Mở cửa du lịch: nhiều thách thức
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc sẵn sàng các điều kiện mở cửa lại thị trường khách quốc tế. Bộ này cho biết, đến nay công tác chuẩn bị của các địa phương, doanh nghiệp cơ bản đã sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu mở cửa, đón khách du lịch quốc tế từ 15/3/2022.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, tiến trình mở cửa du lịch, mở cửa hàng không của nước ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và cần có sự chung tay hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ các Bộ, Ban ngành có liên quan.
Tại diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines cho biết, hiện tại vẫn còn khó khăn trong tiến trình mở cửa hàng không và định hướng mở cửa sắp tới.
Về khó khăn, ông Trung cho biết, hiện nay quy định nới lỏng điều kiện nhập cảnh và cách ly cho khách du lịch quốc tế chưa được ban hành; chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích, thu hút khách. Khách Việt Nam sang nước ngoài cần có xét nghiệm âm tính khi trở lại Việt Nam khiến không ít du khách có tâm lý lo ngại. Hay khách nước ngoài đến Việt Nam thì băn khoăn họ sẽ chữa trị ở lại Việt Nam như thế nào, chi phí nếu họ dương tính.
"Điều này rất khó kích thích, thu hút khách du lịch. Nếu chúng ta mở cửa , xác định du lịch là ngành mũi nhọn, là cơ hội để Việt Nam mở cửa phát triển kinh tế sau đại dịch, chúng tôi kiến nghị có các quy định thông thoáng hơn về vấn đề này”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Thế Bình,Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, mở cửa cho ngành du lịch ngày 15/3 thực chất chính là mở cửa cho toàn ngành kinh tế.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cũng đưa ra nhận định, mở cửa cho ngành du lịch ngày 15/3 thực chất chính là mở cửa cho toàn ngành kinh tế của chúng ta. Để mở cửa du lịch, theo ông Bình, khó khăn nhất hiện nay chính là vấn đề về visa.
Theo ông Bình, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cách đây 2 năm, chúng ta đã quy định dừng lại tất cả các việc cấp visa cho khách khi bắt đầu có dịch bệnh, điều đó là rất đúng, rất cần thiết. Tuy vậy, hiện tại chúng ta đã có đầy đủ cơ hội, thì phải mở cửa, mà đã mở cửa thì phải mở visa cho khách vào Việt Nam. Bên cạnh vấn đề về visa, thì ông Bình cũng cho rằng vấn đề cách ly y tế cũng là một trong những vấn đề rất nặng nề khi Việt Nam tiên hành mở cửa du lịch trở lại.
Cần đặt vấn đề an toàn sức khoẻ du khách và nhân viên lên hàng đầu
Cũng tại sự kiện, ông William Haandrikman, Tổng Quản lý Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi nhận định, để cho du lịch phục hồi, cất cánh, nên mở cửa ngành du lịch với việc áp dụng các chính sách như trước khi đại dịch, mở cửa biên giới mà không áp dụng quy định ngặt nghèo về cách ly.
Theo đó, đại diện Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi cho biết, một trong những mối quan tâm hàng đầu khi mở cửa lại du lịch là đảm bảo an toàn cho khách hàng. Bên cạnh đó là vấn đề đảm bảo minh bạch thông tin, an toàn cho nhân viên và chuyển đổi số.
“Khách hàng sẽ quan tâm tính linh hoạt xử lý các trường hợp khi khách hàng có thể bị lỡ hẹn khi dương tính. Du lịch bền vững cũng là xu hướng mà khách hàng sẽ thích để giảm tải tiếp xúc, giữ an toàn khi du lịch trong dịch bệnh. Yếu tố thư giãn và sức khoẻ tinh thần cũng là điều mà du khách đặc biệt quan tâm”, ông William Haandrikman chia sẻ.
Đặc biệt, đại diện Sofitel Legend Metropole Hanoi nhận định 4 điểm chính doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hiện mở cửa hoàn toàn, đó là chúng ta phải đặt vấn đề an toàn sức khoẻ khách hàng và nhân viên lên hàng đầu. Đưa ra ưu đãi ngay tại các khách sạn, cơ sở lưu trú trong thành phố. Xác định thị trường quốc tế trọng tâm. Đồng thời, khách hàng khi du lịch đến Việt Nam sẽ quan tâm ẩm thực, văn hoá địa phương.
Huyền Phạm
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/nhieu-thach-thuc-khi-mo-cua-du-lich-a25567.html