và Anh.
 
Mặt khác, doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là ở Việt Nam cũng chưa hiểu biết rõ các lợi ích của các FTA vừa ký, chưa biết cách khai thác các lợi thế của các FTA mang lại và cũng chưa hiểu rõ các quy định hết sức chặt chẽ của các nhà nhập khẩu EU và Anh khi nhập hàng vào thị trường của họ, đặc biệt là các quy định về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực phẩm hữu cơ và truy xuất nguồn gốc.
 
Cơ hội hợp tác trong ngành công nghiệp thực phẩm
 
Đánh giá về lợi thế của các FTA với doanh nghiệp Việt Nam và Singapore, ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, doanh nghiệp hai bên cần tập trung hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.
 
Với ngành này, theo ông Ngô Chung Khanh, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến nguyên tắc xuất xứ cộng gộp để tận dụng ưu đãi thuế quan. Có rất nhiều sản phẩm Việt Nam có thể xuất khẩu được nhưng cũng không dễ tìm kiếm các loại gia vị, nguyên liệu, sản phẩm để đáp ứng nhu cầu cộng gộp trong quy tắc xuất xứ. Do đó, DN hai nước có thể hợp tác với nhau để khai thác điều này.
 
Một cơ hội khác cho DN Việt Nam và Singapore khai thác, tận dụng FTA với EU và Vương quốc Anh là có thể hợp tác trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị liên quan đến ODM (sản xuất thiết bị gốc). Qua đó mở rộng xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác.
 

Ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên chia sẻ tại hội thảo.

 
Thấu hiểu các cam kết
 
Đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa DN hai nước trong lĩnh vực kinh doanh, ông Khanh cho biết, hai nước cần tăng cường thúc đẩy hợp tác, đầu tư vào hàng hóa của nhau từ chuỗi cung ứng, khai thác tận dụng các lợi thế từ các FTA. Với các DN, cần phải suy nghĩ một cách khác biệt, cần suy nghĩ lớn, suy nghĩ dài hạn.
 
Theo ông Khanh, người tiêu dùng, thị trường toàn cầu không những quan tâm đến giá cả, chất lượng, mà còn quan tâm xem sản phẩm họ tiêu dùng được sản xuất như thế nào? Liệu DN có đáp ứng được yêu cầu về lao động hay không? DN cũng cần phải đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số để vượt qua thách thức của dịch bệnh.
 
Đặc biệt, để khai thác được lợi thế của các FTA, DN cần hiểu đúng, hiểu đủ và hiểu rõ các cam kết áp dụng cho ngành của mình.
 
Về vấn đề này, ông Khanh lấy ví dụ một tập đoàn lớn ở Hải Phòng đã mất 5 triệu USD do không biết kết nối và không biết tuân thủ quy định của nhà buôn.
 
"Nếu thấu hiểu những quy định cũng như cam kết áp dụng cho ngành kinh doanh của mình thì DN không tổn thất lớn như vậy. Trong trường hợp này, DN cần thuê luật sư hay chuyên gia về FTA hỗ trợ. Thực tế nhiều DN chi không ít tiền cho quảng cáo, marketing nhưng lại không quan tâm đến vấn đề pháp lý", ông Khanh chia sẻ.
 
Ông Khanh nhấn mạnh, EU và Vương quốc Anh đã có những thương thảo với nhiều đối tác khác nhau. Do đó, nếu DN Việt Nam không biết tận dụng lợi thế thì cơ hội sẽ tuột khỏi tay.
 
 
Ông Sebastian Cortes-Sanchez - Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại Châu Á.
 
Cho rằng các FTA chính là lợi thế, là nguồn tạo ra lợi thế cạnh tranh, là cơ hội cho DN hai bên tận dụng để xuất khẩu sang EU, ông Sebastian Cortes-Sanchez - Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại Châu Á kiến nghị, DN cần xác định đâu là lợi ích tiềm năng đối với các sản phẩm của mình bằng cách xem xét các chi phí trong biểu thuế hiện tại, tiếp cận các biểu thuế ưu đãi theo FTA. Đánh giá xem khả năng sản phẩm của DN có đạt yêu cầu của đối tác hay không. Ngoài ra, DN cần cân nhắc các nguồn cung ứng thay thế khác, đồng thời tìm cách xây dựng và phát triển chiến lược liên kết thương mại.
 
Đưa ra lời khuyên về tối ưu hóa các lợi ích từ các FTA, ông Sebastian Cortes-Sanchez cho biết, DN cần phải có chứng chỉ đạt yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, nắm vững quy định về giao nhận hàng hóa, sử dụng các trung tâm trong khu vực và kết hợp các phương thức vận chuyển. Những khác biệt về ưu đãi thuế hay cộng gộp trong quy tắc xuất xứ cũng là những điều mà DN cần lưu tâm.

Minh Thu

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/doanh-nghiep-mat-5-trieu-usd-chi-vi-khong-tuan-thu-cam-ket-a19351.html