Việt Nam cán mốc tiêm 100 triệu liều vaccine Covid-19

Cập nhật trên Cổng Thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến 5h30 ngày 15/11, cả nước đã tiêm được xấp xỉ 100 triệu liều vaccine Covid-19, đi được 2/3 quãng đường đến mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng.

Gần 50% dân số trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19

Cụ thể, cập nhật trên thông tin trên Cổng Thông tin tiêm chủng Covid-19 (Bộ Y tế) cho biết, tính đến 5h30 ngày 15/11, cả nước đã tiêm được 99.860.411 liều vaccine Covid-19, chỉ còn hơn 100.000 liều nữa là cán mốc 100 triệu liều.

Theo Bộ Y tế, trên cả nước có tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vaccine là khoảng 87% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là khoảng 46% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Việt Nam cán mốc tiêm 100 triệu liều vaccine Covid-19 - Ảnh 1.

87% dân số trên 18 tuổi đã được tiêm 1 mũi vaccine Covid-19 (Tiêm vaccine Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh BV Bạch Mai)

Bộ Y tế cho biết, đến nay, 16/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang.

Theo Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 quốc gia, để đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần tiêm chủng cho ít nhất 75 triệu người tương đương 150 triệu liều vaccine Covid-19 (mỗi người cần tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19.

Như vậy, đến nay, Việt Nam đã đi được 2/3 chặng đường để đạt miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, với tình hình mở rộng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em lứa tuổi 12-17 tuổi thì mục tiêu lại mở rộng hơn. Theo Bộ Y tế, ước tính có khoảng 8 triệu trẻ em trong độ tuổi 12-17 (tương đương với 16 triệu liều).

16 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nam, Hà Nội, Lạng Sơn , Bình Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu.

24 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine cho từ 80-95% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hà Nam, Ninh Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tiền Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu.

Đã tiêm hơn 1,4 triệu liều vaccine trẻ em cho trẻ 12-17 tuổi

Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 14/11, cả nước có 16 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Tổng số vaccine đã tiêm là 1.414.228 liều với tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 15,5% dân số từ 12 -17 tuổi.

Các tỉnh đã tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em là Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang.

Việt Nam cán mốc tiêm 100 triệu liều vaccine Covid-19 - Ảnh 3.

Đã có 16 tỉnh, TP triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi (Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Các địa phương khác đã và đang lên kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em.

Cụ thể, tại Long An đã lên kế hoạch tất cả các em từ 12-17 tuổi hiện đang sinh sống và học tập trên địa bàn tỉnh Long An (không phân biệt có hay không có hộ khẩu) sẽ được tiêm vaccine Covid-19. 

Qua rà soát, hiện toàn tỉnh Long An có 167.662 người từ 12 - 17 tuổi. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 và đầu quý I/2022, tỉnh Long An sẽ tổ chức tiêm 4 đợt, mỗi đợt tiêm 1 tuần; thời gian tổ chức tiêm không trùng với thời gian các em thi học kì hay thi giữa học kỳ.

UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh năm 2021-2022. Theo đó, dự kiến có 131.058 trẻ em trong độ tuổi 12-17 sẽ được triển khai tiêm từ ngày 15/11/2021-30/4/2022.

Tỉnh Quảng Ngãi ước tính số lượng trẻ từ 12-17 tuổi cần tiêm vaccine Covid-19 là 134.241 trẻ trên toàn tỉnh...

Dự kiến tiêm mũi 3 vaccine Covid-19

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa cho biết, Việt Nam sẽ triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vaccine Covid-19 vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng đang được triển khai rất thành công.

Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Việt Nam cán mốc tiêm 100 triệu liều vaccine Covid-19 - Ảnh 4.

Nếu tiêm mũi 3 vaccine Covid-19 cần ưu tiên nhân viên y tế, người tuyến đầu chống dịch có nguy cơ cao tiếp xúc với người mắc Covid-19 (Tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên y tế tại BV Việt Đức. Ảnh BVCC)

Để triển khai kế hoạch tiêm vaccine mũi 3, trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi các tỉnh TP yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 trong năm 2022, bao gồm cả trẻ em lứa tuổi từ 3-17 tuổi. 

Đồng thời, xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine Covid-19 năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều.

"Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều vaccine Covid-19. Hiện ã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều vaccine Covid-19

Từ nay đến cuối năm, vaccine Covid-19 sẽ về cấp tập với số lượng lớn, do đó các tỉnh, TP phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng hơn nữa"

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch thường xuyên tiếp xúc với các F0.

Đặc biệt thời gian qua cũng đã có trường hợp các nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc F0 đã bị lây nhiễm. Vì vậy, theo PGS Nga, việc tiêm vaccine mũi 3 cho những người này là cần thiết.

"Nhưng đầu tiên là nhân viên y tế, người trên tuyến đầu chống dịch đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 từ tháng 5, đến giờ đã 6 tháng, do đó, nếu có vaccine thì tiêm mũi 3 để tăng miễn dịch cho họ cũng là hợp lý. Họ là những người thường xuyên tiếp xúc với người mắc Covid-19 nên có nguy cơ lây nhiễm cao", ông Nga cho biết,

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng  (Bộ Y tế) cũng cho rằng, trên thế giới, 1 số nước đã tiến hành tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường (mũi 3). Mũi tiêm tăng cường giúp củng cố hệ miễn dịch phòng bệnh, bởi vì sau thời gian tiêm miễn dịch đã giảm dần.

Nếu chúng ta đã tiêm phủ hết vaccine mũi 2 thì có thể lên kế hoạch tiêm mũi 3 và ưu tiên người có nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với người mắc Covid-19 và có nguy cơ mắc Covid-19 như cán bộ y tế, người tham gia chống dịch trong cộng đồng, người có bệnh nền...

DIỆU LINH

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/viet-nam-can-moc-tiem-100-trieu-lieu-vaccine-covid-19-a20365.html