Ông Tô Hoài Nam: Cho phép tăng giờ làm thêm để khắc phục thiếu hụt lao động

Gần 1 triệu người lao động rời các thành phố về quê sau thời gian dài giãn cách xã hội đặt ra việc cần có giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại doanh nghiệp. Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này.

Tình trạng người lao động (NLĐ) rời các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về quê diễn ra liên tục từ tháng 7 đến nay. Kết quả cuộc khảo sát nhanh của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ ngày 7- 15/9, cả nước có 1,3 triệu người, trong đó 930.000 người từ 15 tuổi trở lên, rời các tỉnh, thành có dịch về quê. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, trong số 22.764 doanh nghiệp (DN) có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ, với 30,6%.
Ông có nhận định nào về thực trạng này?
 
Ông Tô Hoài Nam: Việc NLĐ ồ ạt về quê thời gian qua rõ ràng là do lực đẩy. NLĐ rời các khu vực sản xuất và việc làm của mình, giống như lực đẩy khiến họ xa nhau. Số lượng lớn NLĐ về quê phản ánh cuộc sống của họ ở thành thị quá khó khăn do không có việc làm, giãn cách xã hội quá lâu, tài chính kiệt quệ. Trong khi con cái ở nhà học online, không có người trông nom. Tất cả những điều này đã thôi thúc họ về quê. NLĐ rất cần việc làm để có thu nhập cho bản thân và gia đình. Đây là động lực. Các DN cũng cần việc làm, vì tạo nên việc làm nghĩa là DN đang hoạt động. Doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh thì mới giữ chân được NLĐ. Mối quan hệ này là lực hút. Tuy nhiên, việc nhà máy đóng cửa buộc hai bên phải xa nhau. Đây là điều không ai mong muốn.
 
Thưa ông, trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi đi và đến trong câu chuyện này là gì?
 
Ông Tô Hoài Nam: Trong câu chuyện này, trách nhiệm của chính quyền nơi đi và đến cần được nhìn ở hai góc độ. Một là góc độ trách nhiệm phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm quan trọng bởi độ bao phủ vaccine của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Hai là, ở vị trí phục vụ, chính quyền cần thực hiện trách nhiệm hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn. Đặc biệt, không nên có thêm những quy định khác về điều kiện hay thủ tục hành chính. Đây là bài toán khó không chỉ cho riêng Việt Nam. Trong phòng, chống dịch COVID-19, không có quốc gia nào không phạm sai lầm vì đây là vấn đề quá mới, trong khi biến chủng Delta quá phức tạp.
 
 
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
 
Cũng cần nói thêm rằng, không phải NLĐ đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh, giờ về quê là có thể có việc làm, bởi vì lao động liên quan đến kỹ thuật, liên quan đến dây chuyền sản xuất. Có thể NLĐ rất thông minh nhưng không được đào tạo thì cũng không thể làm được ngay công việc mới. Do đó, cũng khó để chính quyền địa phương tiếp nhận NLĐ trở về quê có thể tận dụng được số công nhân này.
 
Nhưng cũng cần phải nhìn nhận và chấp nhận thực tế, số lượng lao động về nhiều nhưng so với mấy chục triệu lao động thì đây là tỷ lệ có thể chấp nhận. Tất nhiên, không thể để tỷ lệ này tăng lên, thành trào lưu. Tuy nhiên, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho NLĐ.
 
Quan điểm của ông về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với NLĐ và doanh nghiệp là gì, thưa ông?
 
Ông Tô Hoài Nam: Đa phần những người về quê do rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn, một chính sách hỗ trợ không thể giúp họ được tất cả. Do đó, phải ban hành một số chính sách khác. Nghị quyết 105 của Chính phủ không thể giải quyết được tất cả những khó khăn của NLĐ. Đây là vấn đề xã hội nên cần phải bổ sung các chính sách khác. Là người nghèo, họ cần làm việc để có thu nhập và việc họ bỏ phố vê quê là bất đắc dĩ.
 
Giải pháp nào khi muốn giữ chân được NLĐ, trong khi họ kiệt quệ về tài chính? Đây là mối quan hệ cần có chủ thể mới tham gia để giữ chân NLĐ, đó chính là Nhà nước, Chính phủ. Theo tôi, cần có thêm các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cả NLĐ, và DN để DN có thể giữ chân được NLĐ, kéo NLĐ ở lại. Điều này hoàn toàn khả thi.
 
DN muốn giữ chân NLĐ phải bảo đảm thu nhập cho NLĐ và an sinh để họ quay trở lại, thậm chí cả việc sắp xếp phương tiện đón họ từ quê lên nơi làm việc. DN cần quan tâm điều đó. Nhưng nếu DN bỏ tiền ra làm việc này sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng lên và sẽ tác động đến kinh tế vĩ mô. Do đó, lúc này Nhà nước phải dùng quyền lực công của mình để hỗ trợ cho DN, qua đó giữ chân NLĐ.
 
Dư địa để hỗ trợ DN vẫn còn nếu nhìn ở góc độ so sánh giữa Việt Nam và một số nước khác. Việt Nam hiện hỗ trợ khoảng 3% GDP. Đây là mức thấp so với nhiều nước trên thế giới. Trong khu vực ASEAN, có quốc gia hỗ trợ lên tới 10% GDP.
 
Ngoài ra, Nhà nước cần cho DN quyền rộng hơn. Ví dụ cho phép DN cấp giấy chứng nhận cho NLĐ bảo đảm về phòng, chống dịch, 5K, hàng hóa để họ đi lại dễ dàng. Điều này hoàn toàn có thể làm được.
 
Nói đến bài toán lao động, việc làm, thu nhập trong bối cảnh quá nhiều bất lợi do đại dịch gây ra, không một chủ thể nào trong xã hội có thể đứng ngoài cuộc, chỉ cần 1 chủ thể đứng ra ngoài thì công việc không thể giải quyết được. Đây là bài toán khó khi người lao động bỏ về. Nếu không có chính sách thích hợp thì số người về quê còn nhiều hơn. Lúc này, nếu chỉ từng DN đứng ra hỗ trợ NLĐ thì e không ổn, nhất là những DN nhỏ, siêu nhỏ.
 
Tình trạng DN thiếu lao động là hiện hữu chứ không còn là nguy cơ. Trong khi giờ là các tháng cuối năm, DN lo ngại rất khó để công nhân quay trở lại làm việc, vì chỉ còn vài tháng sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Theo ông, cần giải pháp trước mắt nào để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các DN và các khu công nghiệp?
 
Ông Tô Hoài Nam: Tôi cho rằng, với những địa bàn thiếu hụt lao động, giải pháp đầu tiên là việc làm. Việc làm không có nghĩa là 1 lao động 1 việc làm, cần hiểu việc làm theo nghĩa rộng hơn, tức là tổ chức sản xuất trong từng loại hình kinh doanh dịch vụ sản xuất.
 
Dưới góc nhìn này, cần phải sửa ngay quy định về giờ làm thêm để NLĐ có thể đáp ứng. Vì đây là nhu cầu có thật của cả 2 phía. NLĐ muốn làm thêm giờ để có mức thu nhập cao hơn. Làm thêm giờ là giải pháp tạm thời nhưng lại có ý nghĩa quan trọng với NLĐ để bù đắp thời gian dài mất việc. Về mặt chính sách, cơ quan quản lý phải cho phép làm thêm giờ.
 
Làm thêm giờ khác với làm 48 tiếng/tuần theo quy định. Cần hạ quy định này xuống để NLĐ có nhiều thời gian làm thêm giờ hơn và không ngăn cấm số lượng làm thêm giờ, ít nhất cũng phải đưa lên 400 giờ/năm.
 
Ngay khi dịch COVID-19 tại nhiều địa phương được kiểm soát, các doanh nghiệp dần hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, đề xuất tăng thời gian làm thêm. Chủ trương này hiện đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là các doanh nghiệp và người lao động tại các khu công nghiệp. Việc đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm với một số ngành nghề, lĩnh vực ở thời điểm này sẽ góp phần bảo đảm bù đắp thiếu hụt lao động trầm trọng vì dịch COVID-19 gây ra; giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng giờ làm thêm cần được nghiên cứu kỹ và nên có giới hạn nhất định về giờ làm thêm trong tháng để bảo đảm sức khoẻ của NLĐ. Qua đó, tránh trường hợp, DN huy động NLĐ làm việc liên tục trong thời gian dài để khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19.
 
Theo ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc mở rộng giới hạn giờ làm thêm trong tháng, trong năm là một giải pháp tạm thời, trong thời gian ngắn. Do đó, Công đoàn Việt Nam đề nghị chỉ nên quy định thời gian thực hiện trong thời hạn, từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
 
Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Minh (thực hiện)

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/ong-to-hoai-nam-cho-phep-tang-gio-lam-them-de-khac-phuc-thieu-hut-lao-dong-a19968.html