Điện ảnh - không chỉ là văn hóa, nghệ thuật mà còn là kinh tế và hội nhập quốc tế

Điện ảnh là một loại hình có ý nghĩa quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, vì vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho nền điện ảnh nước nhà phát triển là hết sức cần thiết.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Dự án Luật này sẽ được tiếp thục thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên họp toàn thể trực tuyến, đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.

Đồng thời, các đại biểu nhất trí và đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng như đánh giá cao dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, các đại biểu cho rằng cần phải xem điện ảnh không chỉ là một ngành văn hóa, nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp. Do đó, cần phải có những chính sách tạo thuận lợi và ưu đãi phù hợp, hướng tới xây dựng thương hiệu và nền điện ảnh nước nhà hội nhập và phát triển lên một tầm cao mới.

Điện ảnh - không chỉ là văn hóa, nghệ thuật mà còn là kinh tế và hội nhập quốc tế
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu tại phiên thảo luận.

Coi điện ảnh như một nền công nghiệp

Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Với tư cách là một bộ phận nội dung của văn hóa, điện ảnh là một loại hình, phương tiện trực quan sinh động, có ý nghĩa trong định hướng giá trị, định hướng tư tưởng, quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Đại biểu cho rằng, phát triển điện ảnh là một nội dung trong lãnh đạo văn hóa của Đảng, do vậy, việc thể chế hóa đường lối của Đảng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho nền điện ảnh nước nhà phát triển là hết sức cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh nhằm đáp ứng yêu cầu đó.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) đánh giá cao việc sửa đổi Luật Điện ảnh lần này và xây dựng, phát triển điện ảnh Việt Nam trở thành một nền công nghiệp.

Đại biểu đề nghị trong Điều 4 của dự luật về nguyên tắc của hoạt động điện ảnh, cần thêm cụm từ "gắn với quảng bá du lịch, thương hiệu" vào khoản 1 để thể hiện được tầm nhìn và quan điểm rõ ràng về việc phát triển điện ảnh Việt Nam như một nền công nghiệp.

“Theo đó, khoản 1 sẽ được sửa lại như sau: Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam với sự tham gia của các thành phần kinh tế vừa gắn với quảng bá du lịch, thương hiệu Việt Nam, vừa đảm bảo bản sắc dân tộc, hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân”, đại biểu nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng đồng quan điểm khi cho rằng điện ảnh của mỗi quốc gia trên thế giới như là một cách thức để truyền bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia đó, làm cho khán giả các nước khác liên tưởng ngay khi đến nhắc đến.

Đại biểu lấy dẫn chứng dòng phim lịch sử cổ trang của Trung Quốc, phim tình cảm của Hàn Quốc, phim hành động của Mỹ,... Xu hướng hiện nay là các nước đưa vào phim các sản phẩm mới để quảng bá, giới thiệu trước khi đưa sản phẩm đến với công chúng các nước khác.

Đại biểu cho rằng trong dự thảo luật cũng đã đề cập, mặc dù chưa chi tiết về vấn đề quảng bá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lồng ghép trong phim được thể hiện tại Điều 27.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý nhiều hơn, định hướng nền tảng phát triển nội dung phim Việt Nam, đặc biệt về thế mạnh, nét đặc sắc riêng có của Việt Nam mà bạn bè quốc tế quan tâm hoặc chưa từng biết tới, để khuyến khích các dòng phim chú trọng sản xuất hoặc lồng ghép trong các sản phẩm, thể loại phim như các nước đã làm với cách riêng của Việt Nam.

Điện ảnh - không chỉ là văn hóa, nghệ thuật mà còn là kinh tế và hội nhập quốc tế
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu từ đầu cầu Đắk Nông.

Đại biểu cũng bày tỏ kỳ vọng lần sửa đổi này Luật Điện ảnh khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo được hành lang pháp lý, đủ điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thu hút tối đa các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư nâng tầm điện ảnh Việt Nam.

“Để trong lộ trình điện ảnh có thể đảm đương được sứ mệnh cùng với các loại hình văn hóa nghệ thuật khác quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam và các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, cách mạng hào hùng của dân tộc và cả ẩm thực, hàng hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, với cách tiếp cận luôn hiện hữu, thuyết phục và từng bước chinh phục khán giả thế giới nhằm xây dựng thương hiệu và nền điện ảnh nước nhà hội nhập và phát triển lên một tầm cao mới”, đại biểu nhấn mạnh.

Điểm đến thân thiện cho các nhà đầu tư

Đóng góp ý kiến về việc thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất phim, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, Điều 42 đã đề cập việc này nhưng vẫn chưa tạo ra hành lang pháp lý mang tính đột phá.

“Các đoàn làm phim quốc tế khi họ quyết định có nên đến Việt Nam hay không thì câu hỏi đầu tiên sẽ là Việt Nam có địa điểm quay phù hợp hay không? Việt Nam có chính sách ưu đãi gì cho chúng tôi? Thủ tục có thuận lợi không, chi phí cho việc làm phim ở Việt Nam có đắt đỏ hay không?”, đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu cho rằng nên tham khảo chính sách ưu đãi của Thái Lan, một đất nước láng giềng có điều kiện khí hậu, địa lý và văn hóa gần với Việt Nam. Thái Lan đã rất thành công với chính sách kêu gọi của mình.

Năm 2018, lần đầu tiên Thái Lan áp dụng chính sách ưu đãi từ 15 đến 20% hoàn thuế cho các đoàn làm phim nước ngoài thì ngay trong năm đó, họ đã thu hút được 714 đoàn làm phim quốc tế đến Thái Lan và mang lại doanh thu là 98 triệu USD.

Theo đại biểu, để Việt Nam thực sự hấp dẫn các nhà sản xuất, các nhà đầu tư, giúp nền điện ảnh Việt Nam phát triển đột phá, đại biểu đề nghị, cần bổ sung quan điểm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh vào sự cần thiết sửa đổi luật để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình xây dựng luật; tiến hành thu thập các thông tin và phân tích các số liệu để có thể đưa ra các quy định cụ thể về chính sách ưu đãi cho sản xuất phim ngay trong luật, cả về nội dung và thủ tục áp dụng ưu đãi và có chính sách, tạo thủ tục thuận lợi, hạn chế các thủ tục rườm rà gây cản trở cho hoạt động điện ảnh.

Cũng góp ý về nội dung điều 4, nhằm mục đích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, để tạo sự đột phá trong sự hợp tác làm phim cần “mạnh dạn cởi bỏ nút thắt”, nhất là quy định mang tính thẩm định kịch bản phim.

“Các đạo diễn nổi tiếng nước ngoài thường có sự độc lập toàn quyền sáng tạo với tác phẩm điện ảnh của mình, bảo đảm tính toàn vẹn của các tác phẩm. Với quy trình sản xuất phim hiện đại, nhiều đạo diễn không có kịch bản chi tiết trước mà sẽ sáng tác ngẫu hứng trên bối cảnh thực địa, nhất là đối với các loại phim hành động.

Do đó, để thu hút được nhà làm phim nước ngoài, cân nhắc xem xét không yêu cầu cung cấp kịch bản phim tại điểm b khoản 2 Điều 14 mà chỉ thực hiện phân loại phim khi phổ biến phim tại Việt Nam theo Điều 28”, đại biểu nói.

Đại biểu Hà Ánh Phượng đánh giá cao về việc sửa đổi Luật Điện ảnh lần này và xây dựng và phát triển điện ảnh Việt Nam trở thành một nền công nghiệp. Đại biểu đặt câu hỏi phát triển thị trường điện ảnh Việt Nam đi kèm với cơ chế kiểm duyệt như thế nào.

“Nếu chỉ chú trọng thị trường trong nước thì mới cần kiểm duyệt kỹ như cơ chế kiểm duyệt hiện hành. Nếu muốn vươn ra thế giới thì chúng ta phải chấp nhận tất cả những dòng sản phẩm phục vụ thị trường giải trí toàn cầu và chỉ dùng nó như một rào cản, một hàng rào kỹ thuật trong nước để bảo vệ tư tưởng và văn hóa Việt Nam chứ không nên cấm đoán hoàn toàn”, đại biểu nói.

Điện ảnh - không chỉ là văn hóa, nghệ thuật mà còn là kinh tế và hội nhập quốc tế
Đại biểu Trần Thị Vân đoàn Bắc Ninh cho rằng nên tham khảo chính sách ưu đãi của Thái Lan, một đất nước láng giềng có điều kiện khí hậu, địa lý và văn hóa gần với Việt Nam.

Để có chỗ đứng trên thế giới

Để phát triển điện ảnh và tạo hình ảnh, thương hiệu của điện ảnh Việt Nam trên thế giới, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến góp ý về các nội dung tăng cường chất lượng phim, việc sản xuất và xuất khẩu phim ra thị trường thế giới.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị, đối với phim xuất khẩu và phim tham gia dự thi thì các quy định cấm tại điểm h, i, k, m khoản 1 Điều 10 cần quy định mở hơn trong các tiêu chí so với phim trong nước gần hơn với thế giới.

Đại biểu cho rằng, phim ngắn là một lợi thế của các bạn trẻ để đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới nên tiêu chuẩn của đạo diễn và diễn viên của phim ngắn xuất khẩu và tham gia dự thi không khác so với phim chiếu trong nước.

Tuy nhiên, đối với phim khác để tham gia vào thị trường phim thế giới, đại biểu cho rằng cần có quy định đặt tiêu chuẩn của đạo diễn và diễn viên chính hoặc đối với riêng đạo diễn hoặc diễn viên chính ở mức cao hơn mức bình quân.

“Lý do là vì nếu chúng ta muốn giới thiệu nét đẹp của Việt Nam ra thế giới qua phim thì chất lượng phim cần khẳng định, nhiều giá trị nghệ thuật của điện ảnh quốc tế cũng cần được học tập.

Mặc dù một số diễn viên có khả năng diễn xuất bẩm sinh được đạo diễn phát hiện phù hợp với một thể loại phim, nhưng muốn trở thành diễn viên chuyên nghiệp thì phải cần hoàn thiện thanh-sắc-phục-tinh-thần, bên cạnh đó còn cần đào tạo thêm võ thuật, đi lại, kỹ năng đứng trước công chúng, ngoại ngữ,... để phù hợp với nhiều vai diễn thì mới có được hình ảnh lâu dài trên thị trường thế giới”, đại biểu nhấn mạnh.

Điện ảnh - không chỉ là văn hóa, nghệ thuật mà còn là kinh tế và hội nhập quốc tế
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28/10.

Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề cập chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh và cho rằng, tại điểm d khoản 1 Điều 5 có nội dung nhà nước đầu tư cho hoạt động xây dựng trường quay hiện đại với công nghệ cao, đáp ứng với phát triển kỹ thuật số:

“Qua thực tiễn tình hình trong nước và xu hướng trên thế giới, tôi đề nghị chuyển điểm d khoản 1 Nhà nước đầu tư xuống thành điểm b khoản 2, nhà nước hỗ trợ, vì trường quay công nghệ cao đòi hỏi luôn thay đổi, bám sát trong việc phát triển của thị trường, có thể tồn tại song song với dịch vụ du lịch giải trí có liên quan, đòi hỏi xã hội hóa việc xây dựng trường quay thành hình thức kinh doanh dịch vụ”.

Đại biểu nêu dẫn chứng cụ thể là ở Trung Quốc, một trong những nơi có nền điện ảnh phát triển hàng đầu, phim trường lớn thường là do tư nhân đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, để đảm bảo thống nhất với quy hoạch chung hiện nay và đối chiếu với khó khăn của nguồn ngân sách nhà nước, các nhiệm vụ chi cho các lĩnh vực cần ưu tiên hơn thì để Nhà nước đầu tư là chưa khả thi.

Về yếu tố tạo nên chất lượng phim, đại biểu Tô Văn Tám nhận định, chúng ta đã có những kịch bản và những bộ phim hay lay động lòng người như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bài ca ra trận, Ván bài lật ngửa, Bao giờ cho đến tháng 10, Đất và người, v.v. và sẽ có những kịch bản hay hơn nữa.

Những năm gần đây, phim Việt Nam đang có việc sử dụng kịch bản của nước ngoài đã được Việt hóa và được khán giả cảm nhận là hay và đón nhận. Đó cũng là điều bình thường trong giao lưu văn hóa và đó cũng là điều đáng trân trọng trong hoạt động điện ảnh.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần nhìn nhận vấn đề dưới góc độ tính dân tộc của văn hóa, dù rằng kịch bản đã được Việt hóa nhưng gốc vẫn là văn hóa của nước sở tại.

Đại biểu nói: “Thiết nghĩ đây là vấn đề cần quan tâm để định hướng và quản lý xu hướng này trong hoạt động điện ảnh, nhằm đáp ứng yêu cầu hài hòa giữa giao lưu, trao đổi văn hóa, yêu cầu của khán giả với yêu cầu của tính đậm đà, bản sắc dân tộc trong hoạt động điện ảnh. Sửa đổi luật lần này cũng cần có những quy định như vậy”.

KIM HỒNG

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/dien-anh-khong-chi-la-van-hoa-nghe-thuat-ma-con-la-kinh-te-va-hoi-nhap-quoc-te-a20178.html