Trong báo cáo mới công bố, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết nhiều khả năng một số ngân hàng thương mại chưa được nới room trong đợt cấp mới vào đầu tháng 11 sẽ được NHNN cấp bổ sung room tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm 2021.
Số liệu do đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, tính đến ngày 3/12, dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế là gần 10,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,89% so với cuối năm 2020, cao hơn so với mức tăng 8,47% của cùng kỳ năm trước. SII Research dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 có thể đạt 13%.
Đồng quan điểm, trong báo cáo phân tích ngành ngân hàng mới đây, chứng khoán VCBS cho biết NHNN đã thực hiện nới room tăng trưởng tín dụng 2 lần vào quý 3 và quý 4. Do room tín dụng cấp đầu năm ở mức tương đối thấp, nhiều ngân hàng đã thực hiện xin cấp bổ sung và được NHNN nới room 2 lần trong năm 2021.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng hiện chưa được nới room ở đợt cấp mới quý 4/2021 do NHNN vẫn đang tiếp tục xem xét. Vì vậy, VCBS kỳ vọng các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung room tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm 2021.
Tại đợt nới room gần đây nhất, TPBank và Techcombank là 2 ngân hàng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất lần lượt 23,4% và 22,1%. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng được nới mạnh room, trong đó MSB được giao hạn mức 22%, MB 21%, LienVietPostBank 18,1%, VPBank 17,1%, OCB 15%, Vietcombank 15%,…
Theo VCBS, các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ xã hội trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn (thông qua miễn giảm lãi suất và phí). VCBS cho rằng các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.
Nhóm ngân hàng tư nhân có nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào, cách tiếp cận thị trường năng động, nắm nhiều data và tuân thủ theo các chuẩn quản trị rủi ro quốc tế được cấp room tín dụng cao hơn và có tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt trội so với mức trung bình toàn hệ thống.
Trước đó, Phát biểu tại tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra vào đầu tháng 12, ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12% và có thể điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tế. Đến cuối tháng 11, dư nợ tăng trên 10%, phù hợp với mục tiêu 12% đề ra. Đồng thời, NHNN cũng sẵn sàng phát đi tín hiệu có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12/2021.
"Điều hành của NHNN nhằm đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp’’, Phó Thống đốc chia sẻ.
Thực tế, việc được nới ''room'' tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng đối với các ngân hàng. Bởi, thu nhập từ hoạt động cho vay vẫn là nguồn thu chính của ngành ngân hàng với tỷ trong đóng góp dao động trong khoảng 70 - 80% tổng nhập hoạt động nhiều nhà băng.
Mặt khác, việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay, hỗ trợ dòng tiền cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.