Hội nghị văn hoá toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11 tới đây là sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội. Điều đó nói lên tính thời sự, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đang đặt ra những vấn đề cấp thiết mà xã hội kỳ vọng.
Trong bối cảnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ với VOV về việc phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
PV: Trước thềm Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ góc độ nhà nghiên cứu, ông đánh giá như thế nào về sức mạnh của của văn hóa tới sự phát triển kinh tế - xã hội?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Không riêng gì Việt Nam mà trên thế giới luôn nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đấy là khẩu ngữ khá quen thuộc trên thế giới. Nhiều nơi đã ý thức được câu chuyện đó. Nhưng từ ý thức đến hành động là con đường rất dài.
Nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội đã có những diễn đàn với lịch sử lâu đời, thu được những thành tựu nhất định, nhưng phải đến năm 2013, chúng ta mới có một diễn đàn văn hóa thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Bali, Indonesia để các nguyên thủ quốc gia, các nhà nghiên cứu văn hóa đến bàn với nhau câu chuyện làm thế nào để phát triển văn hóa trong những năm sắp tới.
Một trong những chủ đề hấp dẫn được bàn tại diễn đàn năm đó là người ta thống kê được, trên thế giới, số tỷ phú rất nhiều, nhưng tập trung chủ yếu ở 4 dân tộc cụ thể. Đó là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Do Thái chiếm 75% tỷ phú trên thế giới. Từ đó cho thấy một mối liên hệ giữa truyền thống văn hóa với kinh tế, với việc người ta có thể kiếm được nhiều tiền.
Tuy nhiên, văn hóa rất phức tạp, có ảnh hưởng tích cực, nhưng cũng có cả những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khi những nhà quản lý xã hội, những nhà chính trị biết cách khai thác những giá trị của văn hóa thì lúc đó văn hóa sẽ tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển.
Ngược lại, nếu chúng ta không biết khai thác những giá trị của văn hóa, mà chúng ta chỉ sử dụng những giá trị tiêu cực, thụ động của văn hóa thì sẽ không phát triển được. Đấy là sự đa dạng, phức tạp, tính 2 mặt của văn hóa. Vừa có động lực, nhưng cũng có khi là lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Khi chúng ta ý thức được điều này thì mới làm tốt công việc của mình.
PV: Văn hóa là nguồn lực quan trọng nhất cấu thành sức mạnh mềm của một quốc gia. Dân tộc Việt Nam đã sớm biết sử dụng “sức mạnh mềm” của mình để bảo vệ đất nước, duy trì nền độc lập dân tộc như thế nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Nói đến phát triển văn hóa, chúng ta biết văn hóa chắc chắn là sức mạnh. Thế nên không phải ngẫu nhiên năm 1943 chúng ta có đề cương văn hóa Việt Nam. Đề cương văn hóa Việt Nam đưa ra 3 nguyên tắc phát triển văn hóa là: dân tộc, khoa học và đại chúng. Chúng ta gọi là những tiền đề của văn hóa cứu quốc, sau đó từ cứu quốc sang kiến quốc. Trên thực tế, văn hóa đã trở thành sức mạnh giúp chúng ta giành được thắng lợi.
Trong quá khứ, chúng ta nhiều lần đưa văn hóa biểu dương sức mạnh của dân tộc. Từ những “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ” hay rất nhiều những áng hùng văn khác trở thành sức mạnh đoàn kết dân tộc, tạo ra lòng yêu nước, để chúng ta thấy rằng chúng ta có những giá trị chung. Từ những giá trị chung cùng được chia sẻ đó tạo ra sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh chính trị.
Trong chiến tranh, nhiều người chỉ nghe bài thơ, thưởng thức âm nhạc, nghe những bản anh hùng ca… sẵn sàng ra trận để hi sinh cả tính mạng của mình vì quê hương, đất nước. Văn hóa truyền cảm hứng như vậy. Rõ ràng chúng ta đã thành công. Điều đó đến kẻ thù cũng phải thừa nhận, không hiểu hết sức mạnh văn hóa Việt Nam. Chính nhờ sức mạnh đó, chúng ta vượt qua được, san lấp được toàn bộ những khoảng cách về công nghệ, vũ khí, kinh tế... Chúng ta thấy vũ khí tinh thần mạnh mẽ như thế nào.
PV: Dấu mốc quan trọng trong đổi mới tư duy của Đảng về văn hóa là Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII năm 1998. Điều này được thể hiện như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Công cuộc đổi mới tại Việt Nam năm 1986 kéo theo một số hệ lụy sau đó, khi phát triển kinh tế trước còn văn hóa theo sau. Thực ra đây là câu chuyện hết sức bình thường. Tất nhiên, chúng ta cố gắng kết hợp cả hai, không đợi đến khi đủ ăn đủ mặc rồi mới nghĩ đến văn hóa. Văn hóa phải đồng hành với con người. Tuy nhiên, rõ ràng có vấn đề là, người ta phải thỏa mãn những nhu cầu cơ bản nhất trước, rồi sau đó mới nghĩ đến câu chuyện liên quan đến tinh thần.
Chúng ta chấp nhận chu trình như thế chứ không thể phê phán quá. Vấn đề quan trọng là chúng ta hội nhập quốc tế, nguy cơ bị xâm lăng văn hóa khiến cho mỗi quốc gia, cộng đồng, mỗi gia đình, cá nhân bị mất bản sắc. Có câu “văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa mất thì đất nước mất”. Chính vì thế, câu chuyện giữ gìn bản sắc không chỉ là câu chuyện mang tính hình thức mà nó là bản chất, mang tính căn cốt cho mỗi quốc gia để giữ gìn đất nước. Giữ gìn văn hóa là giữ gìn đất nước. Chủ quyền văn hóa là chủ quyền quốc gia.
Quá trình hội nhập khiến cho vấn đề xâm lăng văn hóa trở nên nghiêm trọng, chúng ta mới đề ra Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII năm 1998 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tức là chúng ta phải giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu hơn cho bản sắc văn hóa dân tộc.
PV: Tầm nhìn, tư duy của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người hiện nay như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Năm 2014 - 15 năm sau Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII, có rất nhiều tranh cãi liên quan đến chuyện chúng ta có cần phải ban hành một Nghị quyết mới về văn hóa hay không? Nếu ban hành Nghị quyết mới về văn hóa thì phải có điểm nhấn gì? Một số người lúc đó cho rằng không nên ban hành Nghị quyết mới về văn hóa. Vì từ năm 1943-1998 là 55 năm, mà văn hóa thì cần độ trễ về mặt thời gian. Văn hóa khác so với kinh tế, cần thời gian để kết tinh thành giá trị. Nhất là khi rất nhiều kế hoạch, chương trình hành động trong Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII chưa thực hiện xong.
Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng, cần phải ban hành Nghị quyết mới. Vì năm 1998, chúng ta chưa tưởng tượng hết sự phát triển của xã hội, của khoa học công nghệ. Cho đến năm 2013-2014, chúng ta thấy rằng, tác động của internet quá mạnh, thay đổi thế giới và thay đổi xã hội của chúng ta. Chính vì thế, chúng ta cần phải có một Nghị quyết về văn hóa ứng phó được sự phát triển của internet.
Thêm nữa là câu chuyện về con người. Con người sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của mặt trái của kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, chịu tác động của truyền thông đại chúng, đặc biệt là internet, có quá nhiều điểm nghẽn mà chúng ta không xác định được phát triển con người như thế nào, rèn luyện đạo đức con người ra sao?
Từ tác động lớn của internet đến con người Việt Nam, chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận để xử lý các vấn đề liên quan đến văn hóa, con người. Vì thế, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 - khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ra đời.
Văn hóa là môi trường tạo ra con người, và con người là chủ thể tạo ra văn hóa. Khi chúng ta xây dựng môi trường văn hóa tốt, thì chúng ta sẽ tạo ra một con người tốt.
PV: Phát triển công nghiệp văn hóa có ý nghĩa như thế nào trong việc tạo ra sức mạnh văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp mới nổi bao gồm các hoạt động sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa gắn với yếu tố sáng tạo. Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự sáng tạo của con người chính là tài nguyên lớn nhất, chứ không phải than đá, dầu lửa hay bất kỳ tài nguyên nào. Không những là tài nguyên lớn nhất mà sự sáng tạo còn là tài nguyên có thể tái tạo được, không bao giờ biến mất. Quy luật trên thế giới là quốc gia nào tận dụng tài nguyên sáng tạo của công dân nước mình, nước đó sẽ phát triển.
Để phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta phải biết được điểm yếu của ngành văn hóa, từ đó tìm cách khắc phục. Điểm yếu đó là tính tuyên truyền vẫn theo đuổi ngành văn hóa đến ngày hôm nay. Chúng ta suốt ngày hô hào khẩu hiệu, nhưng nhẽ ra những thông điệp tuyên truyền phải được lồng ghép khéo léo thông qua những bộ phim, những câu chuyện, bài hát… thì có giá trị hơn rất nhiều. Chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa từ việc tạo ra các tác phẩm mang câu chuyện của người Việt, cho người Việt, vì người Việt thì mới khơi dậy được sức mạnh Việt Nam trong mỗi người, trong cộng đồng, trong đất nước. Nó tạo ra bản lĩnh, tạo ra sức mạnh Việt Nam để chúng ta hội nhập với thế giới.
Một một tác phẩm văn học nghệ thuật có đặc trưng văn hóa: More local – more international (càng địa phương, càng quốc tế), tức là chúng ta càng kể câu chuyện của chúng ta thì lại càng hấp dẫn thế giới. Có thể lấy ví dụ từ điện ảnh Hàn Quốc, những bộ phim như “Ký sinh trùng”, “Squid Game” kể câu chuyện Hàn Quốc nhưng được cả thế giới đón nhận.
Chúng ta cần tập trung nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn trong việc phát triển sản phẩm văn hóa Việt Nam để tạo điều kiện cho những tư tưởng, những giá trị của chúng ta được thể hiện một cách mềm mại, linh hoạt qua các sản phẩm cụ thể. Đó là điểm nhấn của công nghiệp văn hóa.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Hà Phương/VOV.VN
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/giu-gin-ban-sac-van-hoa-la-giu-gin-dat-nuoc-a20498.html