"Chúng tôi không muốn chiến tranh"
Đầu giờ chiều ngày cuối cùng của tháng 2, bà Nguyễn Svitlana (56 tuổi, người Ukraine) hiện ở khu tập thể Viện Mác-Lê Nin, ngõ 84 Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đang cùng người bạn thân thiết Irina (37 tuổi, quốc tịch Nga) sửa soạn lại cửa hàng sau nhiều ngày đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cả bà Svitlana và Irina đã sinh sống tại Hà Nội, có tình bạn kéo dài gần 2 thập kỷ qua.
Đáng chú ý là khi chia sẻ với PV Dân Việt, bà Svitlana không nói được Tiếng Việt. Cuộc trao đổi qua lại với chúng tôi được chính người bạn gốc Nga của bà phiên dịch lại. Bà cho biết bản thân mấy ngày qua không thể nào chợp mắt và liên tục điện cho người thân đang sinh sống nơi quê nhà Ukraine hỏi thăm tình hình sức khoẻ.
"Tôi luôn chấp tay cầu nguyện cho người thân, người dân Ukraine và những người dân Việt Nam đang sinh sống tại đó được bình an. Mong rằng hoà bình và tự do đến với tất cả chúng ta. Tôi rất đau lòng, sợ khi thấy chiến tranh. Ngày xưa đã từng xảy ta chiến tranh nên giờ tôi không muốn.
Mấy ngày qua, tôi liên tục gọi điện về quê nhà nơi có gia đình chị gái, các cháu, cô, chú, bác trong nhà hỏi xem có việc gì không? Mọi người như thế nào? Có an toàn không? Hôm nào tôi cũng gọi mấy lần liền", bà Svitlana xúc động nói.
Những lúc hỏi như thế, bà Svitlana được người thân phúc đáp bằng những tiếng khóc cùng nỗi lo sợ không an toàn. Mọi người cũng không được di chuyển ra ngoài mà ở yên trong nhà. Những lúc như thế, bà Svitlana cũng chỉ biết động viên mọi người trong gia đình bình tĩnh, giữ an toàn.
"Mấy hôm nay tôi không thể nào chợp mắt, không thiết ăn uống. Giờ ở Việt Nam nên tôi cũng không biết làm cách nào khác", bà Svitlana thở dài.
Tiếp lời bà Svitlana, chị Irina chia sẻ, là người con xứ sở Bạch Dương, chị không muốn nơi đây xảy ra chiến tranh để nhiều người phải thiệt mạng hay ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống người dân.
"Tôi và chị Svitlana đã làm bạn thân của nhau đến nay đã 18 năm. Cả hai chúng tôi đều lấy chồng Hà Nội. Tôi như cánh tay phải của chị Svitlana vậy. Tôi phụ chị cùng mở quán ăn Nga. Khi chiến sự hai nước xảy ra, chúng tôi đều không muốn chiến tranh. Không ai muốn người dân phải khổ.
Hiện tôi có gia đình chị gái cùng người thân họ hàng sinh sống tại Nga. Tôi gọi điện về quê nhà nhưng ở quê không vấn đề gì. Chúng tôi kêu gọi mọi người, cả thế giới cùng lên tiếng yêu cầu dừng lại chiến tranh giữa Nga - Ukraine để mọi người không phải khổ", chị Irina nói.
"Dù thế nào chúng tôi vẫn yêu quý nhau"
Làm bạn thân với nhau, cùng nhau giúp đỡ, chia sẻ những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống nên giữa bà Svitlana và Irina đều không muốn vì bất hoà chiến tranh hai nước ảnh hưởng tới mối quan hệ của nhau.
"Chiến tranh không ai mong muốn và dù thế nào chúng tôi vẫn yêu quý nhau. Chỉ muốn tất cả mọi người, thế giới tác động để không xảy ra chiến tranh. Bởi khi xảy ra người dân sẽ khổ, ngoài ra tác động đến kinh tế, cuộc sống mọi mặt…", Irina nói.
Theo Irina, trước đây mỗi năm gia đình bà đều cố gắng thu xếp về Nga thăm người thân một lần. Tuy nhiên, gần 3 năm qua do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp bà chưa thu xếp được thời gian về thăm người thân.
Chia sẻ thêm với PV Dân Việt về sức khoẻ của ông Nguyễn Văn Thắng (57 tuổi, chồng bà Svitlana), người phụ nữ này cho biết, ông bị đột quỵ hiện đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương từ nhiều tháng nay.
"Sức khoẻ đã yếu, ông Thắng còn đang mắc Covid-19 khiến tôi rất lo lắng. Mấy ngày nay do tình hình dịch phức tạp nên tôi cũng không được vào chăm sóc cho anh ấy. Hiện có người giúp việc thay tôi chăm lo cho anh tại bệnh viện. Do dịch bệnh nên bệnh viện cũng hạn chế người ra vào", bà Svitlana nói.
Suốt những năm qua, bà Svitlana luôn âm thầm dõi theo, chăm sóc chồng. Ông Thắng đã có hàng chục lần nhập viện, vài lần thập tử nhất sinh và 4 lần bị đột quỵ, hai lần liệt toàn thân… Có những lúc cuộc sống bế tắc tưởng không thể tiếp tục, nhưng rồi nhìn chồng và các con, bà Svitlana lại có thêm động lực để tiếp tục cố gắng.
Kể về câu chuyện tình yêu của mình, bà Svitlana cho hay, vào năm 1988, hai người lần đầu gặp nhau tại căng-tin Cục hải quan thành phố Kiev (Ukraine) trong một lần ông Thắng đến gửi hàng về Việt Nam.
"Khi gặp nhau, anh ấy đã tốt nghiệp đại học. Ngày hôm sau anh tới nơi tôi làm việc tặng một thanh socola và quả táo để làm quen. Tôi có cảm tình với anh ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi anh là người thông minh, giao tiếp thú vị và biết quan tâm. Chúng tôi bắt đầu yêu nhau và hai năm sau (1990) kết hôn", bà kể.
Lập gia đình xong, ông Thắng quyết định ở lại Ukraine, thay vì về nước như kế hoạch trước đó. Năm 2000 thất nghiệp, ông bàn với vợ là ông cùng con gái 9 tuổi về Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, và hứa với vợ khi công việc ổn định sẽ đón vợ và hai con trai về đoàn tụ. Chồng về nước được một năm thì đổ bệnh nặng do huyết áp cao. Lúc này, Svitlana vội vã đưa hai con nhỏ về Việt Nam để chăm chồng.
"Về tới Hà Nội gặp được anh tôi vô cùng lo lắng vì sức khoẻ của anh ngày một yếu đi. Tôi quyết định ở đây để lo chăm sóc cho anh. Được một thời gian, năm 2002 tôi quay về nước bán toàn bộ nhà cửa, đồ đạc, xe cộ và cả nhẫn đính hôn... rồi trở lại Việt Nam lo chạy chữa cho anh", Svitlana nói.
Bao năm qua, người phụ nữ gốc Ukraine vẫn luôn thầm lặng chăm sóc cho chồng bị đột quỵ điều trị tại bệnh viện. Hiện tại ông Thắng vẫn chưa thể cử động, không nói được. Mọi hoạt động đều phải có người hằng ngày chăm sóc. Bà Svitlana đã thuê 1 giúp việc 24/7 chăm sóc cho chồng. Còn mình ngày nào cũng chạy ngược xuôi vừa đến bên chồng vừa lo bán hàng để kiếm thêm thu nhập chạy chữa cho ông.
GIA KHIÊM