Bình thường cứ đến tháng cuối năm là thời điểm công nhân (CN) "chạy nước rút" để có tiền trang trải chi phí cho dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Thế nhưng năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, công việc và thu nhập của người lao động (NLĐ) khá bấp bênh. Ngóng Tết, tâm tư của họ chủ yếu hướng tới khoản tiền thưởng và sự quan tâm chăm lo của tổ chức Công đoàn.
Canh cánh nỗi lo việc làm, thu nhập
Còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thay vì tâm trạng háo hức đón năm mới như trước đây, CN trong các doanh nghiệp (DN) ở TP Hà Nội lại nặng trĩu tâm tư, canh cánh nỗi lo về việc làm và thu nhập, chưa dám nghĩ đến việc Tết này sẽ sắm sửa thế nào.
Chị Nguyễn Thị Thuần, CN Công ty TNHH Canon Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long, huyện Đông An), mắc bệnh suy thận đến nay đã 11 năm. "Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau, Tết năm nào tiền lương, thưởng cũng chủ yếu lo chi phí thuốc men điều trị bệnh, còn về sinh hoạt thì có thế nào ăn thế ấy. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tôi cũng chỉ mong Tết được bình yên, lương thưởng được công ty bảo đảm như năm trước" - chị Thuần nói. Chị Ngô Thị Tuyền, CN Công ty TNHH SD Việt Nam (KCN Thăng Long, huyện Đông Anh), cho biết từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội đến nay, công việc của chị và các đồng nghiệp vẫn chưa được ổn định, thu nhập bị giảm sút, cuộc sống khó khăn nên vẫn chưa dám nghĩ đến các khoản chi tiêu Tết. "Mọi năm cứ đến tầm này, CN chúng tôi lại tích cực tăng ca, làm thêm cuối tuần, chạy đua với thời gian để cải thiện thu nhập, có thêm đồng ra đồng vào tiêu Tết. Thế nhưng năm nay, hiện giờ vẫn chưa thấy công ty thông báo tăng ca nên chẳng có thêm nguồn thu nhập nào. Hy vọng năm nay vẫn được bảo đảm lương, thưởng như năm ngoái" - chị Tuyền bộc bạch.
Chung tâm trạng ngóng Tết trong âu lo, nhiều CN chia sẻ năm vừa qua lương tối thiểu không tăng, thu nhập giảm nên họ rất kỳ vọng vào khoản thưởng Tết. Theo chị Nguyễn Thị Nga, CN KCN Nội Bài (huyện Sóc Sơn), những năm trước khi không có dịch bệnh, công việc đều nên dịp Tết, chị được thưởng gần 2 tháng lương. Số tiền thưởng này dư dả cho chị mua sắm, lo việc gia đình. Còn năm nay, chị Nga kỳ vọng: "Lương đã giảm đến gần 50%/tháng chưa hồi lại được, điều mong chờ của tôi hiện nay là cuối năm có một chút tiền thưởng để gọi là khích lệ tinh thần chứ không mong được nhiều".
Chị Nguyễn Thị Thuần, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, chỉ mong lương - thưởng Tết được bảo đảm như năm trước
Bù đắp cho người lao động
Không chỉ NLĐ âu lo mà thưởng Tết cũng đang là nỗi lo của người sử dụng lao động. Bởi năm vừa qua, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Tuy nhiên, dù đối diện nhiều khó khăn nhưng hầu hết các DN đều cố gắng xoay xở, phối hợp với tổ chức Công đoàn để chăm lo Tết cho NLĐ với khả năng tốt nhất có thể. "Khi thành phố áp dụng giãn cách, chúng tôi thực hiện phương án "3 tại chỗ" chi phí rất tốn kém nhưng mục tiêu của ban giám đốc là ổn định việc làm, thu nhập của NLĐ. Năm nay, chúng tôi cố gắng thưởng Tết cho mỗi NLĐ là tháng lương thứ 13 kèm một phần quà Tết" - ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH May Hoàng Sơn (quận Hoàng Mai), thông tin.
Qua khảo sát của chúng tôi, hiện nay, một số DN đã bắt đầu xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho NLĐ, trong đó đặc biệt chú trọng các khoản lương, thưởng, song chưa có mức và các con số cụ thể. Theo đó, tùy vào tình hình sản xuất - kinh doanh, làm ăn có lãi của DN nên mỗi vị trí sẽ có mức thưởng khác nhau. Bà Vũ Thị Hạnh, Trưởng Phòng Hành chính nhân sự Công ty CP Đầu tư công nghiệp Thuận Phát (quận Đống Đa), cho biết hoạt động kinh doanh vẫn ổn định nên dự kiến mức thưởng cho NLĐ sẽ bằng năm ngoái hoặc nhỉnh hơn một chút. "Năm ngoái, công ty thưởng Tết căn cứ vào vị trí và thành tích mà NLĐ đạt được trong năm, thấp nhất từ 5 triệu đồng/người. Ngoài thưởng Tết, lãnh đạo còn có khoản thưởng theo lợi nhuận nên hầu như NLĐ đều hài lòng" - bà Hạnh nói. 2021 cũng là năm khó khăn đối với Công ty CP Sản phẩm Sinh thái (quận Đống Đa) nhưng ban giám đốc luôn quan tâm đến NLĐ, nên năm nay DN này vẫn có kế hoạch thưởng tháng lương thứ 13 như năm ngoái. Mức thưởng Tết năm trước cho CN tầm 7-10 triệu đồng/người. Ngoài ra, mỗi CN còn có một phần quà Tết mang về sum họp gia đình. Không chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do đơn hàng vẫn dồi dào, nên Công ty TNHH May Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cố gắng duy trì thưởng Tết cho NLĐ. "Tuy chưa xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cụ thể nhưng chắc chắn chúng tôi vẫn sẽ có sự chăm lo Tết chu đáo cho NLĐ, cố gắng giữ mức thưởng bằng hoặc cao hơn mọi năm để động viên NLĐ tiếp tục gắn bó với DN" - bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn công ty - khẳng định.
Có giải pháp hỗ trợ kịp thời
Ông Ngô Minh Hoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của nhiều DN và đời sống việc làm của NLĐ ngành giao thông vận tải. Do đó, Công đoàn ngành đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với chủ DN quan tâm chăm lo chu đáo lương, thưởng Tết cho NLĐ để bù đắp cho những khó khăn, vất vả của NLĐ. Đối với những đơn vị khó khăn, không bảo đảm được lương, thưởng Tết cho NLĐ thì Công đoàn cơ sở phải báo cáo về Công đoàn ngành để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, Công đoàn ngành và các Công đoàn cơ sở sẽ chú trọng quan tâm hơn tới các đối tượng khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mục tiêu bảo đảm mọi đoàn viên - lao động đều có Tết đủ đầy.
Bài và ảnh: DIỆP THẢO
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/vuot-kho-lo-tet-cho-cong-nhan-a20662.html