Chồng đi làm ở Bình Dương bị mắc kẹt chưa thể về, một mình chị Thanh (*) - 30 tuổi, Vĩnh Tuy, Hà Nội - chăm sóc hai con, một bé chuẩn bị lên lớp 1, một bé năm nay lên lớp 7 - Lê Đình Ánh (*). Cũng như nhiều gia đình khác, mỗi ngày chị phải dậy từ sớm để lo con ăn uống, học bài, rồi lao vào công việc. Công việc dồn ứ, chất chồng khiến chị tối tăm mặt mũi, chỉ còn chút thời gian ưu tiên cho bé thứ hai vì còn nhỏ.
Đến giờ học, chị chỉ kịp lắp đặt máy điện thoại cho con ngồi vào bàn học, một phần vì chị tin tưởng con vì Ánh học tốt, tự giác và tiếp thu bài rất nhanh… nên không thường xuyên để ý việc con học.
Chỉ học online ở nhà, không được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, Ánh “quanh ra, quẩn vào” với máy tính và điện thoại. Cậu bé trở nên thay đổi, ích kỷ, dễ cáu gắt, ham chơi điện tử, sao nhãng việc học.
Ánh thường xuyên cáu giận với em mỗi khi em gần, ngay cả khi không bận học mà chỉ đang chơi điện thoại. Em còn dễ cáu bẳn, dễ đánh em dù em nhỏ chẳng làm sai điều gì.
Cách đây một tháng, kiểm tra điện thoại của con, chị Mai sửng sốt khi phát hiện vô số hình ảnh nhạy cảm. Điều đáng lo là những bức ảnh đó xuất phát từ dòng chat qua lại của con với một bạn khác. Có tin nhắn người bạn kia yêu cầu con chụp ảnh, quay hình ảnh nhạy cảm khi đang tắm để xem. Ngược lại, bạn kia cũng gửi lại những hình ảnh “người lớn” cho cậu. Quá sốc, chị Mai nhanh chóng nhờ sự trợ giúp của bác sĩ.
Thời điểm tới khám, Ánh khá rụt rè, sợ sệt, không muốn tiếp xúc hay nói chuyện với ai. Bé được chẩn đoán rối loạn tâm sinh lý, dẫn đến tình trạng ngủ không sâu giấc, hay tỉnh giấc, đêm ngủ bị ác mộng, ăn uống không ngon miệng, sao nhãng học tập, học tập sút kém, rất dễ cáu giận.
Nữ sinh lớp 12 trầm cảm, tự rạch tay
Ở nhà quá lâu, nữ sinh lớp 12 bị trầm cảm tới mức có hành vi thiếu suy nghĩ, thậm chí tự dùng dao rạch tay để hành hạ bản thân.
Nguyễn Thanh Tâm (*) đang học lớp 12 một trường ở Hà Nội. Nếu như trước đây em được cho là người hoà đồng, vui vẻ, hoạt bát thì gần đây nữ sinh có biểu hiện khác thường.
Học online thời gian, Tâm bắt đầu buồn chán, suy nghĩ tiêu cực. Dần dần, em có hành vi nguy hiểm như tự hành hạ bản thân để giải toả. Em lấy dao, vật sắc nhọn cắt tay tới chảy máu mới thôi. “Mỗi khi làm đau bản thân như vậy, em cảm thấy tư tưởng được thoải mái hơn”, Tâm nói. Hành động này không chỉ một lần mà lặp đi lặp lại rất nhiều lần.
Tâm được mẹ đưa đến bệnh viện nhờ tư vấn. Lời kể của nữ sinh lớp 12 khiến cả bác sĩ và gia đình sửng sốt, bàng hoàng bởi những biểu hiện lo âu, buồn chán và dùng sắc nhọn tự cắt vào tay của Tâm bắt đầu từ lâu, trước khi vào năm học mới.
BS Trần Thị Sáu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy em có biểu hiện của trầm cảm nặng. Em tìm đến những cách để “giải tỏa” như rạch tay, hành hạ cơ thể để “giải toả” cho thấy em đã ở tình trạng quá nặng, việc điều trị rất khó khăn.
Bên cạnh những liệu pháp điều trị tâm lý, Tâm được các bác sĩ kê đơn dùng thuốc và kết hợp với tác động của gia đình. Tình trạng của em cũng đang dần cải thiện từng ngày.
Bố mẹ phải chia sẻ giảm bớt áp lực cho con
Bác sĩ Sáu thông tin, sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, số người đến khám sức khỏe tâm thần tăng cao. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, nhưng cao nhất là nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên chiếm tỷ lệ cao nhất.
Đa số bệnh nhân đến khám đều chung nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh và học online lâu dài. Trong đó xuất hiện người bị biểu hiện rối loạn lo âu, trầm cảm đến mức tự hành hạ cơ thể và trường hợp như nữ sinh lớp 12 trên là điển hình.
Áp lực học tập, cùng với việc ở nhà lâu ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tư tưởng của mọi người nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng. Như nữ sinh trên, do đang ở lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý nên những tác động khách quan bên ngoài ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, suy nghĩ, tâm lý, hành vi của em.
Từ trường hợp của Tâm, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần quan tâm, giám sát các con, phát hiện những bất thường ở trẻ để có hướng điều trị kịp thời. Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, cộng với việc học online thường xuyên, nếu bố mẹ không hiểu tâm tư của con, gây áp lực cho con thì rất dễ khiến trẻ bị ảnh hưởng tới tâm, sinh lý. Bởi vậy, thay vì gây áp lực cho con, phụ huynh cần thường xuyên hỏi han, chia sẻ và không giao mục tiêu, cũng như không đặt kỳ vọng quá lớn với con trẻ.
Bên cạnh đó, sau mỗi đợt học online thường trẻ đến khám do nghiện game, nghiện điện thoại; đó là chưa kể trẻ dễ tiếp cận các nội dung xấu, độc trên mạng…Vì thế, phụ huynh không chỉ là người quan tâm, giám sát mà còn đóng vai trò là người bạn, chia sẻ với con nhằm giải tỏa áp lực, căng thẳng giúp trẻ cân bằng cuộc sống, qua đó giúp con có được tâm lý thoải mái hơn, tránh xa nội dung độc hại.
Theo BS Đỗ Văn Thắng, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, những trường hợp như bé Ánh mới học lớp 7, đáng lẽ ra nên được đến lớp học tập, giao lưu với bạn bè, tham gia những hoạt động thể thao lành mạnh khi có thời gian rảnh ngoài học tập, thì nay lại phải ở nhà vì dịch COVID-19.
Giãn cách quá lâu khiến trẻ chỉ biết “làm bạn” với máy tính, Ipad và điện thoại mà thiếu đi các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời. Đây là một trong nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ, khiến nhiều trẻ sa sút về học tập, có các rồi loạn tâm lý kèm theo.
Nguy hiểm hơn, do tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại nên trẻ dễ bị tiếp cận với những văn hoá phẩm không tốt trên mạng như ảnh sex, clip người lớn…dẫn đến tình trạng rối loạn tâm sinh lý, lệch lại về giới tính.
“Lứa tuổi lớp 7 rất nhạy cảm, các bé có thể đã có những tò mò về giới tính. Có bé đã thay đổi về cơ thể thể hiện sự trưởng thành về giới tính, tâm sinh lý của mình rồi. Nếu không được giáo dục, tiếp cận đúng sẽ rất dễ sinh ra những lệch lạc về giới tính hay rối loạn tâm sinh lý”, BS Thắng nói.
Trẻ phải được vận động, giao tiếp
BS Thắng cho rằng, tình trạng của cậu bé Lê Đình Ánh là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Về khía cạnh tâm lý, bé cần được chăm sóc về tinh thần để trở lại bình thường.
BS Thắng khuyên chị Mai nên quan tâm nhiều hơn tới con cái bằng việc ngoài thời gian học, nên chú ý đến những biểu hiện khác thường của con để sẵn sàng can thiệp, khuyên bảo và tâm sự, hiểu con hơn.
Đặc biệt, trong thời điểm giãn cách xã hội, do không được đến trường hay ra ngoài vui chơi, trẻ thường tìm đến những thú vui giải trí từ điện thoại, máy tính hay vô tuyến. Lúc này cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con, chơi với con những trò chơi mang tính vận động vui nhộn, tập thể dục thể thao lành mạnh tại nhà như đi bộ để tạo hứng thú, hướng con tránh xa điện thoại hay Internet.
Sau thời gian điều trị và tư vấn tâm lý, tình trạng bé Ánh đã được cải thiện rất nhiều. Bé giờ đây trò chuyện nhiều hơn với em, chơi với em và không còn cáu gắt nữa. Đặc biệt, sự tập trung cho học tập của bé cũng bắt đầu được phục hồi dần dần.
Từ câu chuyện trên, các chuyên gia khuyên cha mẹ nên chú ý nhiều hơn tới con cái, làm bạn với con mọi lúc để nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của con, từ đó có những can thiệp, định hướng phù hợp để con tránh “lạc đường”.
Ngoài học tập, các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài, những hoạt động thể dục thể thao lành mạnh sẽ giúp bé không bị cuốn vào hoạt động xấu, hình ảnh không tốt.
Một bác sĩ tâm thần nhận định, học online ở nhà, không được đến trường và tham gia các hoạt động tập thể về lâu dài nếu không được quan tâm hợp lý sẽ ảnh hưởng tới phát triển chung của trẻ. Trẻ ở nhà quá lâu có thể nhút nhát, dễ sinh tính ích kỷ, hạn chế phát triển kỹ năng giao tiếp, kết quả học tập.
Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của trẻ. Đây cũng có thể là yếu tố phát sinh, thúc đẩy một số rối loạn tâm lý liên quan như rối loạn giấc ngủ, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn hành vi khác của trẻ.
"Chúng ta cần cân nhắc trong điều kiện có thể cho trẻ em sớm đến trường để được giao tiếp, hoạt động, trò chuyện… giúp trẻ phát triển cả tinh thần lẫn thể chất", bác sĩ này nói.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi
PHẠM QUÝ
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/tre-bi-anh-huong-suc-khoe-tam-than-do-hoc-o-nha-qua-lau-a19987.html