Vào TP.HCM lập nghiệp với nghề môi giới bất động sản đến nay đã gần 10 năm, sau khi nhận được chứng chỉ hành nghề và có được một số vốn nhất định, vào đầu năm 2019, anh Lê Tấn Phát (quê Đắk Lắk) cùng em trai của mình đã quyết định thành lập Công ty môi giới bất động sản (văn phòng tại đường Trần Cao Vân, quận 9 cũ).
Mới đầu công ty hoạt động phần lớn là nhận ký gửi nhà và đất của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Sau gần 1 năm hoạt động, công ty đã chuyển sang phân phối các dự án căn hộ chung cư, nhà phố,… Tuy nhiên, bước sang năm 2020, gần như cả năm công ty không làm ăn được gì, một phần do không có dự án mới để phân phối, phần do dịch Covid-19 xuất hiện. Đến nay, công ty của anh "chìm" trong khó khăn và phải tạm thời "đóng cửa" vì nhiều tháng nay không có nguồn thu.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hoàng, 42 tuổi, quê ở Hải Phòng, từng là chủ một sàn môi giới bất động sản tại Bình Dương. Nhưng vì "thấm đòn Covid-19", công ty không có hàng để bán, lúc có hàng thì cũng không bán được nên cuối năm 2020, anh đành "khăn gói" về quê sau khi tuyên bố "đóng cửa" công ty.
Anh Hoàng tâm sự, chính anh cũng không thể ngờ được cuộc đời lại thay đổi nhanh như vậy. Chỉ vài ba năm trước, cơ ngơi trong tay là công ty với quy mô hơn 100 nhân viên. Ngày ngày mặc vest, ngồi ô tô đi tiếp khách, ký hợp đồng, kiếm tiền tỷ mỗi tháng. Bây giờ thì lại làm giám sát dự án cho một công trình nhỏ ở quê để kiếm sống qua ngày.
"Hôm trước, đến ngày sinh nhật công ty cũ, anh em nhân viên trong miền Nam gọi điện ra thăm hỏi, ôn lại chuyện cũ và nhìn lại những tấm ảnh chụp hồi còn làm chung mà buồn rớt nước mắt…", anh Hoàng xúc động kể.
Trên thực tế, những câu chuyện ở trên chỉ là những nét vẽ minh họa cho bức tranh nặng gam màu xám của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản trong bối cảnh dịch bệnh. Bởi theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt nam (VARS), hiện chỉ có khoảng 1% sàn môi giới bất động sản có doanh thu ổn định, 16% số sàn đạt 50 - 80% doanh thu, 51% sàn có doanh thu dưới 50%, khoảng 32% số sàn không có doanh thu.
Theo khảo sát, có hơn 26.300 môi giới nhà đất đang làm việc tại 500 sàn giao dịch bất động sản không có thu nhập, số môi giới nhà đất còn lại được hưởng lương cơ bản hoặc được hưởng 50% lương cơ bản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do các sàn giao dịch bất động sản hết quỹ lương. Trong khi đó, chi phí duy trì doanh nghiệp không hề được giảm trong thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19…
Theo các chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp môi giới bất động sản hiện nay chủ yếu hoạt động theo phương thức truyền thống như: thuê mặt bằng làm văn phòng; tuyển dụng nhân viên trả lương cứng khoảng từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, cộng thêm 15 - 20% hoa hồng khi bán được hàng; đào tạo theo hình thức "sai đâu sửa đó"… Các nhân viên môi giới cũng chỉ được đào tạo, hướng dẫn những kiến thức cơ bản.
Trong khi đó, yêu cầu đối với nhân viên môi giới phải là người có kiến thức chuyên sâu, có thể thay mặt người mua thẩm định, kiểm tra dự án trước khi giao dịch có đảm bảo chất lượng và đầy đủ tính pháp lý không. Nếu sản phẩm mà khách hàng lựa chọn không phù hợp, người môi giới phải có nhiệm vụ tư vấn lại giúp "thượng đế" lựa chọn sản phẩm khác phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình.
Do vậy, tại các nước phát triển như Mỹ, các nhà môi giới phải qua khóa đào tạo 180 giờ sau đó thi lấy chứng chỉ làm việc tại các văn phòng giao dịch từ 2 năm trở lên rồi mới được dự thi lấy chứng chỉ hành nghề môi giới. Trong đó, hoa hồng là nguồn thu nhập chính của môi giới và các Công ty. Tỷ lệ hoa hồng tùy thuộc vào thỏa thuận giữa công ty và người môi giới.
Ánh Dương
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/da-den-luc-nhin-lai-mo-hinh-hoat-dong-cua-cac-san-moi-gioi-bat-dong-san-a19961.html