Thành phố Hồ Chí Minh: Bảo đảm đủ lao động cho doanh nghiệp

Tính đến giữa tháng 11-2021, đã có hơn 90% số lượng doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh hoạt động trở lại. Hiện thành phố đang triển khai nhiều giải pháp như tăng cường tuyển dụng công nhân, chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng phòng, chống dịch bệnh... để thu hút người lao động trở lại làm việc, bảo đảm đủ nhu cầu của thị trường, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh.

 

Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều ngày hội việc làm, kết nối người lao động với doanh nghiệp.

Nhiều nơi thiếu lao động

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, đến giữa tháng 11-2021, 100% số doanh nghiệp trong khu công nghệ cao; 96% doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và 90% doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Còn theo Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA), số người quay lại làm việc tại các doanh nghiệp thuộc HEPZA là 230.528 người, đạt tỷ lệ 80%.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động cho cao điểm sản xuất, kinh doanh cuối năm 2021 đang diễn ra tại một số cơ sở kinh doanh. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1, thành phố Thủ Đức) Trần Thị Hồng Vân cho biết: "Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện việc bố trí công nhân ở các khâu sản xuất. Hiện chúng tôi đang thiếu khoảng 100 lao động có tay nghề để bảo đảm việc sản xuất đạt 100% công suất".

Còn anh Trương Văn Khánh, quản lý nhà hàng LG ở đường Nguyễn Thị Thập (phường Tân Phong, quận 7) cho hay: "Trước dịch, nhà hàng có 126 lao động, nay mới có 71 người trở lại làm việc. Chúng tôi mở cửa từ ngày 10-11 vừa qua, nhưng nhà hàng chỉ hoạt động 60% công suất vì thiếu người làm".

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong đợt dịch Covid-19 thứ tư vừa qua, đã có hơn 8.300 lao động rời thành phố về quê ở các tỉnh Tây Nguyên; hơn 44.000 lao động về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Văn Lâm, tính đến giữa tháng 11-2021, mới có 400 lao động từ khu vực Tây Nguyên và hơn 14.600 lao động từ các tỉnh miền Tây quay lại thành phố làm việc. Dự kiến trong quý IV-2021, thành phố cần 60.000 người lao động; quý I-2022, cần thêm 120.000-140.000 người lao động.

Triển khai nhiều giải pháp

Ngày 14-11 vừa qua, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị tổ chức Ngày hội "Tiếp sức ngày trở lại" cho thanh niên công nhân và người lao động tại Khu chế xuất Linh Trung 1, thành phố Thủ Đức. Tại đây, người lao động được xét nghiệm miễn phí Covid-19; được miễn giảm giá thuê trọ khi đi làm hoặc hỗ trợ nhà trọ miễn phí trong 1 tháng tìm việc; Ban Tổ chức còn ghi nhận nhu cầu tìm việc làm và chuyển đến các doanh nghiệp phù hợp.

Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Liên đoàn Lao động thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Ngày hội tuyển dụng trực tuyến, với sự tham gia của 180 doanh nghiệp, tuyển dụng hơn 31.000 vị trí việc làm. Hiện đã có hơn 1.000 lao động được tuyển dụng qua hoạt động này. Chị Trương Kiều Như, ngụ tại tỉnh Bạc Liêu, phấn khởi chia sẻ: “Do dịch Covid-19, tôi nghỉ việc tại một công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận từ tháng 8-2021 và mới quay lại thành phố cuối tháng 10-2021. Nay, tôi vừa được tuyển dụng vào Công ty Okaya cũng trong khu chế xuất này nên rất yên tâm để làm việc”.

Các doanh nghiệp cũng có nhiều cách để thu hút và giữ chân người lao động. Đơn cử, Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam có 3 khu nhà lưu trú khang trang làm nơi ở cho công nhân viên. Còn Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sài Gòn Precision (trụ sở tại thành phố Thủ Đức) Huỳnh Tấn Diệp cho biết đã tăng lương lên 175% so với trước đây để thu hút người lao động vào làm việc.

Theo HEPZA, hiện đã có 98% công nhân, người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh được tiêm mũi 1; có 94% được tiêm vắc xin mũi 2 phòng Covid-19 hoặc F0 đã khỏi bệnh. HEPZA cùng các đơn vị liên quan đã thiết lập Trạm Y tế lưu động trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Trong khi đó, Khu chế xuất Linh Trung 2 (thành phố Thủ Đức) và Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) thành lập khu thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 với quy mô 250-300 giường. Khu công nghệ cao có khu cách ly điều trị F0 tại chỗ, quy mô 250 giường...

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Trưởng ban HEPZA Phạm Thanh Trực nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành Y tế thành phố thành lập thêm các cơ sở thu dung điều trị trong các khu chế xuất, khu công nghiệp khác. Việc có cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 ngay trong các khu công nghiệp sẽ giúp cho công nhân, người lao động yên tâm làm việc; yên tâm điều trị khi nhiễm bệnh, sớm quay lại làm việc”.

TUỆ AN - NAM TRUNG

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-bao-dam-du-lao-dong-cho-doanh-nghiep-a20468.html