Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 tại 19 quận, huyện, thị xã từ ngày 16/9, nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại. Trong ảnh: Đường Tây Sơn, Đống Đa, sáng 17/9. (Nguồn: laodong.vn) |
Trong 24h giờ (17h ngày 16/9 đến 17h ngày 17/9), riêng TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương đã gần 10.000 ca mới, số ca nhiễm ghi nhận trong nước vẫn tăng 1.024 ca,11.506 ca ghi nhận mới trong nước. 5 tỉnh, thành phố có số ca dương tình nhiều nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh (5.972), Bình Dương (4.013), Đồng Nai (345), Long An (273), Kiên Giang (180).
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 667.650 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.786 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 663.232 ca, trong đó có 430.691 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình.
+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (326.795), Bình Dương (173.086), Đồng Nai (38.081), Long An (29.843), Tiền Giang (12.760).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.914
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 433.465
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.505 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.507
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 972
- Thở máy không xâm lấn: 131
- Thở máy xâm lấn: 862
- ECMO: 33
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 212 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (166), Bình Dương (28), Long An (2), Tiền Giang (2), Tây Ninh (2), Đà Nẵng (2), Cà Mau (1), Khánh Hòa (1), Bình Thuận (1), Đồng Tháp (4), Cần Thơ (1), Bình Định (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 250 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.637 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 218.322 xét nghiệm cho 795.175 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 16.178.305 mẫu cho 47.492.652 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19Trong ngày 16/9 có 630.323 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 33.006.632 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 26.821.906 liều, tiêm mũi 2 là 6.184.726 liều.
Chi 2.600 tỷ đồng mua gần 20 triệu liều vaccine Pfizer
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 17/9/2021 về kinh phí mua bổ sung 19.998.810 liều vaccine phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.
Quyết định nêu rõ, sử dụng 2.652.537 triệu đồng (Hai nghìn sáu trăm năm mươi hai tỷ năm trăm ba mươi bảy triệu đồng) từ nguồn Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam để mua bổ sung 19.998.810 liều vaccine phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer và chi thực hiện các hoạt động phục vụ công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo đề nghị của Bộ Y tế tại văn bản số 7731/BYT-KHTC ngày 16/9/2021.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất Quỹ theo quy định. Bộ Y tế, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc sử dụng số kinh phí nêu trên theo quy định.
TP. Hồ Chí Minh: Số ca tử vong giảm, bổ sung một số nhóm công việc không cần giấy đi đường
Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 17/9, so với năng lực của ngành y tế thành phố, tình hình điều trị có những tín hiệu vui. Số bệnh nhân thực tế ở các giường bệnh viện là 69,8%. Cụ thể, thành phố có 59.150 giường, trong đó số bệnh nhân đang được điều trị tại đây là 41.297, bao gồm ở tầng hai tỷ lệ là 69,2% và tầng ba là 77,3%.
"Số bệnh nhân phải sử dụng các biện pháp can thiệp điều trị do tình trạng nặng còn khá cao. Vì thế, hiện số ca tử vong giảm nhưng chúng ta không quá lạc quan vì số ca nặng còn nhiều", Phó Giám đốc Sở Y tế nói.
Ông Hưng phân tích, theo thống kê mới nhất, tỷ lệ bệnh nhân tại tầng ba (tuyến cuối trong tháp ba tầng điều trị Covid-19 tại TP HCM) phải sử dụng máy thở xâm lấn là 69,1% và 65,5% sử dụng máy thở không xâm lấn. Các bệnh viện cũng đã sử dụng 67,7% máy ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể), 69,7% máy lọc máu, 62,2% máy thở oxy cho bệnh nhân.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến sáng 17/9, thành phố ghi nhận 321.358 ca Covid-19, chủ yếu là ca cộng đồng. Hiện 41.297 bệnh nhân điều trị, trong đó 2.967 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.544 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số bệnh nhân đã xuất viện tính từ đầu năm đến nay là 161.007.
Chia sẻ trong họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 24 giờ qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, từ ngày 16/9, thành phố bổ sung một số nhóm công việc không cần giấy đi đường khi đáp ứng một số điều kiện.
Các nhóm bổ sung lần này bao gồm:
- Luật sư tham gia tố tụng khi có thông báo yêu cầu, giấy triệu tập của các cơ quan tố tụng (hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan tố tụng, kèm văn bản phân công luật sư của Văn phòng luật sư). Khi di chuyển, luật sư phải có các yếu tố nhận diện là thẻ luật sư trùng với giấy tờ và kiểm tra khai báo Y tế trên phần mềm VNEID.
Nhóm nhân viên, người lao động trong một số ngành nghề lưu thông để đổi ca trong những khung thời gian nhất định đồng thời phải mặc đồng phục ngành, doanh nghiệp; đeo thẻ nhân viên; có lịch đổi ca của đơn vị và khai báo y tế qua phần mềm của Bộ Công An.
- Nhân viên bưu cục, giáo viên đưa sách đến cho học sinh cũng không cần giấy đi đường nhưng phải mặc đồng phục ngành, đeo thẻ ngành có sách hoặc lịch, danh sách địa điểm giao sách khi lưu thông.
- Giảng viên, giáo viên đến trường hoặc điểm dạy học trực tiếp được di chuyển phù hợp lịch dạy học trực tuyến khi mang thẻ ngành, có lịch giảng dạy được Ban giám hiệu nhà trường ký duyệt.
- Đối với công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, công nghệ cao cao nghỉ việc về nhà khi nhà máy ngưng hoạt động; người lao động đến nhà máy đổi ca làm việc (thời gian đổi ca không dưới 7 ngày một lần) hoặc người lao động đến làm việc tại công ty, nhà máy mở cửa hoạt động được phép lưu thông trong thời gian 9-11h hoặc 14-16h nhưng phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin cho biết, Hà Nội đã chuẩn bị nhiều kịch bản sẵn sàng đáp ứng cho tình huống dịch bệnh xấu có thể xảy ra.
Xác định dịch Covid-19 ở Hà Nội còn nhiều phức tạp, không thể lường trước. Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu xây dựng kịch bản với 40.000 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 32.000 trường hợp tầng 1- tầng nhẹ và không biến chứng; 8.000 trường hợp tầng 2, 3 là bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch. Hiện sẵn sàng kích hoạt kịch bản nếu dịch bùng phát rộng.
Mục tiêu chung là tập trung điều trị, chăm sóc tốt bệnh nhân ở tầng 1, 2 để hạn chế tầng 3 - tầng bệnh nhân nặng. Tại tầng 3 hiện được phân về 4 BVĐK hạng 1 đầy đủ nhân lực, trang thiết bị để điều trị tốt bệnh nhân là các Bệnh viện Đức Giang, Thanh Nhàn, Xanh Pôn và Hà Đông.
Sở Y tế Hà Nội tối 17/9 cho biết, trong 24 giờ, Thành phố ghi nhận 12 ca mắc mới Covid-19. Đây là ngày có số ca Covid-19 thấp nhất từ khi Hà Nội giãn cách xã hội (từ 24/7), cũng là ngày thứ 3 liên tiếp Thủ đô không có ca nhiễm cộng đồng.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.884 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 2.288 ca.
Hiện nay, số ca bệnh nặng của Hà Nội phải điều trị tại tầng 3 - tầng cuối của tháp điều trị chỉ chiếm 5-6% tổng số bệnh nhân. Thành phố đã kích hoạt 2 bệnh viện ở tầng 3 để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Hiện tại, trong số những bệnh nhân Covid-19 nặng mới có duy nhất một trường hợp can thiệp ECMO và đã được cứu chữa thành công tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Đó là anh H.V.N (48 tuổi, ở Tân Mai, Hoàng Mai). Sau 50 ngày chiến đấu với Covid-19, từng rơi vào tình trạng nguy kịch, phải can thiệp, chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), ngày 17/9, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, anh đã được xuất viện. Còn các bệnh nhân khác thở máy, lọc máu, thở oxy (khoảng 40-50 bệnh nhân).
Bắc Giang tiếp tục đón công dân từ miền Nam về quê
Thực hiện phương án đón công dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đợt 2, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang đã phát đi thông báo cụ thể về đối tượng, thời gian, phương tiện, chi phí để các ngành, địa phương phối hợp triển khai thực hiện.
Theo đó, ngoài có nhu cầu trở về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ tính đến thời điểm máy bay cất cánh.
Đối tượng được ưu tiên như đợt 1 gồm: Người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người 70 tuổi trở lên; người khuyết tật nặng; lao động bị thất nghiệp, dừng việc dài ngày và có hoàn cảnh khó khăn; công dân đi công tác, thăm thân nhân, giải quyết công việc... cần về Bắc Giang.
Để bảo đảm thời gian dự kiến đón công dân về vào ngày 22/9 (phương tiện di chuyển bằng máy bay), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang đề nghị các huyện, TP căn cứ khả năng cách ly tập trung của địa phương và đăng ký về quê của công dân (qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Hội đồng hương Bắc Giang tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai) rà soát, đề xuất số lượng và lập danh sách công dân được đón đợt này.
Tất cả công dân trở về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đều phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo. Trong đợt này, toàn bộ chi phí mua vé máy bay; phương tiện đưa, đón công dân từ nơi tạm trú/thường trú về đến nơi cách ly tập trung, chi phí liên quan trong thời gian cách ly đều do công dân tự chi trả.
Tối 17/9, theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, trong ngày trên địa bàn không phát sinh thêm ca F0. Tính từ ngày 2/9 đến nay, tỉnh Bắc Giang không phát sinh ca F0 ngoài cộng đồng. Hiện tỉnh còn 7 bệnh nhân đang được điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang, 2 bệnh nhân đang được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương.
Trong ngày 17/9, có 142 công dân từ vùng dịch trở về địa phương, bao gồm: TP. Hà Nội: 47 người, TP. Hồ Chí Minh: 5 người, các tỉnh khác (90 người).
Dấu hiệu F0 trở nặng tại nhà, phát hiện kịp thời tình trạng thiếu oxy thầm lặng Bác sĩ Nguyễn Thành Quân, Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành cho biết, hầu hết người nhiễm virus có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình và có thể hồi phục mà không cần nhập viện. Thông thường các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 5-6 ngày từ khi người bệnh nhiễm virus. Tuy nhiên, thời gian này cũng có thể kéo dài tới 14 ngày. Bệnh nhân mắc Covid-19 chủng Delta có dấu hiệu không điển hình, các triệu chứng không rầm rộ nên khó phát hiện cũng như nhiều bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp: sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, khó thở nhẹ hoặc đau đầu. Các triệu chứng ít gặp hơn: tiêu chảy, viêm kết mạc mắt, mất mùi, mất vị giác. Với bệnh nhân mắc Covid-19, các triệu chứng nặng sẽ xuất hiện vào ngày thứ 7 đến thứ 10 của bệnh. Các dấu hiệu nặng trên thường xuất hiện ngay sau thời điểm bệnh nhân ho tăng liên tục, thời điểm virus phát tán mạnh nhất và nồng độ virus cao nhất. Đây là thời điểm các F0 cần được theo dõi sát sao nhất. Các dấu hiệu chuyển nặng có thể kể đến: sốt liên tục trên 39 độ mà thuốc hạ sốt không có tác dụng, mệt mỏi không thể sinh hoạt bình thường, khó thở, nồng độ oxy trong máu giảm. Ví dụ, sốt liên tục trên 39 độ mà thuốc hạ sốt không có tác dụng, mệt mỏi không thể sinh hoạt bình thường, khó thở khi thay quần áo hoặc không thể ra khỏi giường, nồng độ oxy trong máu giảm. Quan trọng nhất là phát hiện tình trạng thiếu oxy thầm lặng ở bệnh nhân. Bệnh nhân có tình trạng suy hô hấp tuy nhiên không tương xứng với biểu hiện bên ngoài khi đó SpO2 rất thấp, thậm chí một số trường hợp nổi các vân tím. Vì vậy các bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng không chủ quan mà cần tăng cường kiểm tra để phát hiện tình trạng thiếu oxy thầm lặng. |
CHU VĂN