Trong đợt phân bổ 8 triệu liều vaccine Covid-19 của Sinopharm lần này, Hà Nội nhận nhiều nhất với 1.359 triệu liều, tiếp đến là Quảng Ninh hơn 700.000 liều. |
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao nhất là TP. Hồ Chí Minh (336.528), Bình Dương (178.295), Đồng Nai (39.973), Long An (30.328), Tiền Giang (13.059).
15/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.
5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 687.063 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.983 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 682.617 ca, trong đó có 454.731 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 15/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (336.528), Bình Dương (178.295), Đồng Nai (39.973), Long An (30.328), Tiền Giang (13.059).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.137
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 457.505
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.396 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.443
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 931
- Thở máy không xâm lấn: 202
- Thở máy xâm lấn: 788
- ECMO: 32
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 233 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (182), Bình Dương (31), Long An (9), An Giang (3), Bình Thuận (2), Tiền Giang (2), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Quảng Bình (1), Tây Ninh (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 246 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.090 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 230.804 xét nghiệm cho 443.937 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 16.641.750 mẫu cho 48.496.762 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19Trong ngày 18/9 có 455.317 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 34.095.243 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.577.472 liều, tiêm mũi 2 là 6.517.771 liều.
Thêm 8 triệu liều vaccine Sinopharm sẽ phân bổ cho 25 tỉnh thành
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ thêm 8 triệu liều vaccine Sinopharm cho 25 tỉnh thành, trong đó Hà Nội nhận nhiều nhất.
Đây là đợt phân bổ vaccine thứ 43 của Bộ Y tế, được sử dụng tiêm cả mũi 1 và 2. Hà Nội nhận nhiều nhất với 1.359 triệu liều, tiếp đến là Quảng Ninh hơn 700.000 liều. TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Yên Bái mỗi nơi 500.000 liều, Bắc Ninh 400.000 liều, các tỉnh/thành khác 100.000-200.000-300.000 liều...
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 45 triệu liều vaccine Covid-19 các loại. Riêng Vero Cell (Sinopharm) có khoảng 20 triệu liều, gồm hơn 6 triệu liều do Trung Quốc viện trợ, 5 triệu liều cho TP HCM mua, và 8 triệu liều lần này do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ.
Tới sáng 19/9, Việt Nam đã tiêm được 34,1 triệu liều vaccine, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 27 triệu, tiêm mũi 2 là hơn 6 triệu.
Hà Nội thực hiện nới lỏng từng bước sau 21/9, duy trì 23 chốt kiểm soát
Chiều 19/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố chủ trì họp giao ban với Sở Chỉ huy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.
Báo cáo của Sở Y tế cho thấy, đến nay, thành phố ghi nhận 4.179 ca, trong đó, có 1.311 ca cộng đồng. Hiện nay, thành phố còn 44 điểm đang phong tỏa; 1.025 bệnh nhân đang điều trị. Về công tác xét nghiệm, trong ngày 19/9, thành phố lấy 4.711 mẫu, phát hiện 14 ca dương tính. Công tác tiêm vaccine tiếp tục được triển khai, lũy kế đến nay đã tiêm 5.671.478 mũi, đạt 94,2% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và chiếm 67,9% tổng dân số.
Ông Dương Đức Tuấn cho biết, từ ngày 24/7 khi giãn cách xã hội đợt đầu tiên, trung bình mỗi ngày thành phố ghi nhận 71,2 ca mắc mới. Đến đợt giãn cách thứ tư, số mắc giảm còn 25-27 ca/ngày và hiện còn 15 ca/ngày. Số ca nhiễm giảm, tuy nhiên hiện thành phố vẫn còn một số điểm nóng về dịch, như phường Việt Hưng (quận Long Biên), Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và một vài khu vực thuộc quận Hoàng Mai, Đống Đa.
Phó Chủ tịch UBND thành phố thông tin, theo định hướng của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND Hà Nội thì sau ngày 21/9 thành phố không chia thành các vùng như trước đây mà chia khu vực xuất hiện nguy cơ để phòng, chống dịch cho hiệu quả. Cụ thể, nơi nguy cơ rất cao có ca F0 sẽ trở thành "điểm đỏ" phải áp dụng Chỉ thị số 16, thực hiện phong tỏa, cách ly y tế.
Hà Nội dự kiến cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với điều kiện bảo đảm an toàn. Các khu vực có dịch không được xây dựng, hoặc đang triển khai mà có F0 thì phải dừng. "Kinh nghiệm cho thấy, việc nới lỏng phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, thành phố sẽ duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào", ông Tuấn nói.
Thành phố sẽ tiếp tục tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 thứ hai cho người dân từ 18 tuổi trở lên vào tháng 10, 11 khi có nguồn cung. Ông Tuấn đánh giá đây là điều kiện quan trọng để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
23 chốt kiểm soát các tuyến đường lớn ở cửa ngõ thủ đô, gồm lực lượng công an, quân đội, thanh tra giao thông, y tế, dân phòng hoạt động từ 14/7. Đến ngày 24/7, thành phố bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Từ 22/9, TP. Hồ Chí Minh dự kiến chi gói hỗ trợ khó khăn do Covid-19 đợt 3
Trong kết luận về phương án hỗ trợ vừa gửi đơn vị liên quan, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức hoàn tất việc phê duyệt danh sách trước 20/9, tiền chuyển về địa phương trước 21/9 để kịp thời chi cho người dân khó khăn. Theo đó, từ ngày 22/9 đến 4/10, các địa phương sẽ chi gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do dịch, theo thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND thành phố.
Ngày 15/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất số lượng người dự kiến được giúp đỡ trong đợt này hơn 7,5 triệu người. Mức hỗ trợ một lần cho mỗi người là một triệu đồng, dự toán kinh phí hơn 7.500 tỷ đồng.
Người được hỗ trợ là những lao động bị mất việc và thu nhập, gặp khó khăn đang có mặt tại thành phố, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú. Ngoài ra, thân nhân của lao động bị mất việc gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con, người nội trợ, không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc... cũng được xem xét hỗ trợ.
Với các trường hợp lưu trú tạm thời, chính quyền lập các tổ công tác đến từng khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, học sinh, sinh viên, xóm nghèo để rà soát, đối chiếu từ danh sách người dân đã đăng ký để lập danh sách chi tiết.
Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, ngoài gói 26.000 tỷ đồng triển khai chung cả nước, từ đầu tháng 7, TP. Hồ Chí Minh có các gói hỗ trợ riêng với tổng kinh phí gần 6.500 tỷ đồng, trong đó ưu tiên lao động tự do, hộ khó khăn. Ngoài ra, thành phố cũng cấp 14.000 tấn gạo đợt một, hơn 2 triệu túi an sinh cho người dân.
Theo Bộ Y tế