Những ngày cuối năm, người tiêu dùng TP HCM đến các trung tâm thương mại GO!, Big C và Tops Market khá ngạc nhiên khi nhìn thấy quầy Chuk Chuk bày bán các loại nước trái cây tươi, bánh tươi và những combo dinh dưỡng... Sự xuất hiện của chuỗi thực phẩm nước giải khát (F&B) này là một nội dung trong hợp đồng chiến lược mà Công ty CP Tập đoàn Kido (Kido Group) đã ký với Tập đoàn Central Retail Việt Nam từ giữa tháng 12.
Tầm nhìn, chiến lược quyết định thắng lợi
Cụ thể, theo hợp đồng, từ tháng 12-2021 đến trước Tết Nguyên đán 2022, Kido sẽ khai trương hơn 10 cửa hàng Chuk Chuk trong hệ thống của Central Retail Việt Nam. Trong giai đoạn tiếp theo, hai bên sẽ đưa chuỗi Chuk Chuk cũng như các sản phẩm thiết yếu của Kido sang thị trường Thái Lan và các nước trong khu vực. "Kido sẽ mở 300-400 cửa hàng Chuk Chuk trong 39 trung tâm thương mại GO! Mall trên toàn quốc với mục tiêu doanh thu 500 tỉ đồng năm 2022 và mở rộng sang Thái Lan, các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc… Giai đoạn 2023-2026, sẽ mở rộng 1.000 cửa hàng" - ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, cho biết.
Trước đó, tập đoàn này cũng đã hợp tác với Tập đoàn Sơn Kim để đưa chuỗi Chuk Chuk vào hệ thống cửa hàng GS 25. Ngoài ra, Kido Group còn hợp tác với Tập đoàn FPT hoàn thiện hệ thống thông tin quản trị (MIS), Big Data và ứng dụng chuyển đổi số nhằm chuẩn hóa quy trình quản lý, phát triển Chuk Chuk trên toàn quốc và tiến ra nước ngoài.
Kido đang có kế hoạch đẩy nhanh tốc độ mở chuỗi cửa hàng Chuk Chuk trong những ngày cuối năm 2021 và năm 2022. Ảnh: THANH NHÂN
Tuy vậy, những hoạt động bề nổi trên chỉ là một phần trong chiến lược thích ứng của Kido Group trong năm 2021. Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó tổng giám đốc tập đoàn, cho biết đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN), Kido Group cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, khi đại dịch mới xảy ra năm 2020, nhà quản trị đã lường trước đại dịch sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh nên đã có bước chuẩn bị và xây dựng chiến lược thích ứng. "Ở những giai đoạn cao trào dịch, chúng tôi vẫn có những giải pháp hóa giải để vượt qua. Cụ thể, khi dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi gần như 100% nguyên liệu của Kido phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng chúng tôi đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp có uy tín, tìm được phương tiện vận chuyển để luôn có đầy đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất" - bà Liễu cho biết nhờ có sự nhanh nhạy đó mà trong suốt thời gian giãn cách xã hội, tất cả nhà máy thuộc Kido Group không bị gián đoạn, hàng hóa liên tục xuất xưởng ra thị trường. Bên cạnh đó, với 120.000 điểm bán của ngành lạnh và 450.000 điểm bán ngành khô của tập đoàn này đã dự trữ hàng hóa tại các kênh và các nhà phân phối, bảo đảm đủ hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng.
Tương tự Kido Group, không ít DN thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề tại TP HCM, đặc biệt là trong 4 nhóm ngành chủ lực đã ứng phó linh hoạt với mọi khó khăn khách quan lẫn chủ quan, về đích thắng lợi trong năm 2021. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Công ty TNHH CNS Amura Precision (liên doanh giữa Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV và đối tác Singapore) kể chính những khó khăn do tác động của Covid-19, như thiếu hụt lao động, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro giảm số lượng đơn hàng lớn từ các thị trường chủ lực như châu Âu, Nhật Bản, Ý, Mỹ… càng tạo động lực cho công ty đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm và cải tiến sản phẩm. Ông Trần Thanh Lãm, giám đốc công ty, nhìn nhận đại dịch Covid-19 tuy có nhiều thách thức nhưng cũng mở ra không ít cơ hội cho các DN. "Những dòng sản phẩm đồ chơi cho người già, loại đồ chơi tự động tại các nước châu Âu bán rất chạy, đơn hàng gia công thiết bị cho những sản phẩm này tăng đáng kể. Các mặt hàng gia công cho DN Nhật cũng vậy. Một số khách hàng tiềm năng đến tham quan nhà xưởng, điều kiện sản xuất của chúng tôi đều rất hài lòng, khả năng sẽ tiến tới đặt hàng trong tương lai gần" - ông Lãm cho hay và không giấu niềm tự hào khi công ty đã được công nhận là nhà cung cấp bậc 1 cho Tập đoàn Samsung Việt Nam. "Công ty hoạt động hiệu quả, doanh số mục tiêu đặt ra đầu năm là 186 tỉ đồng/năm nhưng hết tháng 11 đã đạt trên 200 tỉ đồng, vượt kế hoạch 15%" - ông Lãm nói.
Phúc Sinh Group (xuất khẩu nông sản và vận hành trang thương mại điện tử Kphucsinh kinh doanh bách hóa) cũng có một năm kinh doanh thành công, lợi nhuận gấp 3 năm 2020 nhờ chiến lược thích ứng linh hoạt trong một năm đầy khó khăn. Trong thời gian TP HCM thực hiện giãn cách, Phúc Sinh Group và nhãn hàng Kcoffee (thuộc Phúc Sinh Group) đã thực hiện chương trình hỗ trợ 2.000 phần quà gồm (gạo, thịt, sữa, rau xanh, gia vị…) cho những trường hợp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Đặc biệt, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, cho hay công ty vừa khôi phục chương trình cho nhân viên lâu năm và ưu tú vay tiền mua nhà sau 3 năm gián đoạn vì kết quả kinh doanh không tốt. Theo đó, năm nay có 2 nhân viên được vay, mỗi người 1 tỉ đồng để mua nhà không lãi suất trong 10 năm.
Phát huy thế mạnh, linh hoạt ứng phó
Nói về triển vọng kinh doanh trong năm tới, ông Trần Thanh Lãm cho hay với thế mạnh đội ngũ kỹ sư thiết kế, CNS Amura Precision sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, ứng dụng các tiến bộ khoa công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho công ty.
Kido Group tự nhận đã hoàn thành tốt trách nhiệm đưa hàng hóa đến người tiêu dùng. Trong thời gian đội ngũ bán hàng tích cực ở ngoài thương trường thì bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng tập trung nghiên cứu để khi dịch kết thúc, tập đoàn sẽ tung ra những sản phẩm mới. "Đó là tất cả sự cố gắng của HĐQT, ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn Kido. Chúng tôi bảo đảm dòng chảy hàng hóa và đặc biệt là không bị "kẹt tiền". Hàng hóa chảy tới đâu thì tiền chảy tới đó nên chúng tôi tin tưởng sẽ hoàn thành được kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch tài chính, làm thỏa lòng cán bộ - công nhân viên" - bà Liễu nhấn mạnh và kỳ vọng với sự chuẩn bị trong năm 2021 sẽ tạo đà cho những bước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn của Kido Group trong giai đoạn tới, sớm trở thành tập đoàn thực phẩm hàng đầu trong nước và khu vực.
Với Phúc Sinh Group, năm 2022 dự báo sẽ nhiều thách thức khi chủng mới của đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở các thị trường chính của công ty. Ông Phan Minh Thông chia sẻ: "Chúng tôi sẽ phải linh hoạt. Dịch bệnh kéo dài và chưa kết thúc nên năm 2022, tình hình kinh doanh sẽ còn khó khăn, nhiều công ty phá sản trên thế giới. Ở mảng kinh doanh nội địa dự báo cũng khó khăn do áp lực lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên chúng tôi phải kiên nhẫn và linh hoạt để thích ứng. Năm 2022, Phúc Sinh Group có kế hoạch xây thêm nhà máy sản xuất cà phê cung cấp cho thị trường nội địa và tham gia chế biến sâu hơn nữa trong ngành gia vị". Doanh nhân này mong muốn được ngân hàng tiếp tục cho vay kinh doanh chuyển khẩu và việc thanh toán dễ dàng hơn nhằm giúp DN mua hàng từ nước này bán cho nước kia, thậm chí mua lại các lô hàng từ Việt Nam của đối tác rồi bán cho các khách hàng của mình ở châu Âu và Mỹ cũng được chấp nhận dễ dàng.
Phát biểu chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam vừa qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao bản lĩnh kiên cường, nỗ lực, vượt qua khó khăn của cộng đồng DN thành phố cũng như tấm lòng của DN dành cho thành phố trong thời gian dịch bệnh vô cùng khó khăn. Cộng đồng DN thành phố đã ủng hộ, đóng góp hàng ngàn tỉ đồng cho Quỹ Covid-19, Quỹ vắc-xin, trang thiết bị vật tư y tế...
Và vượt qua nhiều khó khăn, ngày 20-12 vừa qua, 96 DN của thành phố đã được tôn vinh tại lễ công bố danh hiệu "Sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu TP HCM năm 2021" do Hiệp hội DN TP HCM tổ chức, với 123 sản phẩm, dịch vụ thuộc các ngành hàng chủ lực của thành phố được xướng tên.
Thanh Nhân - Ngọc Ánh
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/doanh-nghiep-tp-hcm-tu-tin-vuot-bao-a20996.html