Báo cáo tài chính sau soát xét của nhiều doanh nghiệp phản ánh kết quả kinh doanh giảm mạnh so với báo cáo tự lập.
Không chỉ lợi nhuận giảm mạnh sau soát xét, thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chuyển từ lãi sang lỗ, đơn cử như CTCP Xây dựng Số 9 – Vinaconex 9 (MCK: VC9, HNX).
Doanh nghiệp này có mức chênh lệch giảm lợi nhuận sau soát xét đáng kể, thể trên BCTC hợp nhất kiểm toán nửa đầu năm 2021. Cụ thể, VC9 lỗ 6,9 tỷ đồng, trong khi trên BCTC tự lập lãi tới hơn 290 triệu đồng.
Nguyên nhân sự sụt giảm này được cho là do phía đơn vị kiểm toán cho rằng giá vốn công ty phải ghi nhận theo phương án phù hợp với doanh thu nên có sự chênh lệch. Phía VC9 đã điều chỉnh cho phù hợp theo hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành tại Việt Nam.
Tương tự là trường hợp CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (MCK: DAG, sàn HoSE). Sau soát xét, doanh thu DAG chỉ giảm 0,12% so với tự lập, về mức 1.107,6 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm đến 232%, từ 8,41 tỷ đồng về âm 4,78 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu DAG không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Trong năm 2021, DAG đặt kế hoạch doanh thu là 1.810 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 28 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2021, công ty còn cách rất xa kế hoạch năm.
Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (MCK: VCG) mới đây cũng công bố báo cáo tài chính bán niên 2021 đã qua kiểm toán với một loạt thay đổi trong kết quả kinh doanh so với báo cáo công ty tự lập được công bố trước đó.
Cụ thể, doanh thu thuần 6 tháng sau soát xét của Vinaconex đạt 2.341 tỷ đồng, giảm 8% so với kết quả cùng kỳ năm 2020, trong khi tại báo cáo tự lập là hơn 2.360 tỷ đồng. Lãi sau thuế sau soát xét đạt 248,8 tỷ đồng, giảm hơn 30 tỷ đồng (tương đương 11%).
Nguyên nhân chính dẫn tới lãi sau thuế của Vinaconex giảm mạnh sau kiểm toán là do công ty ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp 39,7 tỷ đồng, thay vì được hoàn nhập dự phòng hơn 44 tỷ đồng như trong báo cáo tự lập.
Theo thuyết minh, VCG ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh gần 40 tỷ đồng chủ yếu do khoản hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi ít hơn so với báo cáo tự lập là gần 80 tỷ đồng.
Không chỉ có 3 doanh nghiệp trên, hàng loạt các doanh nghiệp khác cũng có những biến động về chỉ số kinh doanh sau soát xét. Những điều chỉnh mạnh trên báo cáo tài chính sau soát xét/ kiểm toán sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy, sự minh bạch của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư.
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dspl/hang-loat-doanh-nghiep-tu-lai-hoa-lo-sau-soat-xet-a512361.html
Bạch Hiền (t/h)
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/hang-loat-doanh-nghiep-tu-lai-hoa-lo-sau-soat-xet-a19491.html