Giá cà phê trong nước tăng mạnh 1.000 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch hôm qua 17/3. |
Giá cà phê hôm nay 18/3
Sau một phiên bật tăng mạnh ngày hôm trước, giá cà phê lại sớm quay đầu giảm nhẹ. Hiện tượng này được cho không quá bất ngờ khi thị trường nói chung hoảng loạn, bao gồm cả sàn hàng hóa và tài chính trong thời gian chờ đợi phán quyết của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách lãi suất. Chúng ta được chứng kiến giá các sàn hàng hóa thương phẩm bị đẩy lên rất cao trước đó để rồi sụp xuống vỡ vụn chỉ trong vài ngày, mức độ biến động rất lớn, trong đó có giá cà phê, khi thì giảm vài chục khi tăng quá tay.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/3, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London đồng loạt tăng rất mạnh, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 72 USD (3,46%), giao dịch tại 2.153 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 73 USD (3,56%) giao dịch tại 2.126 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp dưới trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng tăng rất mạnh, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 7,1 Cent (3,36%), giao dịch tại 218,25 Cent/lb. Trong khi, giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 7,2 Cent (3,42%), giao dịch tại 218,00 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước tăng mạnh 1.000 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch hôm qua 17/3.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Kết quả của các phiên họp chính sách tiền tệ phù hợp với suy đoán của thị trường trước đó là Fed – Mỹ quyết định nâng lãi suất cơ bản USD thêm 0,25% lên ở mức 0,25 – 0,5%/năm và Copom – Brazil nâng lãi suất cơ bản đồng Real thêm 1% lên ở mức 11,5%/năm và sẽ xem xét khả năng tăng thêm tại phiên họp chính sách kỳ tới cho đến khi mức lạm phát “tương đối ổn định”.
Với quyết định tăng 0,25% chứng tỏ Fed đã theo chính sách tài chính "bồ câu" uyển chuyển hơn, tăng 0,25% đợt này và sẽ có những đợt tăng khác, tùy theo tình hình.
Tuy nhiên, với mức tăng lãi suất quá nhẹ nhàng, một số chuyên gia lo ngại Mỹ sẽ không trị được lạm phát mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đáng ngại hơn là vừa suy thoái vừa lạm phát (lạm phát đình trệ). Theo một số chuyên gia, để trị được tình trạng nguy hiểm trên, Fed phải tăng đến 5% chứ không dừng tại 2% cho tất cả các đợt tăng.
Về thị trường cà phê, xuất khẩu cà phê đã rang trong 4 tháng đầu niên vụ 2021 - 2022 tăng mạnh 18,8%, lên 282.000 bao so với 238.000 bao cùng kỳ niên vụ trước. Tương tự, xuất khẩu cà phê hòa tan tăng 11,5%, lên mức 4,2 triệu bao so với 3,8 triệu bao của niên vụ trước.
Với diễn biến này, tỷ trọng cà phê nhân xanh trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 0,7 điểm phần trăm, trong khi tỷ trọng xuất khẩu cà phê đã rang tăng 0,1 điểm phần trăm và cà phê hòa tan tăng 1,1 điểm phần trăm. Đây là sự tiếp nối xu hướng giảm tỷ trọng hạt cà phê xanh trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong những năm gần đây.
Kể từ niên vụ cà phê 2010 - 2011 đến niên vụ 2020 - 2021, tỷ trọng hạt cà phê xanh đã giảm từ 92% xuống 90,6%. Tỷ trọng hạt cà phê xanh giảm là do sự gia tăng các lô hàng cà phê hòa tan, với tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,8% lên 8,8% trong cùng giai đoạn.
Về thị trường cung cấp, Brazil vẫn là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong 4 tháng đầu niên vụ 2021 – 2022, chiếm đến 32% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu. Tuy nhiên, so với niên vụ trước xuất khẩu cà phê của Brazil đã giảm mạnh 4 triệu bao, tương ứng với mức giảm lên tới 22,9% từ 17,3 triệu bao xuống còn 13,4 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của một quốc gia Nam Mỹ khác là Colombia, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 thế giới cũng giảm 7,1% trong giai đoạn từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 1 năm nay, xuống còn 4,4 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng vọt 17,5% trong 4 tháng đầu niên vụ 2021 - 2022, lên mức hơn 9,2 triệu bao so với 7,9 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước. Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê toàn cầu với thị phần chiếm 22%. Tương tự, xuất khẩu cà phê của một số nước châu Á khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao như Indonesia tăng 11,6%, Ấn Độ tăng 65,1%.
Tại khu vực Trung Mỹ, xuất khẩu của các nhà sản xuất chính đều phục hồi tốt so với cùng kỳ niên vụ trước với Honduras tăng 32,7%, Guatemala tăng 22,3%, Nicaragua tăng 20,6% và Costa Rica tăng 89,8%. Ngoài ra, xuất khẩu của Mexico cũng tăng 15,5% và Peru tăng 25,3%.
Tại khu vực châu Phi, xuất khẩu cà phê của Uganda tăng 12,9% và Ethiopia tăng 30% trong 4 tháng đầu niên vụ hiện tại.
GIA AN
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/gia-ca-phe-hom-nay-183-gia-quay-dau-giam-sau-khi-tang-qua-muc-xuat-khau-ca-phe-viet-tang-vot-a26113.html