Chiều 20/1, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã tổ chức cuộc trao đổi trực tuyến với báo chí giới thiệu thư của TAB, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) gửi Thủ tướng gần đây về đề xuất công bố chính thức việc mở cửa biên giới quốc tế của Việt Nam.
Tại cuộc trao đổi, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký TAB cho biết, hiện Việt Nam đã nằm trong top 6 thế giới về tốc độ triển khai tiêm vaccine. Việt Nam bắt đầu thực hiện tiêm vaccine muộn so với các nước 3 - 6 tháng. Nhưng đến nay độ phủ tiêm vaccine của Việt Nam không những đuổi kịp mà còn vượt nhiều quốc gia. Độ bao phủ tiêm chủng đã đạt trên 80% dân số, 70% người dân đã tiêm 2 mũi, nhiều triệu người đã tiêm mũi thứ 3, tỷ lệ người nhiễm bệnh nặng và tử vong còn rất ít.
Việt Nam đã bắt đầu những bước đầu tiên để mở cửa đất nước qua việc thực hiện các đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế và nối lại một số đường bay quốc tế thường lệ. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch đã kiệt quệ và có khả năng phá sản sớm.
Ban IV, TAB và VBF kiến nghị Thủ tướng công bố chính thức việc mở cửa biên giới quốc tế của Việt Nam để tạo cơ hội cứu sống nhiều doanh nghiệp du lịch.
Đặt trong bối cảnh này, TAB, Ban IV và VBF đã gửi thư cho người đứng đầu Chính phủ để nhấn mạnh một số thách thức lớn vẫn đang tồn tại và đề xuất một số giải pháp phù hợp.
Trong thư gửi Thủ tướng, TAB, Ban IV và VBF cho rằng, các hạn chế được áp dụng trong gần 2 năm qua gần như đã đánh gục du lịch, ngành mà trước đại dịch COVID-19 đã có đóng góp rất lớn vào GDP và việc làm của Việt Nam.
Chia sẻ về những thiệt hại to lớn của ngành du lịch trong thời gian qua, ông Lương Hoài Nam - thành viên TAB cho biết, du lịch quốc tế lâu nay được coi là ngành xuất khẩu tại chỗ. Bình quân 1 ngày chưa có COVID-19, doanh thu từ du lịch quốc tế ở Việt Nam khoảng 70 triệu USD/ngày, chưa tính dịch vụ vận chuyển hàng không. Mất mát của ngành du lịch và hàng không do đóng cửa bởi đại dịch trong 2 năm qua là không thể kể hết.
Xét đến thực tế là đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã được thực hiện ở một số địa phương mà không tạo ra thách thức gì đáng kể do Việt Nam đã đạt được tỷ lệ tiêm vaccine cao.
"Việt Nam hiện nay hoàn toàn đã ở một vị thế tuyệt vời để có thể hành động mạnh mẽ nhằm thu hút sự chú ý của cả thế giới bằng việc công bố chính thức việc mở cửa đất nước, trở lại với các chính sách, quy định có trước đại dịch COVID. Việc này sẽ tạo cơ hội cứu sống nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch", TAB, Ban IV và VBF nhấn mạnh.
Cũng theo TAB, Ban IV và VBF, đến thời điểm này, cả Campuchia và Lào đã chính thức mở cửa biên giới và điều quan ngại là không ít người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang chọn về nước bằng cách bay đến Phnom Penh, rồi đi đường bộ về nước, để tránh phải trả chi phí cao cho các chuyến bay hồi hương trọn gói.
Thêm vào đó, một số thủ tục hành chính cũng đang tạo ra các ràng buộc cho các doanh nghiệp trong chính lĩnh vực bị thiệt hại nhiều nhất. Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành đã có giấy phép lữ hành, khách sạn vẫn bị đòi hỏi phải xin thêm các phê duyệt khác nhau để có thể tham gia kinh doanh...
Theo TAB, Ban IV và VBF, đã đến lúc cần xác định thời điểm trở lại trạng thái “bình thường”. Mặc dù biến chủng Omicron có thể sẽ gây nguy hiểm nhưng Việt Nam có thể vượt qua được sóng dịch này vì Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng cao; kinh nghiệm đã có ở TP Hồ Chí Minh và các phương pháp điều trị mới.
Với những lý do trên, TAB, Ban IV và VBF khuyến nghị Thủ tướng Chính phủ chọn thời điểm ngày 1/5/2022 để chấm dứt tất cả các hạn chế di chuyển cả nội địa và quốc tế vào Việt Nam và từ Việt Nam.
Điều này sẽ cho phép ngành du lịch, bao gồm các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hãng hàng không đủ thời gian chuẩn bị, cũng như để các địa phương hoàn tất chương trình tiêm liều tăng cường cho phần đông dân cư. Việt Nam sẽ nhận được nhiều quảng bá miễn phí nhờ hành động mạnh mẽ và công bố ngày cụ thể mở cửa chính thức.
TAB, Ban IV và VBF cũng khuyến nghị các cơ chế, quy trình cần thiết triển khai chương trình trên cần được phối hợp ở cấp trung ương, thay vì để cho các địa phương thực hiện riêng rẽ. Mở rộng miễn visa cho tất cả các thị trường mục tiêu và các quốc gia có nhiều đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các đại sứ quán và cơ quan nhà nước tại các thị trường mục tiêu cần được thông báo rõ các kế hoạch này.
Ngày 19/1, Văn phòng Chính phủ ban hành công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 8/12/2021 của Chính phủ.
Trước đó, tại sự kiện công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam 2021 ngày 18/1, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, du lịch nội địa chủ động được khi các doanh nghiệp, địa phương đã vào cuộc để xây dựng kế hoạch phục hồi. Tuy nhiên, phải mở cửa quốc tế mới cứu được ngành du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi: “Với kết quả tiêm vaccine đứng trong top 6 nước bao phủ vaccine cao nhất thế giới, chúng ta có tự tin để báo cáo Chính phủ cho việc mở cửa trở lại hay chưa? 15 địa phương được đánh giá cũng chính là các địa phương dẫn dắt của du lịch Việt Nam đã sẵn sàng để đón khách quốc tế chưa? Nên chăng đề xuất ngày 30/4 là ngày mở cửa du lịch Việt Nam?”.
|