TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội đến cuối tháng 9

"Để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn, TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9", ông Phan Văn Mãi nói.

ke hoach mo cua va phuc hoi kinh te TP.HCM anh 1

Chiều 13/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì họp báo cung cấp thông tin về kế hoạch giãn cách xã hội của TP.HCM sau 15/9.

Ông Phan Văn Mãi chia sẻ so với mục tiêu Nghị quyết 86 đề ra và tiêu chí của Bộ Y tế thì thành phố còn một số nội dung chưa đạt. Chính vì thế, để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn và từng bước nới lỏng, phục hồi hoạt động kinh tế xã hội sao cho hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch và mở lại các hoạt động kinh tế, thành phố quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9.

5 kết quả sau thời gian siết chặt giãn cách xã hội

Nói về các kết quả trong phòng chống dịch của thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định trong thời gian dài, thành phố đã nỗ lực phòng chống dịch, đặc biệt đợt cao điểm từ 23/8 đến nay. Thời gian qua, thành phố nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, chia sẻ, tạo điều kiện của Trung ương, các địa phương bạn, người dân trong TP và người dân TP ở nước ngoài.

TP cũng nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở giúp "pháo đài" xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, phòng chống dịch tốt hơn. Đây là kết quả quan trọng, có tính chất nền tảng.

Kết quả thứ hai là việc giãn cách được thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả. Tỷ lệ vùng đỏ, cam đã được thu hẹp rõ và vùng xanh được mở rộng. Những ngày qua, thành phố đang rà soát, vẽ lại bản đồ vùng xanh. Tuy nhiên, qua rà soát, đến nay có 53% tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản là vùng xanh và tỷ lệ ca dương tính giảm rõ rệt qua các vòng xét nghiệm. Ông Mãi tin thời gian tới vùng xanh sẽ được mở rộng.

Các địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, quận 7 đã đạt được kết quả tích cực, chiếu theo tiêu chí của Bộ Y tế thì đây là những địa phương đầu tiên của TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch.

Các địa phương như huyện Nhà Bè, quận 5, 11, Phú Nhuận cũng đạt kết quả tốt. Dự kiến, ngày 15/9 một số địa phương công bố kết quả tích cực như huyện Cần Giờ, Củ Chi, quận 7.

ke hoach mo cua va phuc hoi kinh te TP.HCM anh 2

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Chí Hùng.

Kết quả thứ ba là công tác quản lý, thu dung, điều trị F0 có cải thiện đáng kể. Từ quản lý F0 tại nhà, mô hình này đã được Thủ tướng đánh giá cao, phù hợp diễn biến dịch phức tạp. F0 được phân loại, tư vấn thường xuyên, tiếp cận thuốc sớm và được hỗ trợ y tế khi có nhu cầu.

Chính vì thế, việc quản lý, thu dung, điều trị F0 tại nhà bằng cách tăng trạm y tế lưu động, sự hiện diện của tổ quân y đã giúp quản lý, thu dung, hỗ trợ F0 trở nên hiệu quả. Bên cạnh đó, năng lực điều trị tại các tầng và kết quả dùng thuốc, sự liên thông giữa các tầng cũng tốt hơn. Nhờ đó, công tác quản lý, thu dung F0 đạt kết quả tốt.

Gần đây, tín hiệu đáng mừng là số ca cấp cứu và tử vong giảm. Đây là chỉ số cho thấy thành phố đang đạt được nhiều kết quả, dần dần tiến đến kiểm soát dịch bệnh ở góc độ giảm ca chuyển nặng và tử vong.

Kết quả thứ tư là tiêm vaccine. Đến nay, thành phố đã đạt trên 6,5 triệu người tiêm mũi 1 - trên 90% dân số trên 18 tuổi. Mũi 2 đạt trên 1,3 triệu mũi - tương đương 19% dân số trên 18 tuổi. Mức độ tiếp cận bao phủ vaccine là điều kiện quan trọng để khôi phục cuộc sống bình thường mới và mở rộng kinh tế xã hội sau này.

Kết quả thứ 5 là trong quá trình thành phố tăng cường siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội thì từng lúc, từng địa bàn, thành phố đã mở ra một số dịch vụ.

Ví dụ như thành phố đã mở rộng hoạt động của siêu thị ở xã, phường, thị trấn gắn với shipper. Với sự tham gia của hệ thống siêu thị và shipper thì việc cung ứng đơn hàng đã tăng đáng kể, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, dịch vụ ăn uống mang về sau này cũng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu ăn uống của bà con.

“Dù giãn cách nhưng TP liên tục điều chỉnh những ngành an toàn để phục vụ người dân”, ông Mãi nói.

Mở cửa an toàn trong điều kiện còn có dịch

Ông Mãi nhận định so sánh với mục tiêu Nghị quyết 86 đề ra và tiêu chí của Bộ Y tế thì thành phố còn một số nội dung chưa đạt tiêu chí. Chính vì thế, để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn và thành phố từng bước nới lỏng, phục hồi hoạt động kinh tế xã hội sao cho hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch và mở lại các hoạt động kinh tế, thành phố quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9.

Một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch tốt như huyện Cần Giờ, Củ Chi, quận 7... thì có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+ để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững và thành phố có thêm sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn phục hồi, mở cửa sau dịch bệnh.

Từ nay đến cuối tháng 9, thành phố tập trung các hoạt động củng cố kết quả, trong đó, tập trung cho việc tiêm vaccine. Mũi 1 hiện đã phủ trên 90% và thành phố sẽ phấn đấu đạt được tỷ lệ mũi 1 cao nhất dù có thể khó đạt 100%.

Đồng thời, TP đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 để những trường hợp tới hạn sẽ được tiêm. Các mũi tiêm quy định 8-12 tuần mới tiêm thì TP sẽ xem xét đẩy nhanh tiêm sớm hơn nhằm sớm phủ vaccine. Mục tiêu là nhanh chóng mở lại các hoạt động bình thường.

Việc thứ hai là tập trung củng cố năng lực của y tế cơ sở. Cụ thể là các trạm y tế cố định, lưu động sẽ được củng cố hoạt động; đồng thời, thành phố quan tâm đầu tư, phát triển y tế dự phòng và y tế công cộng.

Song song đó, TP sẽ mở rộng năng lực điều trị để nâng khả năng tiếp nhận và điều trị khi tiến hành mở cửa. Tỷ lệ phủ vaccine và năng lực điều trị của hệ thống y tế là rất quan trọng để TP đủ sức giải quyết các vấn đề.

ke hoach mo cua va phuc hoi kinh te TP.HCM anh 3

Phóng viên đặt câu hỏi cho Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi họp báo. Ảnh: Chí Hùng.

Thứ ba, thành phố chuẩn bị kỹ hơn kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn sau tháng 9.

Trong tuần này, TP sẽ hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau tháng 9 để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân... Mục tiêu là đảm bảo phòng chống dịch, đồng thời, mở cửa an toàn trong điều kiện còn có dịch.

Thời gian qua, TP đã thí điểm hoạt động của siêu thị, shipper, thương mại điện tử, ăn uống mang về... TP sẽ mở thêm các dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Ví dụ sản xuất an toàn dịch vụ y tế, giao hàng, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, dịch vụ công ích, các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân theo nguyên tắc an toàn để đáp ứng hoạt động của người dân, doanh nghiệp...

Xác định tâm thế sống trong điều kiện có dịch

Trao đổi với báo chí về việc thành phố có định hướng nào để đảm bảo hài hòa giữa giãn cách xã hội và hoạt động kinh doanh sản xuất, phục hồi sinh hoạt bình thường, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết theo quan sát về diễn biến dịch trên thế giới và ý kiến phân tích của nhiều chuyên gia, dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Do đó, thành phố phải xác định tâm thế sống trong điều kiện có dịch, phải tổ chức sinh hoạt, kinh doanh sản xuất dựa trên nguyên tắc an toàn.

Việc hài hòa giữa giãn cách xã hội và phục hồi các hoạt động sinh hoạt bình thường là mối quan hệ không thể tách rời. Ông Mãi cho biết thành phố tùy theo diễn biến dịch, thành phố đồng thời chuẩn bị các điều kiện an toàn đối với các hoạt động.

Thành phố sẽ dựa vào các chỉ số đo lường như tỷ lệ bao phủ vaccine, tỷ lệ chống chọi của hệ thống y tế và tỷ lệ lây nhiễm để sớm tiếp cận và có biện pháp điều trị, ngăn ngừa tình huống cấp cứu, gây áp lực cho hệ thống điều trị.

Ngành y tế sẽ có hệ thống theo dõi để đo lường, cập nhật thường xuyên, định kỳ. TP có nới lỏng hay siết chặt giãn cách sẽ phụ thuộc vào những cơ sở này.

Trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh dựa trên các tiêu chí an toàn, dành cho các lĩnh vực, hoạt động: Người an toàn, điểm đến an toàn…. Có nghĩa là người tham gia, người đến cơ sở sản xuất phải đảm bảo an toàn.

Thành phố đang nghiên cứu thiết kế thẻ xanh Covid-19; bên cạnh đó, thành phố cũng căn cứ vào điều kiện tiêm chủng và các quy định an toàn khác trong bộ tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn đối với các hoạt động, nhằm có sự điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn.

Việc an toàn được đánh giá dựa theo địa bàn, ngành nghề. Khi có diễn biến tích cực, sẽ mở rộng các hoạt động kinh doanh, sản xuất, nếu kết quả xấu hơn, thành phố sẽ có điều chỉnh.

ke hoach mo cua va phuc hoi kinh te TP.HCM anh 4

TP.HCM đang nghiên cứu thiết kế thẻ xanh Covid-19 và căn cứ vào điều kiện tiêm chủng, các quy định an toàn khác trong bộ tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn đối với các hoạt động. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Về việc kiểm soát an toàn tại các địa phương đã tương đối tốt, ông Mãi cho biết thành phố cũng căn cứ theo nhiều nguyên tắc, tiêu chí tương tự. Đối với việc đi lại sẽ có cơ chế giám sát, quy định tiếp xúc, đảm bảo an toàn.

“Ví dụ, vừa qua, thành phố tổ chức điểm trung chuyển ở chợ đầu mối Bình Điền, người đưa hàng hóa sẽ không được tiếp xúc lực lượng ở chợ mà chỉ chờ đến khi giao hàng rồi về. Tài xế sẽ có sự cách ly tương đối, hạn chế sự giao tiếp trong quá trình giao hàng”, ông Mãi nêu.

Ông Mãi nói thêm việc di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc cũng có quy định, nơi diễn ra hoạt động, sản xuất kinh doanh cũng có tiêu chí đảm bảo an toàn.

Hơn ai hết, mỗi người dân, doanh nghiệp cần quan tâm sự an toàn của mình, nên mọi người đồng thuận trong triển khai, áp dụng nguyên tắc theo bộ tiêu chí.

“Chúng ta phải thay đổi hành vi của mình để an toàn trong điều kiện có dịch. Việc tuân thủ quy định trở thành ý thức tự giác để đảm bảo an toàn cho chính mình. Chúng ta từng bước thực hiện để trở thành thói quen, thích ứng”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.

Thêm gói hỗ trợ gần 10.000 tỷ đồng

Về vấn đề an sinh, ông Phan Văn Mãi cho biết khi thành phố thực hiện giãn cách thời gian dài thì vấn đề an sinh cho người dân là rất quan trọng.

"Thủ tướng nhiều lần nói 'ai ở đâu ở đó' thì phải đảm bảo an sinh, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, ai có nhu cầu y tế phải đáp ứng ngay. Thời gian qua, TP đã cố gắng thực hiện mục tiêu này", ông Mãi nói.

Thời gian qua, TP đã có các gói an sinh xã hội. Ban đầu, mức khó khăn ít nên thành phố hỗ trợ theo người với mức nhất định. Nhưng ngay sau đó, số người gặp khó khăn lại phát sinh. Do đó, TP thực hiện thêm gói khó khăn đợt 2. Sau khi tổ chức thực hiện, TP lại phát hiện đối tượng mới ngoài chính sách do số lượng người khó khăn tăng lên.

Ông Mãi nhận định nguyên nhân khách quan là số người khó khăn tăng tự nhiên theo thời gian, nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là địa phương thống kê chưa đầy đủ. Ông Mãi cho biết đã nhận khuyết điểm với người dân về vấn đề này.

Bên cạnh việc cập nhật danh sách những người được hỗ trợ thì thành phố đang tính toán cho gói an sinh mới. TP đang khẩn trương rà soát, lập danh sách những trường hợp gặp khó khăn để có danh sách đầy đủ, chính xác nhằm hỗ trợ người dân.

Ông Mãi cho biết vừa qua, các địa phương rà soát thì danh sách này rất nhiều. TP đã nhận danh sách từ 312 phường, xã, thị trấn và đang rà soát đầy đủ nhất có thể. "TP không nghĩ đến việc tổng hợp tất cả, nhưng sẽ nỗ lực để không bị sót nhiều", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Nếu trong quá trình thực hiện, TP phát hiện trường hợp đúng đối tượng nhưng sót thì TP sẽ bổ sung để đảm bảo tất cả người dân được hỗ trợ.

Hoạt động thứ 2 người dân thực hiện là cấp gạo hỗ trợ từ Chính phủ. Đến 12/9, TP đã cấp 14.100 tấn đến các xã, phường, thị trấn.

Thứ 3, TP cung cấp các gói an sinh cho người dân, đến nay đã cấp 1,8 triệu túi.

Gói hỗ trợ an sinh gồm tiền mặt, gạo và túi quà an sinh là những phần hỗ trợ với bà con trong thời gian thực hiện giãn cách. Ông Mãi thừa nhận trong quá trình thực hiện các hỗ trợ này, ngoài hạn chế chủ quan thì các cấp chính quyền cơ sở đã thống kê không đầy đủ danh sách.

ke hoach mo cua va phuc hoi kinh te TP.HCM anh 5

TP.HCM đang khẩn trương triển khai gói hỗ trợ 3, kinh phí dự kiến lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Một vài hạn chế là quá trình thực hiện chậm hoặc sai đối tượng, không đúng danh sách ban đầu. TP đã tiến hành kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, đôn đốc người dân tổ chức thực hiện sớm. TP cũng đã tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm.

Chủ tịch TP.HCM cho biết sau lần đầu lên danh sách thì phát sinh thêm đối tượng; tương tự, gói 2 cũng gặp tình trạng này. Đến khi gói 2 cơ bản hoàn thành thì TP vẫn ghi nhận nhiều trường hợp khó khăn nên TP đang triển khai gói 3.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong quá trình lập danh sách không thể đủ được nên thành phố sẽ lập danh sách những người còn thiếu để hỗ trợ gói thứ 3.

Ở đợt 1 và 2, TP đã cấp gần 6.500 tỷ, trong đó có kinh phí vận động từ nguồn xã hội hóa là 1.400 tỷ, còn lại là từ ngân sách. Thời gian tới, TP hỗ trợ một mức nhất định theo tháng và trên đầu người, kinh phí dự kiến lên đến gần 10.000 tỷ.

"TP đang khẩn trương triển khai gói hỗ trợ 3. Dù khoản hỗ trợ này không nhiều nhưng là nỗ lực của thành phố. Mong bà con chia sẻ để cùng TP thực hiện giãn cách và phòng chống dịch tốt thời gian tới", ông nói.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, ông Mãi cho biết hỗ trợ người lao động cũng là hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã thu hẹp quy mô, nhưng vẫn sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "2 điểm đến - 1 cung đường". TP đã hỗ trợ về xét nghiệm, nơi ở…

TP vừa qua đã làm việc với các doanh nghiệp để ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp. TP sẽ tính toán các đề xuất với Trung ương. Bên cạnh đó, TP sẽ có các gói hỗ trợ như ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển đổi trong điều kiện mới, hỗ trợ người lao động.

Ông Mãi cho biết gần đây, Thủ tướng liên tục làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp để có những quyết sách chuẩn bị cho việc phục hồi kinh tế.

"Thành phố luôn xác định sức mạnh của doanh nghiệp là sức mạnh của thành phố. Do đó, trong quá trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì việc hỗ trợ doanh nghiệp luôn là mục tiêu của thành phố để cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển", ông Mãi nói.

Thu Hằng và Thư Trần

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/tphcm-tiep-tuc-gian-cach-xa-hoi-den-cuoi-thang-9-a19617.html