Tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của bạn đọc về việc sản phẩm TPBVSK OMIRON CALCIUM và EVI MAXPRO có hành vi vi phạm luật quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng mua sản phẩm sử dụng, nhưng khi xảy ra rủi ro thì đã phó mặc trách nhiệm, đánh bài “chuồn”.
Cụ thể, vì muốn cải thiện chiều cao cho con gái mà anh N.V.H (tên nhân vật đã thay đổi) đã lên mạng internet tham khảo thông tin. Sau khi tìm hiểu, anh H vô tình được nhân viên Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ ISAMDO Việt Nam gọi điện thoại tư vấn, giới thiệu sản phẩm tăng chiều cao dành cho trẻ nhỏ. Sau khi khai thác được thông tin chiều cao, cân nặng của con gái anh H, nhân viên này đã tư vấn anh mua 1 liệu trình sản phẩm tên OMIRON CALCIUM gồm 4 hộp sử dụng. Đồng thời cam kết sau khi kết thúc liệu trình con gái anh sẽ tăng từ 5cm – 10cm trở lên.
Tin vào lời tư vấn có cánh, anh H đặt ngay 1 liệu trình cho con sử dụng với hi vọng con sẽ phát triển toàn diện và có chiều cao như gia đình mong muốn. Theo hướng dẫn của người bán, mỗi ngày anh H cho con uống 1 viên sau ăn sáng, quá trình sử dụng, quay lại video chiều cao của con để sau khi kết thúc liệu trình có sự so sánh. Ngoài ra, người này còn muốn anh H “lan tỏa” sản phẩm này tới nhiều bạn bè biết đến.
Tuy nhiên, anh H cho biết: “Dùng hết hộp thứ 3, tôi thấy bé không phát triển chiều cao mà chỉ béo, bụ lên. Liên lạc với người bán thì họ cam kết sẽ có trách nhiệm hỗ trợ nhưng rồi không thấy gì...”.
Bẵng đi một vài ngày, anh H lại nhận được tin nhắn từ người bán thông báo chương trình khuyến mãi lớn của công ty dành cho bé dùng sản phẩm nhưng không cải thiện được chiều cao. Sản phẩm mới có tên EVI MAXPRO, là dòng nhập khẩu từ Mỹ với giá 1 triệu/2 hộp và tiếp tục cam kết khi kết thúc liệu trình này bé không có sự cải thiện chiều cao thì công ty sẽ hoàn tiền lại cho anh H. Thêm một lần nữa tin tưởng, anh H lại bị “sập bẫy” bởi những lời mật ngọt đặt thêm liệu trình mới.
“Chỉ ít ngày sau khi sử dụng sản phẩm khác, mặt bé lên rất nhiều mụn, nổi theo từng mảng đỏ... tôi liên lạc với nhân viên thì người này đổ lỗi do bé đến tuổi dậy thì”, anh H bức xúc.
Lo lắng trước thực trạng của con, anh H tiếp tục liên lạc để tìm hướng giải quyết nhưng phía người bán lấy đủ lý do vòng vo, về sau thì “biệt vô âm tín”. Lúc này, anh H mới tá hỏa bản thân đã bị lừa, do đó, anh lên tiếng cảnh báo để mọi người không nên tin dùng sản phẩm trên.
Theo tìm hiểu của PV, 2 sản phẩm nêu trên hiện đang được phủ sóng quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội với rất nhiều công dụng như: hỗ trợ tăng chiều cao, hỗ trợ chắc khỏe xương và răng... kèm theo đó là hình ảnh chưa được kiểm chứng giới thiệu khách hàng trước và sau khi sử dụng sản phẩm đạt hiệu quả.
Được biết, sản phẩm OMIRON CALCIUM hiện được sản xuất tại Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương VIHECO (địa chỉ Khu công nghiệp Quang Minh mở rộng, thị trấn Chỉ Đông, huyện Mê Linh).
Từ sự việc nêu trên của anh H, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác với chất lượng của 02 sản phẩm nêu trên, tránh bị những lời quảng cáo có cánh “mua chuộc” cảm xúc, từ đó dẫn đến tin tưởng va tin dùng sản phẩm mà chưa có sự kiểm chứng.
Chia sẻ với báo chí, PGS. TS Huỳnh Thoại Loan, nguyên trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), khẳng định cho đến nay không có một loại thuốc hay sản phẩm nào có thể giúp trẻ bình thường tăng chiều cao lên được. Chiều cao của trẻ phụ thuộc vào gen di truyền, chế độ dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ.
PGS Huỳnh Thoại Loan cho rằng muốn đầu tư chiều cao cho trẻ cần phải đầu tư ngay từ lúc bà mẹ mang thai. Có hai giai đoạn "đại nhảy vọt" phát triển chiều cao của một người là giai đoạn 3 tháng cuối trong thai kỳ và giai đoạn tiền dậy thì. Do vậy, cần phải cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ cho bà mẹ và trẻ trong giai đoạn này.
Trước thực trạng trên, PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết việc lừa dối quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Có nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, "mượn" danh bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín để cố tình lừa dối người tiêu dùng...
Các thông tin quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là Facebook hiện nay rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với cơ quan chức năng và cả Facebook để phối hợp giải quyết tình trạng này.
NPV
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/tien-mat-tat-mang-vi-tin-dung-san-pham-tang-chieu-cao-omiron-calcium-va-evi-maxpro-a20785.html