Đưa sách Việt ra thế giới: Hành trình đầy triển vọng

Dù bộn bề khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng thời gian qua, giới xuất bản vẫn có những nỗ lực chuyển động đáng ghi nhận. Đặc biệt gần đây, hành trình đưa sách Việt ra thế giới đầy triển vọng, khi nhiều sách của tác giả Việt Nam được xuất bản, ra mắt ở nước ngoài. Song, để tạo lập chỗ đứng cho sách Việt trên thế giới cần có lộ trình, chiến lược bài bản, dài hơi.

 

Độc giả nhí trải nghiệm bộ sách “Những chuyến phiêu lưu của mèo Tita” của tác giả Búp Bê, vừa được xuất bản tại Anh (ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Nga Đức

Sách Việt đến với độc giả quốc tế

Sau khi ra mắt tại Việt Nam hồi đầu năm, mới đây, bộ sách “Những chuyến phiêu lưu của mèo Tita” của tác giả Búp Bê (tên thật Bùi Linh Giang) được Nhà Xuất bản Olympia (Anh) phát hành trên toàn cầu. Đây là bộ sách song ngữ Việt - Anh gồm 5 tập, dạy các em nhỏ kỹ năng sống. Sách phát hành ở nước ngoài giữ nguyên phần lời tiếng Anh và hình ảnh minh họa trong bộ sách gốc do Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.

Tác giả Búp Bê cho biết, đã trực tiếp gửi bản thảo bộ sách đến Nhà Xuất bản Olympia qua thư điện tử và nhận được phản hồi. Cũng tự gửi bản thảo sách đến các đơn vị xuất bản nước ngoài, tác giả Nguyễn Huy Tâm đã được Nhà Xuất bản Xlibris (Mỹ) hợp tác phát hành cuốn du ký “Through Asia: A whisper from the East” (tạm dịch: Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông). Sau khi ra mắt, cuốn sách nhiều tuần dẫn đầu nhóm sách du lịch về châu Á trên hệ thống bán hàng trực tuyến Amazon.

Vào tháng 6 vừa qua, Nhà Xuất bản Kim Đồng thông tin về cuốn artbook (sách tranh) “Chang hoang dã - Gấu” của tác giả Trang Nguyễn đã thực hiện xong giao dịch bản quyền với Nhà Xuất bản Pan Macmillan (Anh). Cuốn sách còn được nhượng quyền xuất bản tại 5 nước, gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà Xuất bản Kim Đồng cũng có những giao dịch bản quyền sách Việt thành công gần đây, như sách tranh “Lược sử nước Việt” với đối tác Hàn Quốc; “Đúng là Tết - This is Tết” với đối tác Đức…

Mạnh dạn hơn, tháng 10-2020, Công ty cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) đã đưa thành công 500 tựa sách với số lượng 20.000 bản của tác giả Việt Nam sang thị trường Mỹ. Sách đa dạng đề tài về thiếu nhi, văn hóa, lịch sử thế giới và Việt Nam… hướng đến người Việt định cư, làm việc, học tập tại Mỹ.

Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản của Việt Nam cũng tích cực thực hiện chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học, lịch sử, văn hóa Việt. Tiêu biểu như tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần Văn hóa Chi (Chi Books) phối hợp với Nhà Xuất bản Văn học, Nhà Xuất bản Lao động ra mắt tủ sách “Văn hóa Việt Nam” và thực hiện chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Trung một số cuốn trong tủ sách, như: “Vắt qua những mây ngàn”, “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời”… để quảng bá, xuất bản ở nước ngoài.

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) năm 2020, số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu toàn ngành là 300.000 bản, đạt 2,2 triệu USD. Tuy khiêm tốn, song đây cũng là nỗ lực lớn của ngành Xuất bản.

Đóng gói sách xuất khẩu sang Mỹ tại Công ty cổ phần Sách Alpha.

Cần chiến lược bài bản, dài hơi

Để tìm đường đưa sách Việt ra nước ngoài, các tác giả, đơn vị xuất bản đã phải vận động rất tích cực. Tác giả Nguyễn Huy Tâm chia sẻ, anh có thể tự viết sách tiếng Anh, nhưng để có bản dịch chất lượng vẫn phải mời dịch giả uy tín. Tác giả cũng chủ động gửi thư điện tử và tiếp xúc với hàng chục nhà xuất bản ở nước ngoài mới có thể ra mắt tác phẩm của mình. “Việt Nam có nền văn hóa, văn học giá trị, nhiều người trẻ giỏi ngoại ngữ, dịch thuật nên sách Việt rất có triển vọng được thế giới biết đến”, tác giả này nhận định.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình, để đưa thành công 500 tựa sách với 20.000 cuốn sách đến nước Mỹ, đơn vị dành một năm nghiên cứu thị trường, khảo sát nhu cầu độc giả, chọn lựa sách có nội dung phù hợp… Sắp tới, Alpha Books sẽ tiến vào thị trường châu Âu, đồng thời đẩy mạnh dịch thuật các tác phẩm tiêu biểu của tác giả Việt sang tiếng Anh. Về nhu cầu của độc giả quốc tế, theo bà Giáng Ngọc (Phòng Truyền thông, Nhà Xuất bản Kim Đồng), các đơn vị xuất bản quan tâm đến sách Việt ở 3 nhóm đề tài chính: Tác phẩm văn học nổi tiếng; sách về lịch sử, văn hóa dân tộc, phong tục tập quán; sách về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới...

Có tác phẩm xuất bản ở nước ngoài và tham gia nhiều hoạt động quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, lâu nay, văn học nói riêng, sách Việt nói chung ra thế giới hầu hết do sự vận động của tác giả hoặc đơn vị xuất bản nhỏ lẻ. Để sách Việt có chỗ đứng trên trường quốc tế, cần có chiến lược quảng bá toàn diện, bài bản, lâu dài, với sự chung sức của các cơ quan quản lý, hội chuyên ngành, đơn vị xuất bản, tác giả, dịch giả… Hội Nhà văn Việt Nam đang xây dựng chiến lược cho văn học dịch và sẽ lập trang thông tin (website) giới thiệu văn chương Việt Nam bằng tiếng Anh để các đơn vị liên hệ trao đổi bản quyền, đặt vấn đề xuất bản tại nước ngoài…

Về phía cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, Cục đã và đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu xuất bản phẩm Việt Nam với các đối tác nước ngoài, như tổ chức sàn giao dịch bản quyền tại Hội sách trực tuyến quốc gia; hội sách bản quyền các nước tại Việt Nam; mời các đơn vị xuất bản, tác giả tiêu biểu tham gia các hội chợ sách lớn trên thế giới hằng năm: Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức), Hội sách Bologna (Italia), Hội sách London (Anh)…

AN NHI

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/dua-sach-viet-ra-the-gioi-hanh-trinh-day-trien-vong-a19589.html