Tỉnh Bình Dương: Sao không thi hành những bản án đã có hiệu lực pháp luật?

Sau khi TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên án phúc thẩm và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng, các cơ quan của tỉnh Bình Dương lại không thực hiện theo bản án mà cứ “dây dưa” từ năm 2019…

Tỉnh Bình Dương: Sao không thi hành những bản án đã có hiệu lực pháp luật?

Ra quyết định cưỡng chế và cưỡng chế khi Tòa án đang chờ xét xử phúc thẩm. Thế nhưng, cưỡng chế xong lại không thi công công trình để hiện trường ngổn ngang.

Nội dung vụ khiếu kiện

Thời gian qua, ông Trần Văn Hai, sinh năm 1958, ngụ phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, liên tục có đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng và báo chí phản ánh việc chính quyền tỉnh Bình Dương và thị xã (TX) Tân Uyên không thi hành những bản án có hiệu lực từ năm 2019.

Theo ông Hai, quá trình khiếu nại, khởi kiện của ông kéo dài từ ngày 19/12/2014, đến ngày 9/7/2019, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã ban hành Bản án số 427/HCPT-2019 tuyên hủy các quyết định (QĐ) thu hồi đất, bồi thường; Công văn 3131, các QĐ giải quyết khiếu nại lần một của UBND TX Tân Uyên và lần hai của UBND tỉnh Bình Dương. Qua đó, giao cho UBND TX Tân Uyên giải quyết lại việc thu hồi đất bồi thường cho ông.

Cũng trong thời gian này, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử phúc thẩm thêm bốn vụ án tương tự của các người con ông Hai và ông là người đại diện tham gia trực tiếp tại các phiên tòa. Theo các bản án, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cũng đã tuyên hủy các QĐ bồi thường hỗ trợ và tái định cư, giao UBND TX Tân Uyên thực hiện lại QĐ bồi thường cho các con của ông Hai theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường.

Ông Hai bức xúc chia sẻ: “Có thể thấy, UBND TX Tân Uyên đã không tuân thủ các bản án đã có hiệu lực cần phải thi hành ngay và lấy lý do rằng đang kháng nghị chờ giám đốc thẩm. Phải chăng UBND TX Tân Uyên cho rằng các bản án của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh là không có giá trị và không cần phải thi hành ngay theo quy định của pháp luật? Trong khi trước đó, tôi được biết, TAND tỉnh Bình Dương đã mời nhiều lần lên đối thoại, hòa giải nhưng UBND TX Tân Uyên không bao giờ đến dự. Kể cả khi diễn ra các phiên tòa từ sơ thẩm đến phúc thẩm, UBND TX Tân Uyên cũng không đến tham dự (!?). Thử hỏi, nếu chính quyền đã không chấp hành quy định của pháp luật, người dân chúng tôi cảm thấy vô cùng bức xúc là lẽ đương nhiên”.

Chờ mãi không thấy UBND TX Tân Uyên thi hành các bản án đã có hiệu lực, bỗng ngày 16/6/2021, ông Hai nhận được QĐ Kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm số 427/HCPT/2019 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên của Chánh án TAND Tối cao. Ngay sau đó, ngày 18/6/2021, ông Hai có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan Trung ương có liên quan và Viện KSND Tối cao có phiếu chuyển đơn cho Chánh án TAND Tối cao ngày 12/7/2021.

Đến ngày 1/11/2021, ông Hai nhận được QĐ giám đốc thẩm số 34/2021/HC-GĐT ngày 14/9/2021 về việc khiếu kiện QĐ hành chính trong lĩnh vực đất đai, nội dung: Chấp nhận QĐ kháng nghị số 25/2021/KN-HC ngày 7/6/2021 của Chánh án TAND Tối cao đối với Bản án hành chính phúc thẩm số 427/2019/HC-PT ngày 9/7/2019 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (tuyên hủy bản án 427/HC-PT/2019 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh).

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia pháp lý cho rằng, QĐ này chưa đúng với Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi bổ sung năm 2019). “Cụ thể, tại Điều 267 Bộ luật Tố tụng hành chính thì Tòa án cần triệu tập đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Trường hợp họ vắng mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử”, vị chuyên gia này nói.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Điều 270 Bộ luật Tố tụng hành chính quy định: Đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác được Tòa án triệu tập đến phiên tòa giám đốc thẩm trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng xét xử giám đốc thẩm yêu cầu. Trường hợp họ vắng mặt nhưng có văn bản trình bày ý kiến thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm công bố ý kiến của họ. Nếu, Hội đồng thẩm phán, Tòa án Tối cao đã không thông báo, không mời đương sự để họ tham dự, trình bày trước Hội đồng xét xử, mà chỉ xem xét một chiều theo ý kiến bị đơn là có dấu hiệu thiếu khách quan”.

Cần thi hành án đúng luật

Theo ông Hai, ngày 20/7/2018, TAND tỉnh Bình Dương tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Hai thì ông đã kháng cáo toàn bộ bản án và ngày 27/7/2018, TAND tỉnh Bình Dương có thông báo số 19/2018/TB-TA cho biết án sơ thẩm chưa có hiệu lực.

Thế nhưng, đến ngày 15/8/2018, UBND TX Tân Uyên vẫn ký Quyết định số 4453/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất. Ông Hai làm đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết nên khởi kiện quyết định cưỡng chế cũng như yêu cầu có biện pháp ngăn chặn khẩn cấp việc cưỡng chế này. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Dương không có động thái và UBND TX Tân Uyên tổ chức thực hiện xong việc cưỡng chế. Điều khó hiểu hơn nữa là cho đến nay, sau khi cưỡng chế nhưng chính quyền vẫn không thi công nốt phần đường dang dở mà để lộn xộn, gây mất an toàn giao thông khiến nhiều người bức xúc.

Sau đó, ngày 9/7/2019, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của ông Hai bằng Bản án số 427/HC-PT (Bản án này hiện cũng đang được đăng trên Trang thông tin điện tử TAND Tối cao và đã có trên 1.000 lượt bình chọn làm nguồn án lệ).

Qua nghiên cứu hồ sơ, thì trình tự, thủ tục thu hồi đất mà UBND huyện Tân Uyên ký quyết định thu hồi từ năm 2012 (áp dụng Luật Đất đai năm 2003) nhưng lại không bàn giao, không thực hiện bồi thường cho người dân. Việc áp giá đền bù chỉ có 168.000 đồng/m2 mà không có chữ ký của người dân và chủ đầu tư. Mãi đến hơn hai năm sau (ngày 18/12/2014), Trung tâm Phát triển quỹ đất TX Tân Uyên mới mời người dân lên để nhận tiền bồi thường thì phải áp dụng Luật Đất đai năm 2013. Về việc này, UBND TX Tân Uyên đã ghi nhận sai sót tại các văn bản khi làm việc với Thanh tra tỉnh Bình Dương (Cụ thể, tại biên bản làm việc ngày 09/03/2017 tại Thanh tra tỉnh Bình Dương). Câu hỏi đặt ra, vậy tại sao chính quyền không sửa sai và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà lại để người dân phải mang đơn đi thưa kiện suốt bao nhiêu ngày tháng qua?

Trong khi đó, giá đất tại thời điểm năm 2012 đã là trên dưới 5 triệu đồng/m2, vậy mà chỉ áp giá đền bù cho ông Hai và những người con của ông theo đơn giá 168 ngàn đồng/m2 là rất khó hiểu. Năm 2017, ông Trần Văn Hai đã yêu cầu một cơ quan thẩm định độc lập, giám định giá đất theo giá Nhà nước đã có giá 6 triệu đồng/1m2. Hiện nay, giá đất theo thị trường hẳn là phải cao hơn 15 triệu đồng/1m2.

Tuy nhiên, việc giám đốc thẩm chỉ là riêng đối với Bản án 427 của ông Trần Văn Hai. 4 bản án của các người con ông Hai mà ông là người đại diện, gồm: Bản án số 235/HC-PT của Trần Hà Nam, ngày 26/6/2020 của Tòa Cấp cao, Bản án số 236/HC-PT của Trần Hà Hải đã có Quyết định buộc thi hành án của TAND tỉnh Bình Dương ngày 30/3/2021 nhưng chưa được thi hành; Bản án số 248/HC-PT ngày 30/6/2020 của Trần Hà Giang, có Quyết định buộc thi hành án ký ngày 30/3/2021 vẫn chưa được thi hành.

Trao đổi với phóng viên, ông Hai bức xúc: “Bản án số 736/HC-PT ngày 11/12/2020 của Trần Hà Khánh thì tôi đã hai lần đến TAND Cấp cao yêu cầu giao bản án và làm đơn khiếu nại nhưng đến nay vẫn chưa được nhận bản án. Ngoài ra còn Bản án số: 580/HC-PT ngày 24/9/2020 của Nguyễn Văn Lượm cũng được TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên xử tương tự nhưng đến nay UBND TX Tân Uyên vẫn không chịu thi hành án. Mặc dù tất cả các bản án điều ghi có hiệu lực thi hành ngay. Có thể thấy, một cơ quan được Nhà nước giao thẩm quyền thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình nhưng khi có phán quyết của của Tòa án lại không thi hành, không tuân thủ pháp luật. Vậy còn niềm tin nào cho người dân thấp cổ bé họng như chúng tôi trong trường hợp này, khi công lý không được cơ quan Nhà nước như UBND TX Tân Uyên thi hành (?)”.

Tỉnh Bình Dương: Sao không thi hành những bản án đã có hiệu lực pháp luật?
Tỉnh Bình Dương: Sao không thi hành những bản án đã có hiệu lực pháp luật?
Tỉnh Bình Dương: Sao không thi hành những bản án đã có hiệu lực pháp luật?

Các quyết định buộc TX. Tân Uyên phải thi hành án là phải ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lại đối với các ông, bà Nguyễn Văn Lượm, Trần Hà Hải, Trần Hà Giang… Nhưng đến nay UBND TX. Tân Uyên vẫn chây ỳ không chịu thi hành án.

Nhóm PVĐT

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/tinh-binh-duong-sao-khong-thi-hanh-nhung-ban-an-da-co-hieu-luc-phap-luat-a20817.html