Theo Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân. (Nguồn: Lao động) |
Bộ Y tế: Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân
Ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Theo đó, những người đã tiêm vaccine hoặc khỏi Covid-19 chỉ cần xét nghiệm khi có yêu cầu hoặc từ vùng có dịch cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ.
Xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…
Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…; đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người…) như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)…
Tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở: tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.
Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp.
Thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ.
Có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19
Tiêu chí 1: Các ca mắc mới tại cộng đồng/ số dân/ thời gian Tiêu chí 2: Độ bao phủ vaccine Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.
Hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế nêu rõ yêu cầu đối với các tiêu chí là: - Tiêu chí 1: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần (ca mắc mới) được phân theo 04 mức độ từ thấp đến cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (mức 1: 0 - - Tiêu chí 2: Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 01 liều vaccine phòng COVID-19 Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 phân theo 2 mức (≥70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine; Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ trong tháng 10/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Từ tháng 11/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. - Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4 . Các quận, huyện, thị xã, thành phố (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) để đáp ứng khi có dịch xảy ra. |
Nguồn cung vaccine Covid-19 khan hiếm
Trả lời báo chí ngày 13/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá ngoại giao vaccine Covid-19 giúp Việt Nam tiếp nhận hơn 80 triệu liều, song việc tiếp cận vaccine Covid-19 ở Việt Nam, cũng như nhiều nước trên thế giới chưa thể tự sản xuất được vaccine gặp không ít khó khăn.
Ngay như trong tháng 10 này mặc dù chúng ta có kế hoạch tiếp nhận vaccine với số lượng lớn, tuy nhiên nguồn cung chưa đảm bảo. Hiện đã giữa tháng 10, nhưng mới chỉ nhận được lượng vaccine đạt 20% so với kế hoạch"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Khó khăn chung lớn nhất là những vấn đề pháp lý liên quan đến mua bán, nhập khẩu vaccine. Chúng ta phải chấp nhận hầu hết các điều kiện mà các nhà cung ứng vaccine đưa ra như vấn đề thoả thuận bồi hoàn, miễn trừ về trách nhiệm, bảo mật thông tin và cả rủi ro liên quan đến giao hàng không đúng thời hạn.
Thứ hai là khan hiếm nguồn cung ứng vaccine trên toàn cầu ngay từ đầu cho đến bây giờ vẫn đang diễn ra. Hiện nay, ngay cả cơ chế COVAX cũng chưa đạt được kế hoạch cung ứng vaccine cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Thứ ba là các nước thay đổi chính sách trong tiêm chủng vaccine như mở rộng đối tượng tiêm, tiêm tăng cường mũi 3, do đó có sự điều chỉnh trong chính sách cung ứng vaccine làm chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo.
Theo Cục Y tế dự phòng, từ ngày 1-12/10, trung bình mỗi ngày tiêm khoảng 1,1-1,2 triệu liều. Đến nay, hơn 56 triệu liều đã được tiêm, trên cả nước. Hơn 39 triệu người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 (54% dân số từ 18 tuổi), 16 triệu người đã tiêm mũi 2 (22%).
8 tỉnh, thành đã bao phủ vaccine ít nhất mũi 1 cho trên 90% dân số từ 18 tuổi; 2 tỉnh bao phủ 70-80%; 4 tỉnh đạt 50-70%; 49 tỉnh mới bao phủ vaccine mũi 1 cho dưới 50% dân số từ 18 tuổi.
TP. Hồ Chí Minh "hạ nhiệt" Covd-19
Sau gần 2 tuần triển khai Chỉ thị 18 của UBND TP. Hồ Chí Minh về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tình hình dịch bệnh tại Thành phố đang cơ bản từng bước được kiểm soát.
Theo lộ trình của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, 13 bệnh viện dã chiến trị Covid-19 của thành phố sẽ lần lượt ngừng hoạt động từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, chuẩn bị cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng bắt đầu trở lại học tập cũng như đưa những khu nhà tái định cư vào phục vụ người dân. Khi ấy, các bệnh viện dã chiến của quận, huyện tiếp tục duy trì để đảm trách thu dung F0 mới không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Tại các bệnh viện điều trị Covid-19, số nhập viện và bệnh nhân nặng giảm mạnh, bắt đầu trống giường, chuẩn bị phục hồi công năng, đảm bảo vừa sẵn sàng thu dung điều trị người mắc Covid-19, vừa khám chữa bệnh thông thường và điều trị chuyên khoa cho người dân thành phố cũng như các tỉnh.
Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, sau gần hai tuần nới lỏng giãn cách kể từ hôm 1/10, tình hình dịch bệnh tại thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực. Số ca mắc mới, thu dung điều trị mỗi ngày giảm ở tất cả tầng, trong khi lượng người xuất viện hàng ngày tiếp tục tăng cao. Số người cần thở oxy và thở máy tại các bệnh viện tiếp tục giảm.
Số ca tử vong theo tuần ngày càng giảm rõ rệt. Ba ngày qua, thành phố ghi nhận tổng cộng 219 ca tử vong, trung bình 73 ca một ngày. Tuần trước, con số này là 608 ca. Giai đoạn cao điểm nửa cuối tháng 8, các bệnh viện ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong một tuần, tức gần 300 ca một ngày.
Các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh đang điều trị hơn 3.100 F0 thở oxy và thở máy, giảm hơn 2,5 lần so với cách đây một tháng, có bệnh viện không còn bệnh nhân phải hỗ trợ hô hấp.
Hà Nội mở lại 7 tuyến xe khách liên tỉnh, yêu cầu lưu thông tin hành khách tối thiểu 21 ngày
Ngày 13/10, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký, ban hành văn bản gửi các cơ quan liên quan về việc triển khai theo lộ trình thí điểm hoạt động vận tải hành khách đường sắt, đường bộ.
Theo đó, Hà Nội phối hợp thống nhất với 7 tỉnh, thành phố mở lại hoạt động vận tải hành khách với tuyến cố định liên tỉnh thí điểm theo quy định tạm thời của Bộ Giao thông vận tải, gồm các địa phương: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La.
Khi vận hành, các tuyến vận tải hành khách nêu trên được chỉ chạy bằng 5% số chuyến của các đơn vị hoạt động theo biểu đồ đã được công bố.
Về hoạt động vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách bằng xe buýt, taxi trên địa bàn thành phố sẽ do Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế…
Sở Thông tin và truyền thông hướng dẫn triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tàng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch để hỗ trợ theo dõi y tế qua ứng dụng (PC-Covid, khai báo di chuyển nội địa, quét mã QR…) tại các địa điểm, phương tiện…
Hà Nội cũng yêu cầu doanh nghiện vận tải thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin danh sách hành khách đi xe tối thiểu 21 ngày kể từ ngày phương tiện của đơn vị vận tải trả khách và kết thúc chuyến xe tại bến để tổng hợp báo cáo Sở GTVT Hà Nội cung cấp cho cơ quan chức năng phục vụ công tác truy vết phòng, chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu. Báo cáo lượng khách thực tế đi xe và tình hình hoạt động tại bến xe trong thời gian thí điểm về Sở GTVT Hà Nội trước 13h hàng ngày để kịp thời tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và Bộ GTVT.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4.066 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.460 ca.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 849.691 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.630 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 845.050 ca, trong đó có 784.469 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên.
+ Có 14 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (413.835), Bình Dương (223.476), Đồng Nai (56.475), Long An (33.508), Tiền Giang (14.702).
Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 106 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (73), Bình Dương (18), Long An (4), Đồng Nai (4), Tiền Giang (3), Cần Thơ (1), An Giang (1), Đồng Tháp (1), Quảng Trị (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 109 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.869 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 130.784 xét nghiệm cho 339.652 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 20.462.833 mẫu cho 56.806.381 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19
Trong ngày 12/10 có 1.039.374 liều vaccine Covid-19 dđã được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 56.330.750 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 39.837.150 liều, tiêm mũi 2 là 16.493.600 liều.
CHU VĂN