Vừa nhận tiền cọc 500 triệu đồng cho lô đất rộng 130m2 gần khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), nhưng anh Lê Thế Thắng (Gia Lâm, Hà Nội) đang cân nhắc trả lại và chấp nhận bị phạt 100 triệu đồng.
Bất động sản sẽ tiếp đà tăng giá?
Anh Thắng cho biết, lô đất này được anh mua từ cuối tháng 9/2021 có giá 1,2 tỷ đồng, sau nhiều đợt “sốt”, đến nay giá đã tăng lên hơn 3,1 tỷ. Lợi nhuận x3, nhiều bạn bè khuyên bán để chốt lời, cộng thêm việc cầm trên tay “cục than hồng” cũng lo, nên anh quyết định “sang tay”, đối tác xuống tiền cọc luôn.
“Tuy nhiên, sau khi nghe ngóng thị trường, nhiều khả năng giá đất sẽ tiếp đà tăng ít nhất 10-20% nên tôi đang tính toán trả lại cọc, chịu mất 100 triệu đồng vì “bẻ kèo”. Bởi, với mảnh đất giá hơn 3 tỷ, chỉ cần tăng 10%, mình có thêm 300 triệu, nếu không cùng lắm mình lãi ít hơn”, anh Thắng phân tích.
Giá bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2022. (Ảnh LM) |
Theo nhiều chuyên gia, việc nhiều nhà đầu tư dù rất lo lắng nhưng vẫn quyết “găm hàng” ít nhất đến giữa năm 2022 vì họ tin giá bất động sản sẽ tiếp tục đà tăng. Và, với những diễn biến từ thị trường, niềm tin của các nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho biết, trong năm 2022, bất động sản sẽ là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi từ việc dòng vốn đầu tư công tăng mạnh. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công lên tới 2,87 triệu tỷ đồng, kỳ vọng đạt giải ngân 95%.
Cùng với đó, các chương trình phục hồi kinh tế, phát triển nhà ở, triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn cũng là động lực để thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng.Bên cạnh vốn đầu tư công, dòng tiền từ các nhà đầu tư cũng sẽ tác động mạnh tới mặt bằng giá bất động sản.
Đặc biệt, theo dự báo, thị trường năm 2022 nhiều khả năng sẽ là “cuộc chơi” của những người trường vốn, có xu hướng chốt lời ở những nơi giá đã cao để chuyển sang những vùng đất mới còn rẻ và kỳ vọng có thể lặp lại những đợt “sóng” x2, x3 giá.
Ở một góc nhìn khác, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc công ty Việt An Hòa, dự báo trong năm 2022, thị trường bất động sản nhiều khả năng thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn, với một trong những lý do quan trọng đến từ kết quả phiên đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm hồi cuối năm 2021.
Theo ông Quang, các đợt đấu giá trong năm 2022, đặc biệt là ở các vị trí đất vàng, nhiều khả năng ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá bất động sản toàn thị trường TPHồ Chí Minh và vùng ven theo hướng đi lên.
Nhà dưới 2 tỷ cạn kiệt
Trong bối cảnh đó, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, cho rằng hy vọng lớn nhất để bình ổn thị trường bất động sản là việc gia tăng nguồn cung tại các phân khúc. Năm 2022, nguồn cung căn hộ dự báo sẽ tăng gấp đôi, phân khúc nhà liền thổ cũng sẽ tăng 20-30% so với năm 2021.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì nguồn cung tăng chỉ như “muối bỏ bể” và “cơn khát” nhà ở, đặc biệt nhà ở giá rẻ sẽ lên tới đỉnh điểm. Đặc biệt, trong bối cảnh giá đất liên tục vọt lên gấp 2-3 lần theo chu kỳ năm, vật tư - nhân công đội thêm 30-40% khiến nhà giá rẻ gần như biến mất khỏi "rổ hàng".
Bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Thị trường JLL Việt Nam, cho biết tại TPHồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều thành phố lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với “bài toán” tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng nhà giá rẻ ngày càng ít, khiến giấc mơ có nhà của những người thu nhập thấp ngày càng xa vời.
Điển hình, tại TPHồ Chí Minh, nguồn cung nhà ở bình dân có mức giá dưới 2 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2020 bước vào chu kỳ sụt giảm nghiêm trọng, khi suốt 2 năm chỉ đạt khoảng 5.000 căn. Riêng trong năm 2021, nguồn cung nhà giá rẻ gần như bằng không.
Để giải cơn khát nhà giá rẻ, theo các chuyên gia, Chính phủ cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở bình dân. Một số giải pháp khả thi có thể đến từ việc đưa ra các chính sách hỗ trợ tốt hơn về thuế cho nhà phát triển trong phân khúc này, đẩy nhanh và ưu tiên việc cấp phép cho các dự án trong phân khúc giá thấp.
Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng giúp cải thiện kết nối giữa các khu vực ngoại ô với khu trung tâm và các khu vực làm việc sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy phát triển nhà ở bình dân, giảm áp lực tại trung tâm các thành phố lớn.
Có thể thấy, những nhu cầu từ thực tế đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có giải pháp thiết thực hơn để ổn định thị trường, ngăn chặn tình trạng “sốt giá” ảo, tạo động lực cho các dự án nhà ở xã hội, khơi thông nguồn cung nhà ở giá rẻ, đáp ứng đời sống, an sinh cho người người dân.
Quay trở lại với những nhà đầu tư bất động sản, năm 2022 sẽ là một năm “cân não” lựa chọn tiếp tục “găm hàng” hay chốt lời. Việc bất động sản tăng giá có thể gây áp lực cho hoạt động đầu tư vì đòi hỏi dòng vốn ngày càng lớn hơn trước, đồng nghĩa các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Đặc biệt, đầu tư “lướt sóng” trong năm 2022 được cảnh báo rủi ro cực lớn khi thị trường đang triệt tiêu các cơ hội mua nhanh bán nhanh, các địa phương đã có kinh nghiệm hơn trong việc kiểm soát "sốt" đất. Vì thế, việc các chuyên gia dự báo thị trường BĐS 2022 là cuộc chơi của những người trường vốn không phải không có cơ sở.
Theo Hưng Nguyên/Vnbusiness
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/bds-2022-cuoc-choi-cua-nhung-nguoi-truong-von-a21101.html