Phó chủ tịch EC: Tôi ngưỡng mộ sự phát triển của Việt Nam

Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans bày tỏ sự ấn tượng đối với những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về môi trường.

pho chu tich ec tham viet nam anh 1
 

Trong cuộc trả lời trực tuyến độc giả Zing vào ngày 19/2, Phó chủ tịch EC Timmermans cho biết EU dõi theo sự phát triển của Việt Nam với sự “ngưỡng mộ”. Trong đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính là minh chứng thể hiện sự quan tâm của châu Âu với Việt Nam.

“Ký kết hiệp định thương mại tự do không phải là việc dễ dàng, nhưng với Việt Nam, chuyện này lại tương đối đơn giản”, ông nói. “Châu Âu nhận thấy những lợi ích rất lớn từ sự phát triển bùng nổ của Việt Nam. Chúng tôi đã thúc đẩy mối quan hệ này. Đó cũng là lý do tôi có mặt ở đây”.

Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Ban đầu, không ai nghĩ một quốc gia đang phát triển sẽ có bước đi tiến bộ và tham vọng đến vậy. Do đó, những cam kết của Việt Nam ngay lập tức thu hút sự chú ý quốc tế”, ông chia sẻ.

Ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam

Phó chủ tịch EC đánh giá cao những cam kết của Việt Nam về môi trường. Trong các buổi làm việc với giới chức Việt Nam, ông đã đề cập đến vấn đề năng lượng, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0, vấn đề chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, ông cho biết.

“Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số cam kết rất mạnh mẽ để cải thiện điều đó. Và chúng tôi hiện làm việc để giải quyết vấn đề này”, ông nói với Zing.

Ông Timmermans bày tỏ sự lạc quan với cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26, bao gồm giảm phát thải khí carbon đạt mức 0 vào năm 2050.

pho chu tich ec tham viet nam anh 2

Phó chủ tịch EC ấn tượng với cam kết về khí hậu của Việt Nam tại hội nghị COP26. Ảnh: Reuters.

“Cam kết trên có thể thực hiện, nếu như Việt Nam lên kế hoạch ngay từ bây giờ”, ông nói. “Đó cũng là điều tôi đã nhấn mạnh trong chuyến thăm tới Việt Nam”, ông cho biết thêm.

Ngoài ra, ông bày tỏ sự ấn tượng với các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, về cả tư duy kinh doanh lẫn cam kết “xanh hóa” nền kinh tế. “Họ sử dụng mọi cơ hội để chuyển đổi năng lượng, đồng thời sử dụng cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài vào việc tạo ra hạ tầng bền vững”, ông nói.

Ông Timmermans cũng đề cập đến thành quả của quá trình này. “Có một nhà đầu tư mới từ Đan Mạch, Lego, sẽ đầu tư cơ sở sản xuất thứ sáu của họ tại Việt Nam. Nhà xưởng của họ sẽ được xây dựng theo hướng trung hòa carbon, và họ chỉ sử dụng năng lượng tái tạo”, ông cho biết.

Đẩy mạnh hợp tác song phương

Theo ông Timmermans, EVFTA là điểm khởi đầu tốt để Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đạt được phát triển bền vững. Ông cho biết EU đã hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, bảo vệ và cải thiện đa dạng sinh học hay lâm nghiệp bền vững.

“Việt Nam là thiên đường đa dạng sinh học, nhưng đang bị đe dọa do hoạt động nông nghiệp và phát triển kinh tế”, ông nói. "Chúng tôi đảm bảo rằng có thể bảo vệ sự phong phú tự nhiên đó, và sẽ làm việc rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam về vấn đề này".

pho chu tich ec tham viet nam anh 3

Ông Timmermans gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Ngoài ra, EU còn quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững xã hội. “Công dân châu Âu ngày càng yêu cầu chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn đối với sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài EU”, ông Timmermans chỉ ra. “Họ cũng yêu cầu công nhân tạo ra những sản phẩm này ở Việt Nam và các nơi khác phải được trả lương cao, được bảo vệ tốt tại nơi làm việc”.

Trước những lo ngại về việc Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) - trong đó đề xuất áp thuế phát thải carbon lên hàng hóa của những nước bên ngoài EU - có thể tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, ông Timmermans bày tỏ sự lạc quan.

“Tôi sẽ không quá lo lắng. Vì sao ư? Việt Nam đã là một trong những nước cam kết đạt phát thải bằng 0. Điều này đồng nghĩa các bạn phải đặt ra một mức giá cho carbon”, ông tuyên bố. “Hiện có nhiều cách tính giá carbon, nhưng tất cả đều giảm thiểu mối nguy hại của phát thải”.

Phó chủ tịch điều hành EC cũng chỉ ra CBAM còn có một bộ quy chuẩn để ngăn chặn các công ty phát thải. Khi một doanh nghiệp rời khỏi nơi có luật lệ nghiêm khắc, họ sẽ không thể làm ăn ở nơi tương tự.

“Vì vậy, nếu chúng ta đi cùng hướng và đánh thuế lên carbon, chúng ta không cần điều chỉnh những cái khác”, ông Timmermans nói.

Theo ông Timmermans, cần tính đến sự chênh lệch giữa khí thải carbon thải ra với sản phẩm sản xuất ở Việt Nam và châu Âu. “Nhưng nếu mức thuế là ngang bằng cho châu Âu và Việt Nam, chúng ta không cần lo lắng. Tất cả phụ thuộc vào đường hướng của Việt Nam”, ông nhận định.

Triển vọng và thách thức của tương lai xanh

Ông Timmermans chia sẻ việc chuyển đổi sang năng lượng xanh phù hợp với lợi ích của người dân.

“10 năm trước, chúng tôi phụ thuộc vào khí đốt. Hóa đơn năng lượng tăng quá nhanh khiến mọi người lo lắng và muốn tìm cách ngăn chặn”, ông nói. “Chúng tôi đảm bảo mọi người hiểu rằng việc đẩy nhanh quá trình chuyển năng lượng tái tạo là giải pháp phù hợp cho điều này, giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga”.

pho chu tich ec tham viet nam anh 4

Ông Timmermans tin tưởng Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển năng lượng xanh. Ảnh: Việt Đức.

“Năng lượng tái tạo là loại năng lượng rẻ nhất con người có thể có. Nếu bạn tạo ra những tấm pin mặt trời và tuabin gió, bạn có thể tạo ra điện với chi phí rẻ hơn", ông nói về các lợi thế của năng lượng xanh.

"Một lợi thế nữa của năng lượng mặt trời là bạn có thể mang nó đến những vùng xa xôi nhất, trao cho các cộng đồng địa phương quyền sở hữu nguồn năng lượng của họ”, ông nhận định.

Mặt khác, ông Timmermans cũng đề cập đến thách thức của loại năng lượng này, đặc biệt buộc các nền kinh tế phải trải qua một số thay đổi mang tính cốt lõi. Tuy vậy, so với những khó khăn, việc sử dụng năng lượng tái tạo vẫn mang lại nhiều lợi thế hơn, đặc biệt đối với Việt Nam.

“Trước hết, Việt Nam sẽ không cần phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu như nhiên liệu hóa thạch từ bên ngoài nữa. Việt Nam có thể tự chủ và không cần sử dụng than đá, nguồn năng lượng ‘bẩn’. Thứ hai, chất lượng không khí sẽ tốt hơn và giá thành của nó cũng rẻ hơn nhiều”, phó chủ tịch điều hành EC nói.

Ông cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng xanh nhờ điều kiện tự nhiên của mình. “Việt Nam có 3000 km bờ biển, đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam, có nguồn năng lượng gió khổng lồ. Việt Nam cũng có năng lượng mặt trời - loại năng lượng rẻ nhất trên thế giới”, ông khẳng định.

Ông Timmermans cũng bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề quản lý nguồn nước ở đồng bằng sông Mekong và liên hệ với quê hương Hà Lan của ông. “Bạn cũng biết đấy, tôi là người Hà Lan, chúng tôi phải xử lý vấn đề nước ngay từ khi lập quốc, do hầu hết lãnh thổ chúng tôi ở dưới mực nước biển”, ông chia sẻ.

Theo ông, thách thức này có thể xử lý bằng công nghệ. “Điều đầu tiên, chúng ta cần ngăn chặn mọi thứ vượt qua khỏi tầm kiểm soát, ngăn nhiệt độ vượt quá 1,5 độ C”, ông nói. “Giờ đây, ở mức tăng nhiệt độ 1,1 độ C, chúng ta đã thấy hiện tượng thời tiết thất thường đã xảy ra ở đồng bằng sông Mekong”.

Một độc giả đã hỏi rằng "Cháu hiện là sinh viên sắp ra trường tại trường đại học Việt Nam. Bác có lời khuyên gì dành cho sinh viên sắp ra trường trong bối cảnh hậu Covid-19 hiện nay không ạ?".

Ông Timmermans:

"Bạn biết đấy, tôi cũng nghĩ tới con cháu mình. Tôi nghĩ bạn sẽ phải cố bắt kịp trên nhiều phương diện. Trong đại dịch Covid-19, bạn có lẽ vẫn có thể làm được mọi thứ cần thiết trong việc học. Nhưng việc học ở đại học chỉ là một nửa những việc cần làm thôi. Một nửa kia là học cách làm người lớn, học cách xã giao, kết thêm bạn mới. Trong một thời gian dài thì điều này là gần như bất khả thi.

Lời khuyên của tôi là hãy cố gắng bắt kịp, hãy sống, di chuyển và có những người bạn mới. Vì đây sẽ là một phần của việc hình thành tính cách cá nhân, bên cạnh thành tích học tập. Với thanh niên, tôi không lo lắng về mặt thành tích học tập mà lo cho mặt con người của họ. Những năm của tôi từ 58 tới lúc 61 tuổi không khác nhau là mấy.

Nhưng với thanh thiếu niên, từ 14 tới 16 tuổi hay 16 tới 18 tuổi sẽ là những năm không bao giờ quay trở lại. Và tôi ước gì những năm đó sẽ có thể khác đi đối với họ.

Đáng buồn là tôi không thể thay đổi điều đó, nhưng chúng ta lúc này có thể cố gắng giúp họ vui sống hơn một chút".

Vân Đinh và Việt Hà

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/pho-chu-tich-ec-toi-nguong-mo-su-phat-trien-cua-viet-nam-a21558.html