Lãi suất tiết kiệm tăng, Ngân hàng Nhà nước kích hoạt kênh "bơm tiền" OMO
Trong tuần trước (tuần từ ngày 17 – 21/1), mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có biến động trái chiều, với kỳ hạn qua đêm hầu như đi ngang, kết thúc tuần ở 1,12%.
Ngược lại, lãi suất kỳ hạn dài có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt kỳ hạn 2 tuần khi nhu cầu vay phản ánh kỳ vọng diễn biến lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng trong thời gian tới, khi thị trường bước vào giai đoạn cao điểm Tết Nguyên Đán.
Trong tuần, kênh "bơm tiền" của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở (OMO) đã được sử dụng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 1,1 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Tổng lượng tín phiếu đang lưu hành thông qua kênh OMO là 1,1 nghìn tỷ đồng.
Dù vậy, theo các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán SSI, áp lực đối với thanh khoản hệ thống chưa lớn và việc thiếu hụt chỉ mang tính cục bộ ở một số ngân hàng.
Thống kê của SSI cũng cho thấy, một số ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm với các khoản tiền gửi khách hàng cá nhân trong tuần qua, do áp lực thanh khoản cao điểm cuối năm.
Theo đó, trong vòng 2 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã tăng 10 – 50 điểm cơ bản đối với biểu lãi suất tiết kiệm, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn hoặc 1 năm.
Ngoài ra, các chương trình khuyến mại cũng được sử dụng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân, trong đó mặt bằng lãi suất thông qua kênh gửi tiền online cao hơn khoảng 20 – 30 điểm cơ bản so với kênh gửi tiền truyền thống.
Động thái tăng lãi suất của một số ngân hàng thương mại diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, lãi suất ngân hàng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, kênh gửi tiền tiết kiệm ngày càng trở nên kém hấp dẫn. Thay vào đó, dòng tiền có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư rủi ro hơn nhưng cũng mang lại những cơ hội sinh lời hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 11/2021, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 7,68% so với cuối năm 2020. Tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,6 triệu tỷ đồng, tăng gần 6% so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý, tiền gửi dân cư đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,63%, tương đương tăng gần 135.100 tỷ so với cuối năm 2020. Như vậy, trong vòng 1 tháng đã có 23.400 tỷ đồng được người dân rút ra khỏi ngân hàng.
"Kìm" đà tăng lãi suất thế nào?
Các chuyên gia đánh giá, động thái tăng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng như đã kể trên chỉ là xu hướng mang tính mùa vụ và mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ vọng sẽ hạ nhiệt sau đó.
"Áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022 và chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ chạm đáy vào năm 2022 và triển vọng tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế", báo cáo của SSI đề cập.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa thừa nhận, các quốc gia trên thế giới đang thực hiện chính sách hút tiền về (thu hẹp bảng cân đối tài sản) và Mỹ được cho là sẽ tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm 2022. Điều này sẽ tạo nên áp lực tăng lãi suất ở Việt Nam.
Trong khi đó, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nêu rõ: "Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%/năm trong năm 2022 và 2023, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên".
Trong bối cảnh như vậy, ông Nghĩa cho rằng, ngoài biện pháp hành chính, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để hạ lãi suất điều hành, hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc để "kìm cương" lãi suất.
"Nền tảng của mọi chính sách tiền tệ chính là lạm phát. Tại sao? Đó là vì điều người gửi tiền quan tâm là lãi suất thực dương, tức là người ta gửi lãi suất 6%/năm, trừ đi lạm phát 3% họ sẽ còn dương 3%. Lạm phát năm vừa qua là 1,85%, lạm phát năm 2022 có nhiều áp lực nhưng theo dự báo sẽ không tăng mạnh. Do đó, mặt bằng lãi suất vẫn hoàn toàn có thể được giữ ổn định, thậm chí giảm thêm trong năm 2022", ông Nghĩa nhấn mạnh thêm.
HUYỀN ANH
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/lai-suat-tiet-kiem-tang-ngan-hang-nha-nuoc-kich-hoat-kenh-bom-tien-a21294.html