Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Cục Xúc tiến thương mại đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tham gia hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Chiều 14/12, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 – 2030” (gọi tắt là Đề án 1968) và định hướng, tham gia xây dựng và vận hành Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Chia sẻ về Đề án 1968, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, đề án xây dựng với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng, hình thành Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm.
 
100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.
 
 

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội nghị.

Đồng thời, 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số...
 
Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thiện, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. 75% các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp được cấp tài khoản thường xuyên hoạt động, tìm kiếm, cung cấp, chia sẻ thông tin trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. 50% các dịch vụ kết nối thị trường của doanh nghiệp được thực hiện trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hỗ trợ 1.000.000 lượt doanh nghiệp.
 
100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công nghệ, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin. 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 500.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số...
 
Giới thiệu về hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số là kết cấu hạ tầng mềm, do Chính phủ đầu tư, phát triển.
 
Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số do Chính phủ đầu tư và phát triển.
 
"Hệ sinh thái này gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như hội chợ, triển lãm số; kết nối giao thương thông minh; cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại; tư vấn - huấn luyện trực tuyến; thông tin khuyến mại; định danh điện tử... Theo đó, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại", bà Thúy thông tin.
 
Cũng theo bà Thúy, các thành viên của Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (làm trung tâm); các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, phát triển bền vững, thương mại, xuất-nhập khẩu, xúc tiến thương mại; các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; hiệp hội ngành hàng; các đơn vị cung cấp dịch vụ có liên quan.
 
Trong khi đó, các dịch vụ xúc tiến thương mại gồm những chức năng hỗ trợ tương tác giữa các thành viên, đặc biệt là doanh nghiệp để khai thác và phát triển các thị trường trong nước và quốc tế.
 
Theo ông Vũ Bá Phú, là đơn vị được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai Đề án 1968, Cục Xúc tiến thương mại đang từng bước phối hợp với các đối tác và các nhà tư vấn xây dựng hướng dẫn cho các tổ chức, đơn vị triển khai Đề án hiệu quả.
 
Để triển khai hiệu quả Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số, Cục Xúc tiến thương mại đề xuất các bộ, ngành và địa phương cùng tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Đề án theo từng năm và theo giai đoạn của Đề án. Các hoạt động trong khuôn khổ Đề án cần triển khai đồng bộ trên cả nước để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư.
 
Đặc biệt, các địa phương cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tham gia; khuyến thích, hỗ trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan trên địa bàn tham gia Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
 
Trong khi đó, với các doanh nghiệp, ông Phú kiến nghị cần chủ động lên kế hoạch, chuẩn bị nguồn nhân lực để tham gia Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số hiệu quả. Với các công ty CNTT và chuyển đổi số cần hưởng ứng và tham gia tích cực, có trách nhiệm, đóng góp cùng xây dựng hệ sinh thái này từng bước vận hành hiệu quả”.

Thu An

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/can-co-che-ho-tro-doanh-nghiep-tham-gia-he-sinh-thai-xuc-tien-thuong-mai-so-a20797.html